Chiều 1/10, hay tin ông Phạm Chứng về thăm khu vườn, các ban ngành chức năng địa phương và nhiều người dân ấp Long Hải, huyện Hòa Thành (Tây Ninh) đã đến để thuyết phục ông lão 74 tuổi đập bỏ các bức tượng rùng rợn, máu me.
Mái tóc bạc trắng, vóc dáng rắn rỏi, giọng khá điềm tĩnh, ông bảo đã lập ra khu vườn vì ba lý do. Thứ nhất là để chống trộm, vì nhà thờ họ Vũ từng hai lần bị trộm bẻ khóa vào lấy đồ đạc. Thứ hai là để có nơi thờ cha mẹ, ông bà và cuối cùng là vì ông "có sở thích tạc tượng người chết".
![]() |
Vết tích bị đập bỏ của những bức tượng. Ảnh: Nguyên Vũ |
Ông nói: "Tôi thường xem tivi, đọc báo thấy có quá nhiều người chết, vì đủ nguyên nhân, nên tôi tạc tượng để cảnh tỉnh người đời. Chết chưa phải là hết mà còn những linh hồn này phiêu bạt tứ phương, không chốn dung thân". Và vì thương họ nên ông lập ra khu vườn để linh hồn người chết có nơi đi về.
“Mỗi người một sở thích. Có người thích chơi chim, cây cảnh, cờ tướng, còn tôi thì đam mê tạc tượng mặt người chết. Đó là quyền tự do cá nhân, sao lại phê phán?", chủ khu vườn tỏ vẻ bực dọc.
Trước ý kiến của người dân trong ấp cho rằng “tượng của ông làm mấy đứa trẻ sợ hãi”. Ông Chứng phản bác: “Trẻ con bây giờ dạn lắm. Chúng nó chạy giỡn rần rần với mấy bức tượng. Tôi nhiều lần phải xua chúng ra khỏi vườn vì sợ các cháu giẫm gai hay muỗi cắn”.
“Vậy ông nên xây tường rào lại, khỏi phiền hàng xóm”, một người dân khác đề nghị. “Tiền xây tường rào bằng với xây một ngôi nhà nhỏ, phí lắm. Vả lại giờ tôi cũng đâu còn tiền. Mỗi tháng con cái cho 1,5 triệu động chỉ đủ mua vật liệu tạc tượng thôi”, ông Chứng trả lời.
![]() |
Ông Chứng bên ngôi mộ giả thờ mẹ. Ảnh: Nguyên Vũ |
Ông Chứng không nhớ trong suốt 11 năm qua mình đã tạc bao nhiêu tượng mặt người chết chóc trong khu vườn. Chỉ biết rằng, ông tâm đắc nhất là tượng hai "xác chết” cụ già nằm trước hiên nhà bởi "đó là ông bà nội, ngoại" của ông. Tiếp đến là khu mộ giả thờ mẹ.
“Tôi thương mẹ nhất nhà. Tuy mẹ đã hỏa thiêu và gửi tro cốt vào chùa nhưng tôi nghĩ mẹ không thích ở chùa đâu. Thế nên tôi lập nhà thờ họ Vũ cho mẹ ở và lấy tro cốt của mẹ gửi trong chùa đưa về khu mộ giả. Sau này tôi có chết đi, nguyện vọng cũng sẽ rắc tro cốt chung với mẹ”, ông Chứng bỗng rơm rớm nước mắt và giải thích đó là ý nghĩa của câu khắc ghi trên ngôi mộ giả “Vũ Thị Gián, hưởng thọ 79 tuổi, mừng con cháu về thăm, bà rơi nước mắt” và “ Mẹ ơi, con về ở với mẹ đây, con lạy mẹ đừng khóc nữa”...
Cuộc sống kỳ lạ của chủ nhân khu vườn 'ma quái' |
Ông Chứng cũng tự nhận mình là người con có hiếu. Bằng chứng được ông nêu ra là trong số những tượng “mặt người chết” tại khu vườn, có cả tượng của ông bà nội, ngoại, cha mẹ... đặt ở vị trí trang trọng và chiếm kích cỡ lớn nhất. Trước khi ăn cơm, ông đều cúng mẹ, mời mẹ ăn cơm. "Khi đi chùa tôi không thắp nhang hay quỳ lại vì tôi đã có 'Phật mẹ' trong lòng", ông nói.
Theo người chủ khu vườn, người đời không hiểu, cho rằng ông lập dị về tín ngưỡng. Mấy hôm trước, cơ quan chức năng khuyên ông sơn trắng các bức tượng cho đỡ kinh dị, hoặc tháo xuống đập bỏ những bức tượng chết chóc.
"Sau khi làm theo yêu cầu của họ, mọi người về rồi, còn một mình ngồi trong khu vườn vắng, trước mộ mẹ, tôi khóc tức tưởi. Ngần này tuổi rồi, đó là niềm vui duy nhất của tôi. Nếu bắt buộc phá bỏ hết các bức tượng tại khu vườn, tôi sẽ rất buồn... Cuộc vui nào cũng tàn, tôi chơi cái tàn của cuộc vui. Đời người mà, rồi ai cũng sẽ tàn thôi", ông Chứng nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Công an viên phụ trách ấp Long Hải, cho biết công an xã đã làm việc với ông Phạm Chứng và ông cam kết là 2 tháng sẽ phá dỡ hết những tượng đầu người máu me, bị tạt axit rùng rợn... Riêng với những tượng, hình ảnh khác, nếu ông Chứng muốn được cấp phép vì cho rằng đó là những "tác phẩm nghệ thuật" thì phải được thông qua hội đồng nghệ thuật thẩm định.
"Trước mắt, ông Chứng phải tháo dỡ mấy tượng kỳ quái xuống hoặc làm cách nào đừng để người dân đi ngang thấy. Tôi không nắm rõ quy định văn hóa có cho trưng bày tượng kỳ quái đó hay không. Nhưng về phía công an, quản lý an ninh trật tự tại địa phương, thì việc làm của ông Chứng đang gây hoang mang, ảnh hưởng tâm lý người dân, mất trật tự, mỹ quan khu dân cư là không được", ông Phong nói.
Nguyên Vũ