Sinh thời, NSND Bùi Cường ấp ủ ý định làm phim Cậu Vàng với mong muốn tri ân nhà văn Nam Cao và đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa. Bởi ông tâm niệm không có nhà văn Nam Cao phù hộ, không có đạo diễn Phạm Văn Khoa gieo duyên, ông không thể có được vai diễn Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy cách đây gần 40 năm, cũng khó có thể đi qua chặng đường nghệ thuật thành công như sau này.
Tuy nhiên, trong lúc chuẩn bị khởi quay Cậu Vàng, NSND Bùi Cường mất đột ngột vì tai biến. Bởi vậy, con rể của ông - đạo diễn Trần Vũ Thủy - thay ông dàn dựng bộ phim. Sau một năm bấm máy, Cậu Vàng hiện chiếu tại các rạp toàn quốc.
Tương tự như Làng Vũ Đại ngày ấy năm xưa, kịch bản Cậu Vàng được phóng tác từ hai tác phẩm văn học nổi tiếng Lão Hạc và Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Câu chuyện phim mở đầu khi Cò - con trai của lão Hạc - bỏ nhà vào Nam làm phu cao su, sau lần xô xát với lý Cường - con trai của bá Kiến. Một mình cô đơn nhiều năm khi con trai đi biền biệt, lão Hạc nương tựa vào chú chó được gọi yêu là cậu Vàng mà sống.
Biến cố xảy đến khi gia đình bá Kiến nghe lời thầy bói, âm mưu chiếm đoạt căn nhà và mảnh vườn của lão Hạc. Là một chú chó trung thành, cậu Vàng can đảm chiến đấu với đám người của bá Kiến. Nhưng vì quá nghèo, lão Hạc sau cùng phải chấp nhận chia lìa với cậu Vàng. Giữa cuộc đàn áp giữa cha con bá Kiến đối với lão Hạc và bà con dân làng, các nhân vật khác như vợ ba của bá Kiến, lý Cường, binh Tư... đều dần được hé lộ.
Cậu Vàng nổi bật trong phim
Thời gian dài trước khi phim chiếu, diễn viên bốn chân đóng vai cậu Vàng đã trở thành đề tài gây chú ý của bộ phim. Một bộ phận khán giả ấn tượng với vẻ dễ thương của chú chó diễn viên. Một số khác kêu gọi tẩy chay phim vì êkíp sử dụng giống chó Shiba Nhật Bản thay vì chó ta.
Nhưng khi phim ra mắt, cậu Vàng thực sự gây thiện cảm. Chú chó diễn viên nhỏ nhắn, đáng yêu và lanh lợi, tương tác với dàn diễn viên tốt. Với lão Hạc, cậu Vàng thể hiện sự gần gũi đúng như một chú cún cưng với người chủ của mình. Với lý Cường và đám người bắt chó, cậu Vàng tỏ rõ thái độ phản kháng. Cảnh phim cậu Vàng xua đàn trâu phá vườn nhà, chiến đấu với một con chó dữ và dẫn đầu một đàn chó trả thù cho lão Hạc đều là những tình huống đáng nhớ, tạo cảm xúc đẹp trong phim. Sự nhập vai của diễn viên đặc biệt cho thấy tâm huyết của đạo diễn, tài năng của các HLV trong quá trình chuẩn bị.
Sáng tạo nhưng chưa tới
So với nguyên tác văn học, phim Cậu Vàng tạo ra nhiều biến tấu mới mẻ. Nhân vật binh Tư trong phim vốn lấy tên từ một tên ăn trộm trong truyện Lão Hạc; mang ngoại hình và cái tật nghiện rượu, mê chửi của Chí Phèo nhưng có câu chuyện về vợ con giống binh Chức. Vợ ba của bá Kiến không lẳng lơ, xấu xa như trong truyện, lại được viết riêng một chuyện tình. Tuyến vai lý Cường cũng được mở rộng hơn so với trên trang sách. Bà giáo - vợ của ông giáo Thứ - trở thành người hiền hòa, tử tế.
Không thể phủ nhận, những cách điệu tạo nên cái nhìn hiện đại hơn cho câu chuyện, đề cao tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết giữa những người cùng khổ dưới chế độ phong kiến. Sự thay tâm đổi tính của kẻ phá làng phá xóm binh Tư và hình ảnh cậu Vàng lãnh đạo đàn chó cắn xé một kẻ cường hào ác bá là ẩn dụ về cuộc nổi dậy của người nông dân chống lại ách áp bức. Nhờ vậy, phim để lại kết cục không quá bi thương như trong văn học.
Tuy nhiên, phim Cậu Vàng mắc nhược điểm tham lam chi tiết. Phim đề cập câu chuyện riêng của quá nhiều nhân vật. Do đó khi xem phim, người ta khó phân định ai là nhân vật chính. Dù được tập trung trong quá trình truyền thông của phim, nhưng nhân vật lão Hạc có câu chuyện không chi tiết và thiếu sự phát triển, dẫn dắt so với các tuyến vai bà ba bá Kiến, lý Cường, binh Tư.
Cũng vì quá nhiều mẩu chuyện đan xen, phim không thực sự đi sâu đi sát vào nhân vật nào. Nhân vật bà ba bá Kiến thay đổi tâm tính quá đột ngột và không hợp lý. Từ người đàn bà có vẻ toan tính, sẵn sàng "tranh sủng" với hai người vợ trước của chồng, bà ba bá Kiến bất ngờ trở thành người tốt, cảm thông với lão Hạc, lại sẵn sàng hy sinh vì người mình yêu.
Câu chuyện tình yêu của Cò (con trai lão Hạc) thì lạc khỏi mạch truyện chính. Lời thoại của lão Hạc hơi điệu, thiếu chất bình dân của một lão bần nông. Nhiều cảnh phim cao trào bị cắt chớp nhoáng và vụn vặt, không giữ trọn cảm xúc cho tình huống. Màu phim kém thẩm mỹ đánh mất hiệu quả thị giác. Ngoại trừ NSƯT Hữu Châu khắc họa đúng chân dung bá Kiến, nghệ sĩ Viết Liên mang vẻ khắc khổ của lão Hạc và Phương Nam vào vai binh Tư rất ngầu, đa số diễn viên trong phim còn nhiều tiếc nuối về diễn xuất.
Phong Kiều