Trong khuôn viên rợp lá vỏn vẹn vài trăm mét vuông chỉ đủ chỗ cho khoảng 20 gian hàng, chợ phiên xưa trên phố Hoàng Hoa Thám vẫn diễn ra đều đặn hàng tuần, thu hút đầy đủ tầng lớp người ở mọi lứa tuổi đến tham gia. Gian hàng tại đây không trang trí màu mè như những hội chợ hiện đại. Đó đơn giản chỉ là những chiếc bàn nhựa bày đủ thứ trên đời, hay giản dị hơn là vải bạt trải sân với những chai, lọ, bình có tuổi thọ lớn hơn những người bán chúng rất nhiều.
Tại đây người ta có thể tìm thấy mọi loại đồ cổ, đồ giả cổ các thời. Tiền cổ là “mặt hàng” có số lượng gian hàng tham gia nhiều nhất (3-4 gian). “Người đi chợ” có thể tìm thấy ở đây những tờ bạc giấy Đông Dương, những tờ tiền Việt trải qua nhiều thời khác nhau với những mệnh giá hiếm có được bán với giá từ 20.000 đồng cho tới 200.000 đồng một tờ. Giá bán phụ thuộc vào độ “hiếm” của tiền, số series tiền, cũng phụ thuộc vào cả “chất lượng” tiền (tiền cùng mệnh giá nhưng cắt lỗi hoặc giấy xấu, nhàu thì giá bán hiện tại sẽ rẻ hơn). Không chỉ có tiền Việt cổ, tiền của các nước khác mà xưa, cũ cũng được đem ra bán và trưng bày.
Khách đến tham quan cũng sẽ được chiêm ngưỡng nhiều vật chứng chiến tranh từ cái bát sứt ăn cơm, bi-đông đựng nước lấm tấm đốm sẹo trắng, đèn dầu cho tới áo bộ đội, dép lốp, mũ cối hay những mảnh vỏ đạn đồng được người sưu tầm nhặt nhạnh thu gom từ nhiều nguồn.
Bên cạnh những món đồ cổ Việt Nam, những người đam mê sưu tập cổ vật nước ngoài cũng sẽ thích mê với những búp bê, hộp quay nhạc hay đồng hồ từ thời Liên Xô đến nay vẫn chạy tốt. Những đồ dùng du nhập phương Tây từ thời bao cấp như quạt, điện thoại bàn ống nghe, hay máy đánh chữ cổ, đèn pha lê Pháp là những đồ vật không thể thiếu tại phiên chợ đồ xưa.
Người ta đến đây thu thập không chỉ một mà cả bộ những băng cát-sét, những chiếc đĩa than vinyl nhạc quốc tế yêu thích, tất nhiên không thể thiếu đầu nghe đĩa hình loa kèn vintage cổ điển. Thậm chí, những chiếc tẩu chỉ nhìn thấy trên phim châu Âu thời xưa cũng có mặt ở đây với đủ loại chất liệu, hoa văn cầu kì. Những cổ vật ở đây, tuy không còn nguyên vẹn nhưng người mua vẫn thích thú khi sở hữu chúng vì “sự hiếm” ít ai có được.
Mới khiêm tốn với số lượng 20 gian hàng, nhưng ở mỗi phiên lại có chủ đề văn hóa khác nhau tạo cảm giác mới mẻ cho người đi chợ. Khách hàng tới đây không chỉ một phiên mà nhiều phiên khác nhau để “săn” những đồ độc, đồ mới theo tuần.
Chợ phiên đồ xưa tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã trở thành một sân chơi bổ ích cho nhiều người dân Hà Nội. Người ta đến chợ vừa được nói chuyện, giao lưu, kết bạn, vừa được “gói mang về” những đồ vật hiếm có khó tìm. Người cao tuổi đến đây để tìm lại những mảnh kí ức về một Hà Nội xưa trong tâm tưởng. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ tham gia phần vì trí tò mò, phần để hiểu thêm về giá trị lịch sử của thời kỳ cha ông đã trải qua.
Còn những chủ gian hàng, họ tham gia phiên chợ được khá nhiều “lời”. Họ vừa có chỗ trưng bày miễn phí, vừa bán được hàng, lại vừa kết bạn được với những “cạ” cùng yêu thích đồ cổ giống mình, thậm chí còn đổi vai trò thành “khách hàng” khi họ tìm thấy những món đồ ưng ý.
Không chỉ đơn thuần là phiên chợ cuối tuần, người sáng lập còn tổ chức đấu giá mỗi phiên để lấy tiền làm từ thiện cho những mảnh đời bất hạnh. Sản phẩm đấu giá là những món đồ xưa cũ được các cửa hàng trao tặng hoặc chính là món đồ mà “chủ chợ” đã sưu tầm.
Bài và ảnh: Thu Phương