Nhiều phụ huynh có con trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Phước Long (quận 9) hết sức bức xúc khi vừa làm thủ tục nhập học vào trường này đã bị buộc phải đóng tiền “học bồi dưỡng” ngay trong tháng 8.
Theo thông báo của nhà trường, học phí trọn khóa học bồi dưỡng này là 72.000 đồng, gồm 48 tiết học (văn 16 tiết, toán 16 tiết, Anh văn 12 tiết và 4 tiết sinh hoạt chủ nhiệm!).
![]() |
PHHS xem kết quả trúng tuyển vào lớp 10 Trường PTTH Hùng Vương. Có lẽ không ai nghĩ rằng trước khi cho con vào học trường này phải làm cam kết với nhiều điều ràng buộc như thế. |
Ông Trần Anh Dũng, hiệu trưởng nhà trường cho Tuổi Trẻ biết:: “Đây là khoản học phí không bắt buộc, mang tính tự nguyện. Học sinh nào không học thì không phải đóng”. Tuy nhiên, những thông báo dán tại trường và thông báo trường gửi đến phụ huynh lại không thể hiện điều này.
Nhà trường yêu cầu khi đến nộp hồ sơ nhập học phải đóng 150.000 đồng gồm các khoản tiền: hành chính phí 40.000 đồng (bao gồm tiền học bạ, thẻ học sinh, thẻ thư viện, phù hiệu, logo, phiếu xin phép...), đồng phục thể dục (38.000 đồng/bộ) và cả 72.000 đồng học phí tháng 8 (tức học phí khóa bồi dưỡng nói trên). Trong thông báo gửi kèm mẫu đơn đăng ký vào học, trường này cũng yêu cầu phụ huynh cho đóng học phí ngay sau khi nộp hồ sơ nhập học để nhà trường nhanh chóng xếp lớp.
Thế nhưng nói về tốc độ, Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2) đã “đi trước một bước”! Theo quy định của Sở GDĐT, đến ngày 28/7 mới hết hạn nhận hồ sơ trúng tuyển lớp 10, nhưng các khóa học “bồi dưỡng” ở trường này đã được mở từ đầu tháng 7, khi chưa có danh sách chính thức trúng tuyển vào trường. Đến ngày 19/7, thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ trúng tuyển vào lớp 10, trường này lại mở thêm khóa học thứ hai. Học sinh cứ đến nộp đơn là đóng tiền vào học.
Lạ hơn nữa, mặc dù khóa học sau trễ hơn khóa trước hai tuần nhưng học phí lại được tính ngang nhau: 320.000 đồng/học sinh, cao gấp hơn ba lần học phí bán công và gấp hơn 10 lần học phí công lập.
Đó là chưa kể học sinh công lập lẫn bán công đều phải học với thời lượng khá căng thẳng như học chính khóa: 20 tiết /tuần (cho năm môn toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ). Giải thích cho việc buộc học sinh mới vào phải đồng loạt học thêm như trên, ông Lê Kim Tiến, Hiệu phó trường này, đã viện lý do chất lượng đầu vào lớp 10 năm nay ở trường rất thấp (HS có điểm thấp nhất là 30 điểm đối với cả hai hệ công lập và bán công) và cho rằng “nhà trường đã có giải thích cho phụ huynh hiểu sự cần thiết phải học bồi dưỡng thêm trong hè nên hầu hết phụ huynh đã đồng tình”.
Trong khi đó Trường THPT Hùng Vương lại đưa phụ huynh học sinh vào thế “bút sa gà chết”. Những phụ huynh có con trúng tuyển vào trường này ngay từ khi mua đơn đăng ký nhập học đã được gửi kèm một bản cam kết với nhà trường. Bản cam kết bao gồm sáu điều khoản mà theo phụ huynh là vừa thừa vừa vô lý.
Trong đó đáng nói nhất là điều 2: “Nếu sau mỗi kỳ kiểm tra tập trung hoặc kiểm tra học kỳ, điểm bài thi của con tôi dưới điểm yêu cầu của nhà trường qui định, tôi sẽ đồng ý cho con tôi tham gia các lớp học phụ đạo được tổ chức theo thỏa thuận của hội cha mẹ học sinh và nhà trường mà không xin miễn vì bất cứ lý do gì”. Vậy “dưới điểm yêu cầu của nhà trường” là bao nhiêu điểm?
Quy định không cụ thể nhưng yêu cầu trách nhiệm lại rất chặt chẽ “... sẽ chịu mọi biện pháp xử lý kỷ luật nếu vi phạm quy định của trường”. Điều 3 trong bản cam kết còn ràng buộc rằng: “Tôi đồng ý cho con em hoàn tất chương trình học nghề phổ thông trong năm học lớp 10, 11”; trong khi theo quy chế (chương trình cũ), đây là những môn học tự nguyện, học sinh đạt điểm thi nghề sẽ được cộng thêm 1-2 điểm (tùy điểm thi nghề) vào điểm thi tốt nghiệp.
Còn các điều 4, 5, 6: “Phải tham gia hội họp đầy đủ... tích cực đóng góp ý kiến xây dựng nhà trường... không được cử người đi thay”, “Nếu làm hư hỏng và mất mát tài sản của người khác hay của nhà trường... phụ huynh phải bồi thường đúng theo giá trị thực tế”, “đóng học phí đủ, đúng hạn theo quy định của Sở GDĐT và của trường”... theo các phụ huynh: “đó là những nghĩa vụ đương nhiên phải thực hiện, có cần phải cam kết?”.
Không lâu trước đây cũng đã có những trường buộc học sinh vào trường mình phải làm cam kết... không được để học lực dưới trung bình, thậm chí trung bình. Và cũng đã có không ít học sinh dù được trường tuyển lựa kỹ lưỡng trước khi nhận vào nhưng trong quá trình học bị đuối sức, đã phải cay đắng rời trường không một lời phản ứng vì “bút đã sa” vào bản cam kết!
Những điều kiện, yêu cầu mà các trường trên đặt ra dường như đã làm thay đổi đáng ngại mối quan hệ truyền thống giữa nhà trường và phụ huynh: trong hoàn cảnh này, học sinh trở thành những người được “ban ơn” hơn là thể hiện quyền và trách nhiệm đi học của mình.