Dân nghèo bị cám dỗ bởi lợi nhuận lớn. |
Từ sáng sớm, những chiếc Honda, xe đạp, mỗi xe chở 2-4 can (30 lít/can) từ cây xăng Mỹ Lộ và cây xăng số 2, cách cửa khẩu 200 m, bắt đầu hướng ra Bến Xuồng, cách biên giới VN - Campuchia chưa đầy 50m. Xe hàng vừa tới, hàng chục thanh niên chia nhau vác xuống xuồng đang chờ sẵn dưới bến. Từ đây nhìn chếch về bên trái khoảng 500 m là trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Xà Xía. Một người dân cư ngụ lâu năm tại khu vực Bến Xuồng cho biết: Đêm xuống mới ác liệt, xe rầm rầm như nhóm chợ xăng dầu.
Nếu Bến Xuồng là đường làm ăn lớn của cánh thanh niên thì "cánh gà" khu vực Đường Chùa là đất kiếm cơm của người có tuổi. Sau khi rót vào bọc nilon, xăng, dầu được cho vào giỏ đi chợ, cứ thế mà thư thả đi. Nếu bị chặn bắt dọc đường, chỉ cần một cái bấm nhẹ đầu ngón tay vào bọc là đã xóa được tang vật.
Anh Khang, Phó trưởng Công an xã Mỹ Đức, cho biết, toàn xã có trên 50 đối tượng làm nghề đai, vác, vận chuyển hàng lậu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế con số này lớn hơn nhiều lần. Cũng như nhiều bạn bè trong sóc, do nắng hạn kéo dài, không tìm được việc làm thuê như các năm trước nên Chau Dương phải gia nhập đội quân chuyển lậu xăng dầu qua biên giới. "Tui có vợ và hai con, bình thường lo ăn đã cực, năm nay lại phải mua nước để ăn uống, tắm giặt hàng ngày, đi làm thuê thì không có người mướn, nên chỉ còn biết chở xăng kiếm sống qua ngày". Theo anh Dương, việc vận chuyển lậu xăng dầu còn có cả người bên Campuchia sang làm, bởi nghề này rất dễ kiếm tiền. Không cần vốn liếng, chỉ cần bắt được mối vận chuyển, mỗi can được 2.000 đồng. Mỗi chuyến chở 3-4, thậm chí 5 can, là bỏ túi được 5.000-10.000 đồng cho quãng đường 500m. Anh Dương cho biết, nếu có vốn, tự mua đi bán lại thì mức lời cao hơn, một can 30 lít qua biên giới lãi vài chục nghìn đồng. Hiện giá xăng dầu tại Campuchia cao hơn 30-50% giá bán tại Mỹ Đức, nhưng chất lượng lại rất kém, đa số là dầu được nhuộm màu giả xăng.
Ông Chau Chen, một trong hai người Việt Nam trong tổng số 15 chủ đò tham gia đưa rước dân chuyển lậu xăng dầu qua biên giới nói với PV Lao Động: "Người chở xăng dầu đông lắm, nên tôi phải kêu thêm đứa con trai tranh thủ sau giờ đi học ra phụ giúp. Giá thu mỗi người và can xăng, dầu chỉ có 500 rien (tương đương 2.000 đồng), nhưng mỗi ngày cũng kiếm được cả trăm nghìn đồng.
Anh Toàn, Chi cục phó Hải quan cửa khẩu Xà Xía, cho biết, theo quy định của tỉnh, việc vận chuyển xăng, dầu bằng can, thùng trên địa bàn này bị cấm, nhưng muốn bắt giữ cũng rất khó. Ngoài chuyện phóng xe liều lĩnh, còn phải kể đến sự can thiệp, tiếp tay của người dân. Mỗi khi thấy lực lượng vây bắt hàng lậu là họ xúm lại giải vây. "Đến khâu xử lý lại càng khó hơn. Bình quân mỗi tháng chúng tôi bắt được 10 vụ, nhưng rồi tất cả đâu vẫn vào đấy vì ngoài chức năng tịch thu tang vật, chúng tôi chỉ có thể phạt hành chính (mức cao nhất là 200.000 đồng) và phải trả xe lại. Họ lại quyết tâm làm nhiều hơn để bù đắp khoản tiền nộp phạt".
Rồi anh Toàn bức xúc: "Mà bắt sao cho nổi khi trên địa bàn xã Mỹ Đức, ngành chức năng lại cho phép tồn tại đến 3 cây xăng nằm cạnh khu vực biên giới và một trong số đó lại có "yếu tố" quan chức". Anh Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức - cho biết thêm: "Hai ấp giáp biên là Mỹ Lộ và Xà Xía cũng chính là địa bàn có đời sống thấp nhất xã (chiếm trên 88% hộ nghèo toàn xã). Còn chuyện có 3 cây xăng như ở Mỹ Đức là quá thừa so với nhu cầu thực tế. Đưa đúng mặt hàng mà bên kia biên giới đang rất cần ra sát đường biên thì chẳng khác gì mời gọi".