Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết sau khi nhận được phản ánh về cơ sở thẩm mỹ ở hẻm 195 Lê Văn Sỹ, quận 3, khiến bệnh nhân nguy cơ mù mắt, hôm 21/9, Thanh tra Sở cùng cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, ngôi nhà không có biển hiệu spa, không có dụng cụ hành nghề, máy móc hay các sản phẩm thẩm mỹ, có dấu hiệu tẩu tán đồ đạc, chỉ còn lại một chiếc giường. Chủ cơ sở thẩm mỹ cùng nhân viên cũng không có mặt.
Bác sĩ Mai cho hay nhà chức trách đang truy tìm tung tích chủ cơ sở. Các cơ sở làm đẹp không phải làm phòng khám hay cơ sở y tế nên không được phép thực hiện các thủ thuật như cắt mí, tiêm filler nâng mũi, nâng cằm... Phòng Y tế quận 3 kiểm tra cho biết cơ sở này chưa đăng ký kinh doanh.

Bệnh nhân bị nhiều thương tổn sau khi tiêm chất làm đầy để nâng mũi. Ảnh: T.V.
Ngày 18/9, nữ sinh viên 20 tuổi theo quảng cáo trên mạng, đến spa này tiêm chất làm đầy (filler) nâng mũi với giá 600.000 đồng. Tiêm xong, mắt trái của nạn nhân đau nhức dữ dội và mờ dần, da từ đầu mũi đến mắt xuất hiện những mảng đỏ. Bệnh nhân được người ở cơ sở thẩm mỹ này đưa đến Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu. Tiên lượng mắt bệnh nhân khó trở về thị lực bình thường, vùng da phải theo dõi để đánh giá tình hình và xử lý.
Hai tháng trước, một phụ nữ 30 tuổi mù vĩnh viễn mắt trái sau khi tiêm chất làm đầy tại một spa ở quận 4, TP HCM. Chất làm đầy được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều nhờ kỹ thuật tiêm khá đơn giản, ít đau, hiệu quả tức thì và kéo dài, không phải phẫu thuật. Tuy nhiên chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để lại hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong nếu người thao tác không tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo.