Chủ nhật, 1/3/2020, 00:04 (GMT+7)

Chó nghiệp vụ khổ luyện

Chó nghiệp vụ ở Phòng Cảnh sát cơ động (Công An Nghệ An) được chia thành các chuyên khoa; hàng ngày được huấn luyện cách tấn công tội phạm, tìm ma túy hay truy tìm dấu vết.

Đội Quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ (Phòng Cảnh sát cơ động) ở xã Hưng Lộc (TP Vinh). Theo quy định, mỗi sáng, hàng chục chó nghiệp vụ do đơn vị này quản lý được huấn luyện để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Buổi huấn luyện mở đầu bằng các động tác cơ bản: Xếp đội hình, đứng, ngồi... Thời gian thực hiện bài này chừng 20 phút.

Sau hiệu lệnh của cán bộ huấn luyện, lần lượt những chú chó nghiệp vụ sẽ băng qua đường chạy hỗn hợp gồm: Cống tròn, cầu cứng, cầu thang, hàng rào, lỗ tròn, bức tường.

Bài tấn công tội phạm với tình huống giả định là cán bộ công an đã xác định một kẻ tội phạm nguy hiểm và cần bắt giữ. Nhận lệnh, chó nghiệp vụ đứng cách đó hơn 20 m xông tới tấn công đối tượng.

Khi đối phương ngã xuống đất, chó nghiệp vụ vẫn tiếp tục tấn công cho tới lúc nhận hiệu lệnh của cán bộ huấn luyện mới chịu buông bỏ.

Với bài tets tìm ma túy, cán bộ công an sẽ giấu một số mẫu vật nhỏ, được bỏ trong túi bóng và lấp dưới gốc cây, đảm bảo không thể nhìn thấy.

Nhận lệnh đánh hơi đoạn đường khoảng 30 m, một chó nghiệp vụ chuyên khoa Ma túy sau 30 giây đã tìm thấy vị trí có giấu mẫu vật. Chúng liên tục sủa và dùng chân cào bới để báo hiệu cho cán bộ huấn luyện.

Giám biệt mùi hơi là một bài huấn luyện quan trọng được thực hiện trong một căn phòng. Cán bộ huấn luyện để mẫu vật trong 5 lọ thủy tinh có kích thước, màu sắc giống nhau. Chỉ khoảng 10 giây, chó nghiệp vụ Khoa Hình sự phát hiện lọ đích.

Các chó nghiệp vụ tại đơn vị đều đã được huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Công an). Phần lớn chó nghiệp vụ tại đây là giống chó becgie của Đức hoặc Bỉ. Chúng được đặt tên riêng như: Đô, Benly, Sam... và có hồ sơ quản lý chặt chẽ theo quy định của ngành. 

Chó nghiệp vụ được chia làm các chuyên khoa gồm: Chuyên khoa bảo vệ và truy tìm dấu vết hơi, giám biệt mùi hơi người, ma túy, thuốc nổ, tìm kiếm cứu nạn.

Mỗi chó nghiệp vụ sẽ do một cán bộ huấn luyện quản lý. Sau khi hoàn thành các bài huấn luyện, chúng sẽ có những giây phút thư giãn, được chải lông, cho uống nước, đặc biệt có phần thưởng để động viên.

"Khó nhất trong khâu huấn luyện là tìm được 'tiếng nói chung' giữa chó nghiệp vụ và cán bộ huấn luyện. Gắn bó với Sam hơn một năm nay, giờ  tôi nói gì nó đều hiểu và thực hiện", thượng sĩ Lương Quốc Khánh nói và cho biết ngày nào cũng trực tiếp huấn luyện và chăm sóc nên mỗi dịp có việc nghỉ đột xuất lại cảm thấy nhớ "người bạn bốn chân".

Tại hội thi chó nghiệp vụ Công an nhân dân năm 2019, Đội quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ (Phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An) đạt giải nhì toàn đoàn.

Huấn luyện chó
 
 

Hải Bình

Đánh giá phiên bản mới