Theo cáo trạng, Tân Hoàng Phát là một doanh nghiệp kinh doanh trá hình, lợi dụng trình độ học vấn hạn chế của nhân viên nhằm tổ chức chiếm đoạt tài sản của họ. Chỉ vì muốn làm giàu bất chính, vợ chồng Trí và đồng bọn đã coi thường pháp luật bắt nhân viên massage kích dục cho khách.
Không những thế, Trí và đồng bọn còn buộc họ phải tuân theo những quy định vô lý tự đặt ra. Theo đó, các nhân viên phải làm việc từ 9h sáng hôm trước đến 1h sáng hôm sau. Hết giờ làm việc nhân viên phải ăn ở lại công ty không được phép đi ra ngoài, mọi đồ dùng cá nhân đều phải mua từ vợ của Trí với giá "cắt cổ"… Nếu bị khách phàn nàn phục vụ không tốt, Trí và đồng bọn sẽ đánh đập và không cho đi làm, bắt phải dọn dẹp vệ sinh…
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt Trí mức án 11-13 năm tù, Hậu 9-11 năm tù, Cường 7-9 năm tù cùng về tội "bắt giữ người trái pháp luật" và "cưỡng đoạt tài sản". Riêng Yến và các bị cáo còn lại bị đề nghị 3-5 năm tù cũng về hai tội trên.
Bị cáo Phan Cao Trí tại tòa ở TP HCM. Ảnh: Tá Lâm. |
Sau khi Viện Kiểm sát luận tội, 3 vị luật sư được Trí thuê đã phản bác quyết liệt, cho rằng, truy tố Phan Cao Trí và đồng bọn về hai tội "bắt giữ người trái pháp luật" và "cưỡng đoạt tài sản" là không có căn cứ.
"Bản chất của công ty Tân Hoàng Phát là đào tạo nghề cho nhân viên, nếu nhân viên muốn ra đi thì phải trả lại phí đào tạo. Thực tế, Trí không lấy một đồng nào của nhân viên thì làm sao nói Trí cưỡng đoạt tài sản", vị này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Viện kiểm sát tranh luận, tội danh "cưỡng đoạt tài sản" nằm sẵn trong thỏa thuận của Trí đối với nhân viên massage. Khi nhân viên vào làm việc, Trí bắt họ ký vào bản thỏa thuận, trong đó có nội dung nếu vi phạm hợp đồng, nhân viên phải bồi thường lại số tiền theo quy định của Trí là 24 triệu đồng (9 triệu đồng là công ty ứng trước cho nhân viên học nghề, ăn , ở... và 15 triệu đồng tiền bồi thường tay nghề).
Trí và đồng bọn bước lên xe tù. Ảnh: Tá Lâm. |
Việc Trí thu giữ 24 máy điện thoại di động của nhân viên cho thấy nhân viên ở đây không được liên lạc ra bên ngoài. "Hơn nữa vụ án này có đến 71 người bị hại, 12 nhân chứng và 65 nhân viên được công an giải thoát nên không thể nói là Trí và đồng bọn không phạm vào hai tội trên", đại diện Viện kiểm sát nói.
Khi một vị luật sư tranh luận, trình độ học vấn của nhiều nhân viên massage cao hơn các bị cáo, nên không thể kết luận bị cáo đã lợi dụng họ để cưỡng đoạt tài sản như cáo trạng Phản biện, vị kiểm sát viên đã cho rằng, trình độ học vấn khác xa trình độ nhận thức xã hội.
Từ những phân tích trên, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng: "Bản thỏa thuận của Trí như cái vòng kim cô của Tề Thiên Đại Thánh, nếu có 72 phép thần thông biến hóa cũng không thoát ra được".
Bức xúc, một vị luật sư phản biện: "Các nhân viên ở đây không phải là vòng kim cô. Bởi vì, nếu đeo vòng kim cô khi sư phụ đọc thần chú là chết, ở đây nhân viên hoàn toàn có thể yêu cầu được nghỉ việc".
Vị này phản biện thêm, 24 điện thoại di động này là do bị cáo giữ cho nhân viên: "Nếu nhân viên không ra được ngoài thì những chiếc điện thoại này ở đâu mà có? Các nhân viên không hề bị giam lỏng".
Tuy nhiên, đáp lại, công tố viên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
Chiều 25/1, sau hai ngày xử án, xét thấy tính chất phức tạp của vụ án, TAND TP HCM đã tuyên bố 3h chiều ngày 27/1 sẽ tuyên án.
Tá Lâm