Đúng hẹn 9h sáng, PV Sài Gòn Giải Phóng đã có mặt tại một quán cà phê trên địa bàn quận 1 (TP HCM) để chứng kiến những cuộc thương lượng giá mua và bán cổ phiếu OTC được giao dịch thông qua điện thoại mà giới đầu tư thường gọi với nhau là “cổ phiếu chợ đen”, còn những người giao dịch là “cò chứng khoán”.
Gọi họ là “cò” thì hơi quá đáng, bởi “cò chứng khoán” khác với những loại “cò” khác: ăn mặc láng cóng, điện thoại đời mới, vi tính xách tay kè kè bên mình và họ không khác một nhà đầu tư, bởi cổ phiếu nào có giá hời thì họ sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua, chờ có giá lại bung ra bán.
So với các phiên giao dịch ngoài thị trường tự do thì giao dịch ở Trung tâm giao dịch chứng khoán trầm lắng hơn nhiều.
Anh Tâm, một người môi giới chứng khoán nói: "Từ khi ANZ chính thức mua được 10% cổ phiếu của Sacombank với giá khá cao đã làm cho thị trường cổ phiếu của các ngân hàng hút hẳn. Người cần mua thì nhiều mà người bán đòi giá quá cao nên không thể kết nối người mua và người bán được".
Điện thoại của một người môi giới réo lên với thông tin cho biết họ cần mua 100 cổ phiếu của ACB với giá 4.0 (tức 4 triệu đồng/cổ phiếu - mệnh giá gốc 1 triệu đồng/cổ phiếu).
Người môi giới nói ngay: "Giá này căng lắm, bởi Ngân hàng Standard Charted của Anh đã thắng thế trong việc giành mua 10% cổ phần của ACB với giá 6.2 nên hiện nay nhiều nhà đầu tư vẫn kìm lại chưa muốn bán ra".
Lại một chiếc điện thoại réo vang, đầu dây bên kia lại đề nghị mua một ít cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Á với giá chỉ chấp nhận được là 1.2 (mệnh giá 1 triệu đồng/cổ phiếu). Điện thoại lại tiếp tục reo, nhiều người muốn tìm cho họ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn…, nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời là chưa có.
Trong khi cổ phiếu của ngân hàng đắt khách, chỉ có người mua thì cổ phiếu của những công ty kinh doanh khác chỉ tìm người môi giới để bán là chính. Trưởng phòng của một công ty chứng khoán cho biết, đầu tư trong ngắn hạn cổ phiếu ngân hàng đang là dễ “ăn” nhất. Do bắt được thông tin độc quyền, nhiều nhà đầu tư đã trúng lớn nhờ “săn” đúng hàng “nóng”. Cổ phiếu của Sacombank, ACB chỉ trong vòng vài tháng mà giá bán đã được đẩy lên rất cao.
Cũng mới đây, sau khi nghe tin đồn MB sẽ chốt danh sách trả cổ tức 10% bằng tiền mặt vào cuối tháng này và 10% cổ phiếu vào cuối quý 3, cổ phiếu MB đã tăng mạnh, lên mức 1,6 triệu đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư đã kiếm lời không ít từ những cuộc chuyển nhượng cổ phiếu MB.
Theo các nhà môi giới chứng khoán, mua bán “cổ phiếu chợ đen” đòi hỏi nhà đầu tư phải biết kiên trì và nhất là phải cập nhật thông tin nhanh nhạy mới có thể kiếm lời nhanh được. Còn các chuyên gia cho biết, cổ phiếu ngân hàng đang là tâm điểm trên thị trường OTC và đang trên đà tăng giá.
Cũng dễ hiểu, làm ăn của các ngân hàng ngày càng phát triển và hầu như chỉ có lãi ít hoặc nhiều chứ không có chuyện lỗ. Bằng chứng là việc các ngân hàng liên tục mở chi nhánh nhằm đua nhau bành trướng thị phần. Đặc biệt là khối ngân hàng thương mại cổ phần hiện đang ở đỉnh cao của chu kỳ hoạt động hiệu quả.
Năm 2004, ngân hàng thương mại cổ phần có mức sinh lời lớn, cao nhất cũng trên 30%, thấp nhất cũng đạt đến 15%. Vì vậy, các nhà đầu tư ùn ùn đổ tiền vào mua cổ phần ngân hàng như một cơn lốc.
Sự hấp dẫn cổ phiếu ngân hàng thể hiện rõ nét qua việc các ngân hàng đang tăng vốn tự có một cách mạnh mẽ, nhưng thực tế rất ít cổ phiếu được bán ra ngoài. Các nhà đầu tư cũ đã sẵn sàng mua hết số cổ phiếu dành cho mình còn các ngân hàng thì dành một phần bán cho các nhà đầu tư chiến lược và các tập đoàn tài chính nước ngoài để tận dụng công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý…
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các ngân hàng cổ phần đô thị phải có vốn điều lệ tối thiểu 200 tỷ đồng, sẽ mở ra nhiều cơ hội để nhà đầu tư mua được cổ phiếu ngân hàng nhiều hơn. Theo kế hoạch đã được đại hội cổ đông của hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần thông qua trong năm 2005 thì Sacombank nâng vốn điều lệ từ 740 tỷ đồng lên 1.250 tỷ đồng, ACB tăng vốn điều lệ lên 950 tỷ đồng, Đông Á sẽ tăng từ 350 lên 500 tỷ đồng, Eximbank cũng thông báo đã qua thời “trả nợ hậu quả” và sẽ tăng vốn điều lệ từ 500 lên 700 tỷ đồng.
Các ngân hàng TMCP khác cũng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2005, kích thích các tay chơi chứng khoán “chợ đen” đổ vốn vào cổ phiếu ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, chơi cổ phiếu mà không mê cổ phiếu ngân hàng mới là chuyện lạ.
Thủ tục mua bán cổ phiếu “chợ đen”
Thông thường, để có nguồn hàng sẵn sàng cung cấp cho nhà đầu tư, những người môi giới đi khắp nơi “săn” cổ phiếu của những công ty cổ phần. Và thủ tục là người bán làm giấy chuyển nhượng cho người môi giới bằng hợp đồng chuyển nhượng nhưng phần người mua là bỏ trống, công ty phát hành sẽ xác nhận vào hợp đồng này để chấp nhận người mua là cổ đông mới của công ty (mặc dù chưa biết đích danh người mua). Sau khi tìm được người mua, người môi giới chỉ điền tên nhà đầu tư vào phần còn trống. Về mặt pháp lý coi như xong, nhà đầu tư có thể yên tâm sở hữu lượng cổ phiếu mua “ chợ đen” này. |