Cậu Vàng vốn là kịch bản do NSND Bùi Cường (nổi tiếng với vai Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy) chấp bút. Sau khi ông mất đột ngột vì tai biến mạch máu não, con rể ông - đạo diễn Trần Vũ Thủy - thay ông hoàn thành tâm nguyện. Bộ phim được phóng tác từ hai truyện ngắn Lão Hạc và Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, xoay quanh các nhân vật lão Hạc, cậu Vàng, bá Kiến, lý Cường, bà ba bá Kiến, binh Tư...
Ngay khi phim khởi chiếu tại các rạp toàn quốc, đạo diễn Trần Vũ Thủy trò chuyện với Ngoisao.net về những câu chuyện hậu trường của bộ phim.
- Anh và đoàn phim tìm ra chú chó đóng vai cậu Vàng như thế nào?
- Việc tìm kiếm chú chó đóng vai cậu Vàng rất nan giải. Thời gian đầu, chúng tôi tìm những chú chó thông minh, lanh lẹ, vững tâm lý, thích ứng tốt với môi trường xung quanh, hiểu được ý đồ và sự dẫn dắt của HLV cũng như đạo diễn. Đoàn phim hơn 100 con người. Nếu chú chó tâm lý không vững vàng thì không làm việc được.
Sau khi chọn ra top 5, chúng tôi bắt đầu huấn luyện. Các chú chó được đào tạo nhiều kỹ năng như đi, đứng, ngồi, nằm, đang đi thì ngoái đầu lại, tương tác với con người... Đến vòng cuối, chúng tôi tập trung vào các chi tiết cụ thể theo tình huống phim. Chúng tôi từng nghĩ đến việc dùng ba chú chó thay phiên đóng chính. Nhưng cuối cùng, chúng tôi chỉ dùng duy nhất một cậu Vàng. Bởi vì các chú chó khác nhau khó đảm bảo tính thống nhất về hình ảnh trên phim. Chú chó được lựa chọn sau cùng đã đáp ứng tốt các tiêu chí đoàn phim đề ra.
- Trước ngày phim khởi quay, cậu Vàng được chuẩn bị những gì cho vai diễn?
- Đoàn phim mời nhiều HLV có thâm niên trong nghề để lên kế hoạch và trực tiếp giám sát việc tập luyện của cậu Vàng. Buổi sáng, chú chó khởi động và tập luyện các kỹ năng. Sau đó, chú ăn nhẹ, nghỉ ngơi và đến chiều tiếp tục tập luyện. Thời khóa biểu này có thể thay đổi tùy theo thời tiết và thể trạng của chú chó. Quá trình này kéo dài hơn một tháng.
Các diễn viên cũng thường xuyên tới trung tâm huấn luyện động vật để làm quen và tập diễn với cậu Vàng. Nghệ sĩ Viết Liên (vai lão Hạc) tạo được lòng tin, cảm giác an toàn cho chú chó, để chú chó hiểu rằng đây là người yêu quý mình và tiếp xúc thường xuyên với mình. Ngược lại với Will (vai lý Cường - con trai bá Kiến), cậu Vàng được truyền tải ý thức đây là kẻ đối đầu với mình.
Diễn viên khổ nhất khi quay cùng cậu Vàng là Tất Đông. Anh đóng vai gia nô nhà bá Kiến và có cảnh rượt đuổi chú chó. Nhưng trớ trêu, ngoài đời Tất Đông rất sợ chó. Vì vậy chỉ nghe tiếng cậu Vàng sủa, anh đã giật mình và sợ hãi. Cảnh đó phải quay đi quay lại vài lần mới xong. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy buồn cười.
- Hơn một tháng làm "diễn viên", cậu Vàng được chăm sóc như thế nào?
- Cậu Vàng có lẽ là diễn viên VIP nhất của đoàn phim. Chú có riêng một đội ngũ năm tới bảy người đi theo phục vụ. Một HLV giống như phiên dịch viên, kết nối đạo diễn và chú chó. Một người làm cố vấn động vật, hiểu rõ tâm lý của chú chó. Một bác sĩ kiểm tra sức khỏe của nó hàng ngày. Ba người thay phiên chăm lo chuyện ăn ngủ, dắt đi dạo, che ô... cho chú.
Ở phim trường, cậu Vàng ăn ngủ trong phòng máy lạnh của khách sạn như người. Nhà sản xuất phải gửi thêm tiền cho khách sạn để chú chó được ở chung phòng với êkíp, đề phòng chú bỏ đi, bị bắt hoặc ngã bệnh. Ngoài ra, chú chó có thực đơn riêng với đầy đủ canxi, rau, chất đạm... Khẩu phần ăn thay đổi tùy thuộc sức nặng của mỗi ngày quay.
- Động vật là một trong hai kiểu "diễn viên" khó làm việc nhất trong điện ảnh, bên cạnh trẻ con. Vậy cậu Vàng gây ra những kỷ niệm bi hài nào cho êkíp?
- Nhiều chuyện bi hài xảy ra với cậu Vàng lắm. Cậu Vàng thích thì quay, không thích thì cả đoàn phải chiều theo ý cậu. Trời nóng quá, cậu không quay. Trong người thấy mệt, cậu không quay. Nghệ sĩ gạo cội như chú Viết Liên dù mệt vẫn cố gắng quay tiếp nếu đạo diễn nhờ. Còn với cậu Vàng, không ai dỗ dành được!
Có lúc, cả đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng cho cảnh quay, nhưng cậu Vàng không chịu diễn hoặc bỏ ra ngoài bụi chuối đi vệ sinh. Có lúc, cậu Vàng nghe tiếng flycam là bỏ diễn để chạy theo flycam. HLV lại phải đuổi theo 2-3 km để bắt cậu về. Có lúc, cậu Vàng đánh hơi được chó cái. Thế là, cậu chẳng quay nữa, đi tìm bằng được nhà của chó cái.
Cậu Vàng muốn ăn là phải cho cậu ăn. Chú chó này ăn khỏe lắm. Đoàn phải kiềm lại vì sợ sai raccord (sự thống nhất về hình ảnh) và sợ cậu lười. Cái giống này ăn no là buồn ngủ, rất lười vận động. Đoàn phim không ít lần phải đảo lịch quay tùy theo tâm sinh lý của "cậu Vàng". Do đó, đoàn bị phát sinh ngày quay và một khoản chi phí.
- Liên quan đến việc đoàn phim sử dụng chú chó thuộc giống chó Nhật đóng cậu Vàng, nhiều người phản đối gay gắt. Làn sóng tẩy chay này ảnh hưởng ra sao tới bộ phim và tâm lý của anh?
- Thông tin đoàn phim dùng các chú chó ta đóng thế các cảnh bị bạo hành không chính xác. Mọi cảnh quay trong phim đều do một chú chó trong vai cậu Vàng thể hiện. Tôi buồn vì nhiều người không đánh giá khách quan, chưa xem phim đã đòi tẩy chay.
- Thay thế cố NSND Bùi Cường thực hiện phim ‘Cậu Vàng’, anh gặp những áp lực gì?
- 10 năm đắp da đắp thịt cho kịch bản Bữa ăn cuối cùng của lão Hạc (tên gốc của phim Cậu Vàng), bố vợ tôi luôn đau đáu làm tác phẩm để tri ân nhà văn Nam Cao, đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa. Theo kế hoạch, bố làm đạo diễn chính và tôi hỗ trợ bố.
Giữa năm 2018, bố gọi tôi ra Hà Nội để hai bố con chính thức bắt tay sản xuất phim. Vậy mà chỉ mấy ngày sau, bố nhập viện vì tai biến. Mấy ngày cuối đời trong bệnh viện, bố nói nhiều với tôi về dự án phim. Bố dặn tôi nhất định phải hoàn thành tâm nguyện thay bố, vì khi đó bố đã tìm được nhà đầu tư.
Sau khi bố tôi ra đi, tôi luôn canh cánh chuyện này trong lòng. Tôi rất áp lực và lo lắng, không biết các nhà đầu tư, anh em êkíp có sẵn lòng tin tưởng cho tôi thay thế bố tôi hay không. Đây là cơ hội để tôi báo hiếu bố và thể hiện khả năng của mình. Tôi ý thức là mình không thể làm ẩu, vô trách nhiệm, ảnh hưởng uy tín của bố, đánh mất tính nhân văn của nguyên tác.
Phong Kiều thực hiện