Lê Mai
Mấy năm trước khi đến ngôi chùa bên kia cầu Chương Dương có diện tích khá rộng, thoáng mát và rất đẹp... cũng là một ngôi chùa cổ kính, thanh tịnh nhưng 2, 3 năm trở lại đây... vẫn cái không gian đó, cảnh quan được tu bổ nhiều nhưng không còn được yên tĩnh theo đúng nghĩa khi đi lễ chùa nữa. Thêm vào đó là sự ríu rít, nô đùa của những đứa trẻ mồ côi mà chùa đã mở rộng vòng tay cưu mang. Nhà chùa cứu giúp không chỉ trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa mà còn cả những cụ già neo đơn, những con người có cảnh đời éo le, những cô gái lầm lỡ... đều được giang rộng vòng tay che chở.
Nhưng điều đáng nói ở đây là sự nuôi dưỡng của những người được gọi là "mẹ" với các em nhỏ. Mỗi người đều có hoàn cảnh éo le riêng mà phải vào chùa, người thì bị chồng đánh đập, ruồng rẫy nên phải dẫn con tìm đến cửa Phật, người thì chồng mất sớm không tự bươn chải được. Có người đến nơi cửa Phật để tìm chút thanh thản tuổi già còn những cô gái trẻ trung, xinh đẹp đang là sinh viên hoặc đi làm tại các KCN... đều là những cô gái ở tỉnh lẻ mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, không thiếu thốn nhưng cuộc đời này nhiều lúc không chiều lòng người.
Họ đã vướng vào những sai lầm mà kết quả là những đứa trẻ không có bố. Họ được nhà chùa cưu mang cho đến khi mẹ tròn con vuông và nếu muốn, họ có thể ở lại cùng con và trông thêm những đứa trẻ khác. Cũng có khi hàng ngày họ đi làm và tối lại về với con... Tất cả những gì nhà chùa đem lại cho họ là một sự nhân ái nhưng thực tế họ đã làm gì với sự nhân ái đó?
Hùng Anh một em nhỏ mồ côi được nhà chùa cưu mang mắc chứng bệnh tắc tuyến lệ từ khi lọt lòng. Do vậy, cậu bé 8 tháng tuổi này khóc suốt ngày. Ảnh: Tiến Dũng. |
Đó là những mảng tối của một chốn linh thiêng! Con người khi cuộc sống có nhiều éo le, khắc nghiệt, lẽ ra cần một cái nhìn nhân ái hơn về cuộc đời thì ngược lại, họ sống bon ben, nghi kỵ lẫn nhau trong cái môi trường được gọi là từ thiện và nhân ái. Có những cô gái trẻ tự vỗ ngực cho rằng ta là người sống có "đức" nên mới không bỏ đi một sinh mạng mà cho sinh mạng này một sự sống. Sự sống ư? Đó có gọi là sự sống không? Câu này được thốt ra từ những người mẹ bất đắc dĩ, và tôi thật sự buồn với cách nghĩ thiếu hiểu biết ấy.
Có những cô gái mang bầu khi Phật tử hỏi, cô trả lời em không phải gái hư mà là bị cưỡng bức. Nghe câu chuyện, ai cũng bức xúc và thật sự cảm thông. Lúc quá tháng sinh, nhiều Phật tử đến hỏi thăm thì cô nói mà mặt ráo hoảnh rằng con em mất rồi, giờ em trông bé này bị bỏ rơi lúc mới sinh... Phật tử chỉ biết nghe và thương cảm nhưng họ đâu biết rằng đứa bé cô đang trông chính là con cô dứt ruột đẻ ra vậy mà cô lại nói dối. Những lời nói trắng trợn ấy chỉ để cho con cô được các Phật tử chăm bẵm, mua đồ chơi và sung sướng hơn những đứa trẻ khác. Vì miếng cơm manh áo các cô có thể làm những việc đó giữa cửa Phật.
Nhiều cô gái trẻ rơi vào hoàn cảnh này lẽ ra nên biết thương yêu, bao bọc nhau nhưng ngược lại, họ cãi vã, cô này nói xấu cô kia, rồi xỉa xói vào mặt nhau những lời thô tục... Cứ như một mớ bòng bong giữa chốn linh thiêng. Thật buồn biết bao!
Những đứa trẻ ở đây được những người "mẹ nuôi" chăm sóc nhưng mấy người có tâm khi trông con, cháu người khác. Khi làm việc thiện thì trước tiên phải có cái "tâm" vậy mà nhiều bà mẹ nuôi đánh và chửi bới những đứa trẻ không thương tiếc. Họ gào lên rằng chúng mày là lũ "mất dạy". Thật nực cười là bọn trẻ có được "dạy" đâu mà bảo là "mất". Họ chỉ yêu thương và chăm lo cho con mình còn những đứa trẻ bị bỏ rơi khác thì thường không được quan tâm.
Đến bữa ăn, họ cho cơm vào một tô to, đút cho 5, 6 đứa trẻ một lúc. Sống ở chùa thường là ăn chay, một tuần chỉ có hai bữa mặn nhưng những đứa trẻ bị bỏ rơi thực sự mấy khi được nếm mùi vị của thịt cá bởi những người mẹ nuôi đó đâu có "tâm". Những đứa trẻ vô tội, mỗi em đều có những mất mát không thể bù đắp mà cuộc đời và người lớn đã mang lại. Em mất cả cha lẫn mẹ, em bị bệnh đao, bị bỏ vào chùa nuôi dưỡng dù gia đình rất khá giả, em câm điếc, thần kinh không bình thường được nuôi ở chùa một thời gian rồi sau chuyển đến viện tâm thần khi ngã từ giường tầng hai xuống, hỏng mắt và không ai nhận nuôi dưỡng em nữa. Có em không ai chăm sóc vì họ bảo, em bị HIV giai đoạn cuối, bố mẹ đã mất vì căn bệnh thế kỷ, thành thử chẳng ai lấy cơm cho ăn và bị hắt hủi. Mặt mũi em lúc nào cũng nhăn nhó vì đau đớn. Giờ em đã được chuyển đi viện và không biết sống chết thế nào.
Những cảnh đời bất hạnh đó sẽ đi về đâu và thế nào khi chữ "tâm" trong mỗi con người dần mất đi. Tương lai của các em sẽ ra sao khi không được giáo dục để chống chọi với cuộc đời đầy cạm bẫy và khắc nghiệt bên ngoài.
Khi chơi đùa với các em, bạn mới hiểu các em cần tình cảm gia đình đến mức nào, cần một cái ôm, cần được bế, được che chở và bao bọc bởi tình yêu thương nhưng điều đó lại quá xa xỉ. Có một cậu bé xa lạ chạy đến bên bạn bảo rằng: "Mẹ ơi, mẹ bế con" và khi bạn bế cậu ấy, bé đã nói: "Con cám ơn mẹ" - bạn cảm thấy thế nào? Với tôi, cái cảm giác khó tả đó sẽ đi cùng tôi đến hết cuộc đời.
Rồi một hôm bạn ghé vào hỏi thăm một cụ già cô đơn không con, không chồng mà lâu ngày bạn chưa thăm hỏi, cụ đã bật khóc như một đứa trẻ và nói: "Bà lại bị tai biến lần nữa cháu ạ, nên giờ không đi được" cứ thế cụ khóc mãi dù có nói gì. Biết nói gì khi chứng kiến những cảnh như vậy, chỉ thấy lòng xót xa, chua chát.
Chỉ mong sao nhà chùa vẫn đem lòng nhân ái bao dung với mọi số phận con người khi họ không biết bấu víu vào đâu nhưng cũng mong sao sẽ không có những hình ảnh như trên trong thời gian tới, khi lòng nhân ái bị lợi dụng, chà đạp như thế tại chốn linh thiêng.