Người bán - kẻ mua mò mẫm ở chợ mò. |
“Ai mua cà... hơ... hơ... Năm trăm đồng một ký... hơ... hơ...”. “Ai mua cá nục hấp... đây...đây... Chỉ một ngàn đồng nửa giỏ... đây... đây...”.
Buổi chiều vàng vọt nhạt dần trong khói bụi mịt mù và tiếng rao hàng khàn đục. Những chợ mò quanh Khu công nghiệp Tân Tạo, Bình Tân chìm nhanh vào bóng đêm. Người bán lục tục lôi đuốc tre, nến sáp trong bị đệm ra, lom khom xoay lưng che gió, thắp lửa. Một vài, rồi hàng trăm đốm sáng nhỏ như ngón tay lay lắt trong gió đêm. Hơi nóng hâm hấp của cái nắng khô ban ngày dịu xuống. Mùi nồng nồng, ngai ngái và tanh tưởi của rau rác, thịt cá và cả mồ hôi người dần lan ra...
Chợ đã họp trong lờ mờ những gương mặt người bán, kẻ mua. Có cụ bà lọm khọm sửa lại từng bó rau cho ngay ngắn bên cụ ông râu tóc bạc phơ. Có em bé ngồi co ro bên manh nhựa đựng mớ hàng rau quả, cá mú vụn vặt. Theo quan sát của Tuổi Trẻ, ít nhất phải có đến mấy chợ mò quanh khu vực tập trung đông nhà máy này.
Có chợ họp ngay trên nửa mặt đường quốc lộ đang được che chắn lại và cấm xe lưu thông để nâng cấp. Có chợ tận dụng khoảnh đất còn để trống bên hông và sau lưng nhà máy. Đèn đường không có. Ánh sáng từ nhà dân cũng xa. Người bán đứng ngồi san sát nhau, có người chẳng có nổi một ngọn đuốc. Một đốm lửa thắp lên, cả ba bốn mẹt hàng nhập nhòe vây quanh hưởng nhờ cái ánh sáng yếu ớt ấy. Thỉnh thoảng ánh đèn pha của xe cộ qua lại trên quốc lộ bừng sáng lên như đem lại chút văn minh thời đại cho cái chợ “âm phủ” này.
Hàng quán tạm bợ, liêu siêu trong ánh nến. |
Các sạp hàng thật hiếm hoi với vài mảnh gỗ tạm bợ, liêu xiêu. Nhiều nhất là các mẹt hàng bằng phên nứa, mâm thau, bao bạt rách rải rác khắp nơi. Hàng hóa ở chợ phần nhiều là những mặt hàng rẻ tiền, kể cả hàng dạt bán ế từ các chợ lớn đưa về. Rau củ héo hắt. Thịt cá hiếm hoi. Lớt phớt mấy mâm cá khô, cá tra, cá nục hấp với vài miếng thịt, xương heo đã có mùi.
Giữa tầm công nhân tan ca tối đang tạt qua kiếm mua vài món nấu ăn qua ngày. Tiếng trả giá kỳ kèo, tiếng rao hàng, càu nhàu hòa vào nhau tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn của chợ đêm. Chốc chốc tiếng còi xe tải, xe khách trên đường lại hú lên. Trong ánh đèn pha rọi qua, trên con đường nâng cấp mấy năm chưa xong bụi đất cát mù mịt như màn sương đêm dày đặc.
Việt Nam có biết bao chợ, từ chợ nhà giàu Đồng Xuân, An Đông, Bến Thành, đến các chợ đê, chợ sông, chợ làng của các xóm quê nghèo. Nhưng hiếm có chợ nào lại gợi lên nhiều cảm xúc đối với những người lần đầu đến chợ như chợ mò giữa thành phố này vì khách hàng chủ yếu là các công nhân nghèo. Người bán cũng nghèo và các món hàng cũng nghèo nốt! Có ai tin nổi bé Hà, 7 tuổi, rao khản cổ để bán 500 đồng/kg cà chua, 1.000 đồng/kg cà pháo? Có ai tin nổi chú Lý Văn Năm, 60 tuổi, ngồi co ro bên vợ cả buổi tối để bán 800 đồng/khía cá tra?...
Những người nữ công nhân mân mê mãi mới dám mua nửa ký cà chua, nhưng không có tiền lẻ để thối đành bớt đi một trái để trả chẵn 200 đồng. Hai cô công nhân Thủy và Tươi từ tận Quảng Bình vào đây cứ băn khoăn bên giỏ cá nục hấp và khía cá tra. Cá nục hấp thì 2.000 đồng/giỏ, nhưng có thể kho mặn, ăn lâu hơn cá tra tươi. Cuối cùng họ vẫn quyết định chọn khía cá tra, vì 200 đồng dư của tờ 1.000 đồng còn có thể mua được hành, ớt làm gia vị...
Trong bóng đêm chập choạng ánh đuốc, những công nhân nhập cư lặng lẽ ghé chợ rồi lại lặng lẽ trở về các khu nhà trọ với bọc nilông thức ăn nhỏ xíu móc ở cổ xe đạp mà trị giá thường chưa đến 5.000-10.000 đồng. Họ từ tứ xứ về thành phố này để mưu sinh. Cái họ cân đo khi móc ra đồng lương ít ỏi của mình là giá cả chứ không phải chất lượng. Chú Năm kể cho tôi nghe có đêm họ chỉ bán được 10.000 - 20.000 đồng tính cả vốn, đêm may mắn hơn cũng chả thêm được bao nhiêu.
Nhưng đó là kết quả thức dậy từ 2h sáng và trở về nhà lúc trời gần qua ngày mới của đôi vợ chồng già. Đầu tiên, họ ra chợ Xóm Củi để chờ mua những con cá dạt, rẻ tiền. Sau đó về họ mới sửa sang, phân loại lại để chiều từ quận 8 chạy xe qua chợ mò này bán. “Có muốn kiếm cá ngon hơn, bán đắt hơn một chút cũng khó cậu em à! Nhiều công nhân ghé đây để mua đúng một khía cá, một củ hành. Sắp nhỏ lao động chân tay đâu có nhiều tiền mà chọn lựa ngon dở...”. Giọng người đàn ông phào phào thỉnh thoảng lại tắc nghẹn vì những tràng ho khan.
Kim đồng hồ tay đã chỉ gần 9 giờ tối. Các công nhân tăng ca về trễ cũng đã tản mát gần hết. Trên tấm bạt nhựa rách rưới, đống cà chua của em Bùi Lâm Sanh vẫn còn đầy nguyên. Cha làm tài xế bị tai nạn cụt chân, mẹ mất sớm vì bệnh tim, Sanh lang thang ra chợ này kiếm sống. Ngồi cạnh đống cà chua khoảng vài mươi ký với giá bán 500 đồng/kg, Sanh nhìn qua hướng khác, có vẻ chẳng muốn tiếp chuyện bất cứ ai.
Chị bán hàng kế bên trầm giọng: “Thì anh cứ tính, mỗi ký lời được 50-100 đồng là tối đa”. Rồi chị nói cái lời của những người bán rau quả ở chợ này chủ yếu từ những đồ dạt loại nhỏ hoặc bị héo dập, được mua vào với giá rẻ. Các công nhân cũng biết chuyện đó nhưng họ đâu có nhiều tiền để khó tính.
Ở chợ, có nhiều em khác còn bé hơn Sanh. Hà, 7 tuổi, ở Vĩnh Lộc, đã phải theo mẹ ra chợ đêm. Cha bỏ đi! Cuộc sống mỗi ngày của em là từ chợ Cầu Xáng đến chợ mò Tân Tạo này. Bên đống cà chua, cà pháo, dưa leo... phế phẩm, em đã biết rao, biết bốc, biết gói hàng phụ mẹ. Em kiên quyết trả lại khách tiền thừa vì “má dặn con giá dưa leo chỉ có bi nhiêu mà!”.
So với Hà, bé Tư chỉ lớn hơn 2 tuổi nhưng đã theo cha từ vùng giáp Đức Hòa qua đây để bán cá khô. Cậu nhóc này vô tư, vừa rao hàng vừa tranh thủ gom giấy vụn để dán diều. Còn người cha trẻ 24 tuổi thì lại bùi ngùi: “Nếu năm ngoái vợ tui không bị lật ghe, chết đuối thì tui không cho nó khổ sở đi theo mình như vậy đâu. Đời tui mù chữ bị người ta khinh bạc rồi không nỡ lại để nó mù chữ nữa!”...
Ngoài một số cư dân sống quanh quẩn đó, nhiều người bán ở chợ cũng từ dưới quê lên. Có người bán suốt ngày. Có người ngày đi làm, tối xuống kiếm ít hàng vặt ngồi chợ để kiếm thêm. Hai anh em Lê Văn Ga từ tận miệt biển Nam Định vào, hút thuốc bằng ống điếu cày. Ba năm rưỡi đào vàng ở Phước Sơn không gặp may, hơn một năm bốc vác ở cảng Sài Gòn và rồi đời họ trôi về chợ này đây với số tiền đủ để mua chiếc ba gác cũ với vài chục trái dưa bở. “Có ngày đủ ăn, có ngày phải bớt bữa, nhưng cũng sống được anh ạ! Ít ra mình cũng tự quyết được chính mình...”.
Những người bán hàng ở chợ mò cho biết bây giờ đang là mùa khô nên dù sao họ vẫn còn “dễ thở”. Cái họ sợ nhất là những đêm mưa, đuốc không thể sáng, và thế là... ế! Anh Nguyễn Minh Điền, chủ một sạp thịt hiếm hoi, kể có nhiều trận mưa xối xả, nước dâng ngập tràn lõm đất chợ. Họ phải đội mâm hàng trên đầu và đứng dầm nước đến thắt lưng chịu trận. “Không thể xin vào trú nhà ai quanh đó được bởi họ đóng cửa mà mình cũng ướt át, hôi hám quá. Nhưng thật lòng lúc ấy cũng không mấy ai nghĩ đến lạnh đâu, chỉ mong trời tạnh mưa để đốt đuốc lên...” - người đàn ông dứt lời đột ngột.
Cơn gió tạt qua, ánh đuốc tắt, lửa được thắp lên trở lại. Và ở nơi đèn không hắt tới, mặt người lại nhập nhòe mờ tỏ...