Vào nghề từ năm 21 tuổi bằng chiếc máy ảnh ReticaIIC, vật kỷ niệm do người cha để lại, Huỳnh Ngọc Dân gia nhập Hợp tác xã nhiếp ảnh Thảo cầm viên Sài Gòn. Chiếc máy anh dùng lúc ấy, năm 1979, cũng đã thuộc hàng “cổ lỗ sĩ”. Cuộc sống thời ấy vốn khó khăn nên chiếc máy là cần câu cơm duy nhất. Kiếm được bao nhiêu tiền, anh đều tích góp, tái đầu tư cho máy ảnh.
Vẻ cũ kỹ của chiếc Praktina IIA. |
Mua được chiếc máy mới hiệu Minolta, chiếc máy kỷ niệm của người cha được anh trân trọng đặt trong tủ kính. Cứ từng bước như thế, anh sắm mới máy ảnh bằng thu nhập của nghề. Máy cũ được anh trưng bày ở những vị trí đẹp trong nhà để chiêm ngưỡng. Theo thời gian, số máy ảnh được nhân lên về số lượng và chủng loại. Kiến thức chuyên môn của anh cũng nhờ đó được nâng cao. Hễ gặp cái nào được giá là anh mua về mày mò cách sử dụng.
Máy ảnh Leica và Kiev. |
Mỗi lần mua được chiếc máy ưng ý, anh vui sướng không ngủ được, và cũng buồn rớt nước mắt khi gặp chiếc máy ưng ý bị “hớt tay trên”. Vui buồn trong cuộc sống cũng đa phần bắt nguồn từ chuyện máy ảnh mà ra. Niềm đam mê của anh là vậy.
Để có được những chiếc máy cổ, anh phải cất công săn lùng khắp nơi trong nước lẫn ngoài nước. Những lần đi sáng tác ảnh đây đó, anh tranh thủ tìm mua những chiếc máy cũ với tiêu chí được sản xuất từ trước năm 1975. Bạn bè trong giới biết anh chơi máy cũng hay nhường lại những máy cổ để anh bổ sung bộ sưu tập. Anh tâm sự: “Trong thú sưu tầm máy ảnh, tôi chẳng gặp trở ngại gì cả, chỉ ngại là nhiều lúc không đủ tiền để mua. Tuy mê, nhưng tôi không đặt nặng việc mỗi tháng hay mỗi năm phải săn lùng bao nhiêu cái. Cứ đi đây đó hễ thấy có thì mua, không thì thôi, vì dù sao đó cũng chỉ là thú chơi thôi mà”.
Trong bộ sưu tập, mê nhất dòng máy Leica nổi tiếng của Đức, anh sưu tầm được khoảng 1/3 số seri, đa phần là ở nước ngoài trong những dịp đi triển lãm ảnh. Anh đang sở hữu một chiếc Leica seri A thuộc hàng hiếm vì là mục tiêu săn lùng của các nhà sưu tập lớn từ Nhật, Hongkong, Mỹ. Một chiếc Leica seri A hoàn hảo niêm yết giá lên đến 20.000 USD. Ngoài Leica, những dòng máy Nikon, Canon, Rolleiflex, Zeiss Ikon... đều có đủ trong bộ sưu tập của anh.
Trong nghề chơi, anh Dân cho biết: “Máy ảnh cũng có đồ giả. Thường là dòng máy Kiev của Liên Xô ở thời đệ nhị thế chiến, được dập lại khuôn, khắc chữ, giả thành Leica. Mỗi máy Kiev giá 80-100 USD, khi “bùa” lên Leica giá gấp 10 lần hoặc hơn. Phần thân máy của hai dòng này hao hao giống nhau nên dễ bị làm giả. Nếu tinh ý, coi kỹ các chi tiết ngoài lẫn trong, sẽ phát hiện ra máy Leica được làm sắc sảo, tinh tế, mỹ thuật hơn”.
Ngoài máy ảnh, anh Dân còn sưu tầm các loại máy quay phim xưa được sản xuất vào những năm đầu thế kỷ 20.
Cổ lỗ sĩ với Exakta. |
Mỗi dòng máy là một thiết kế về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, tạo nên vẻ đẹp riêng. Leica nhỏ gọn, tinh tế; Rolleiflex hầm hố với hai ống kính; Brownie lạ lẫm với vỏ bọc là hộp giấy nhìn không biết đó là chiếc máy ảnh; những máy xưa chữ A làm bằng hộp gỗ của cụ Viên Tô Ký (chế tác phỏng theo chiếc máy chữ A sản xuất tại Pháp)… Có những loại máy được bọc da trông rất sang trọng. Cách sử dụng máy ảnh cũng đa dạng không kém: cái thì ống ngắm từ trên xuống, cái thì phải ngắm từ bên hông, cách lên phim, bấm cò, cấu trúc thân máy đều khác. Có loại máy xưa được sản xuất thủ công không hề có trong các tài liệu về máy ảnh. Mua được những chiếc máy lạ, anh phải mày mò cách vận hành, sử dụng.
Một máy quay phim cổ. |
Nhiều người đến xem bộ sưu tập máy ảnh của anh đề nghị được nhường lại với số tiền khá lớn, khiến anh nhiều lúc phải đắn đo suy nghĩ. Nhưng cuối cùng anh quyết định không bán. Lý do: anh sợ bộ sưu tập của mình rơi vào tay người không có tâm huyết, rồi họ lại xé lẻ chúng ra, đem bán kiếm lời, như vậy phí công bao năm anh săn lùng, tích góp cho bộ sưu tập.
Vững chãi và chắc chắn của Rolleiflex. |
Mỗi khi có dịp đi triển lãm ảnh ở nước ngoài, anh Vân tranh thủ mua tài liệu về nhiếp ảnh để cập nhật kiến thức, và cũng không quên dành thời gian tham quan các bảo tàng máy ảnh. Căn cứ vào khả năng của mình, anh ấp ủ ý tưởng mở một bảo tàng tư nhân về máy ảnh, tư liệu sách báo về nhiếp ảnh cho những ai yêu thích lĩnh vực này có thêm điều kiện để tìm hiểu, giao lưu với nhau. Anh giải thích: “Khi có bảo tàng, tôi sẽ cống hiến cả bộ sưu tập cho bảo tàng, chứ không giữ nó cho riêng mình nữa. Nhưng bộ sưu tập này phải được giao cho những người có tâm huyết, được tín nhiệm, bảo quản cẩn thận”. Anh cho biết trước đây từng tặng 2 tủ máy ảnh với số lượng tương đối lớn cho một tổ chức dùng để triển lãm. Sau khi tổ chức giải thể, những máy ảnh của anh lưu lạc về đâu không rõ.
Leica A - hàng hiếm của dân sưu tầm. |
Máy ảnh của anh hiện được đặt ở khắp nơi trong nhà. Do không đủ chỗ, anh phải mang gửi ở các quán cà phê, nhà người quen, gallery... Khi biết anh có ước muốn lập một dạng bảo tàng nhỏ về máy ảnh và công cụ ngành ảnh, nhiều bạn bè trong giới nhiếp ảnh ở nước ngoài rất ủng hộ, sẵn sàng mua tặng thường xuyên những tài liệu về nhiếp ảnh gửi về cho mọi người tham khảo. Vấn đề là anh phải tìm ra người có cùng đam mê và có diện tích mặt bằng đủ rộng để trưng bày số máy ảnh đang có sau gần 30 năm sưu tầm.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)