Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 29/1/2005. Hôm ấy, người vợ đã ly hôn và ba người con của ông Đỗ Hữu Trí tới Bệnh viện tâm thần TP HCM, làm đơn yêu cầu bệnh viện đến nhà hỗ trợ đưa ông Trí đi chữa trị. 11h đêm cùng ngày, hai nhân viên bảo vệ của bệnh viện là Đặng Kinh Luân và Huỳnh Thanh Liêm đã đến nhà, vào phòng và yêu cầu ông Trí đi khám bệnh. Do ông Trí kháng cự nên Luân, Liêm dùng dây vải trói hai tay ông ra phía sau rồi đưa ông ra xe taxi về bệnh viện. Ba ngày sau đó, ông Trí mới được xác định là không bị bệnh và cho về nhà.
Tại tòa, từng lời khai của 2 người bảo vệ một lần nữa làm ông thấy xót xa. Họ nói rằng, trước đó, vợ con ông đến bệnh viện, thông báo ông có những hành động bất thường như: tưới cây bằng dầu ăn, đánh con, thỉnh thoảng cười một mình, gia đình lại có tiền sử bệnh tâm thần... Cũng chính vợ cũ ông còn để lại số điện thoại, địa chỉ và báo rằng ông thường về nhà vào lúc 11 giờ đêm. Họ còn một mực khẳng định "trong vụ này, gia đình vợ con ông Trí mới là kẻ chủ mưu... chính họ ra mở cửa, dẫn chúng tôi lên phòng... giúp giữ tay ông Trí cho chúng tôi trói... do quá tin vào gia đình nạn nhân nên chúng tôi mới làm như thế... ".
Bị cáo Luân còn kể thêm: "Ngay hôm sau, vợ con ông Trí có đến làm thủ tục nhập viện cho ông và có đưa cho tôi 800.000 đồng, trong đó có 200.000 tiền taxi và 600.000 tiền bồi dưỡng"...
"Không còn tình cũng còn nghĩa". |
Tuy nhiên, phía gia đình ông Trí một mực phủ nhận những lời khai trên. Cô con dâu thì lý giải rằng, việc cô viết cam kết khẳng định ông bố chồng "bị bệnh tâm thần, đề nghị bệnh viện cho người xuống áp giải" là do hai bảo vệ của bệnh viện ép buộc viết thế. Cậu con trai và cô con gái thì "nại" lúc cha bị bắt, đang ở dưới nhà nên không biết... Còn vợ cũ của ông thì luôn nói đến chữ nghĩa, "vợ chồng sống với nhau không còn tình cũng còn nghĩa nên tôi mới lo lắng, quan tâm đến sức khỏe của chồng cũ. Tôi chỉ nhờ bệnh viện xuống thăm khám chứ không muốn có chuyện bắt người...".
Đến lượt mình, ông cũng nói về chuyện nhân nghĩa nhưng cái nghĩa mà ông nói tới lại khiến những người dự khán nghe thật xót xa. "Tôi vẫn đang đi làm bình thường, không có biểu hiện tâm thần gì... Lúc bị bắt, tôi cứ nghĩ mình bị đem đi thủ tiêu ở một nơi nào đó... Sau khi được thả, tôi phải đi mướn nhà để ở vì sợ sẽ bị bắt lại bất cứ lúc nào". Mái tóc hoa râm của người đàn ông này cứ rung lên khi nhắc tới cái ngày khủng khiếp ấy. "Hàng đêm tôi không sao ngủ được, cứ nghĩ tới cảnh mọi người cho mình là thằng điên thì lại khóc một mình". Rồi ông dằn vặt về việc làm đơn tố cáo để đòi lại danh dự cho mình, để mọi người thấy ông "không phải là thằng điên, không phải là trường hợp được bệnh viện tạm cho về" và còn để đề phòng có thể bị bắt trở lại bất cứ lúc nào... Nhưng khi cô con dâu van nài "xin bố tha cho con", thì ông đổi ý, vì ông "không muốn làm khổ người khác". Cũng theo ông thì "vợ chồng sống với nhau không tình cũng còn cái nghĩa"...
Tại tòa, người đàn ông có dáng vẻ buồn rầu vẫn một hai xin hội đồng xét xử đừng xem xét đến hành vi của vợ con ông và cũng khẩn khoản xin tòa áp dụng hình phạt nhẹ nhất cho hai bị cáo Luân và Liêm. Bởi với ông, "họ không quen biết, không thù oán, không lẽ họ lại vô cớ bắt người...". Theo ông, "chỉ cần cảnh cáo thôi để họ biết hành vi ấy là sai trái vì họ thực ra họ chỉ là người đưa tôi đến bệnh viện...".
Viện kiểm sát nhận định "chuyện gia đình ông Trí có nhờ bệnh viện xuống áp giải là có thật. Tuy nhiên, do không chứng minh được vai trò chủ mưu của họ nên không thể xử lý".
Hội đồng xét xử cũng đồng thuận khi cho rằng, hai bị cáo Đặng Kinh Luân và Huỳnh Thanh Liêm phạm tội bắt nguồn từ lỗi của gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, viện kiểm sát không kết luận nên tòa không có cơ sở xem xét. Cũng theo tòa, do quá tin tưởng vào những gì phía gia đình nạn nhân nói, các bị cáo không kiểm chứng, xác định lại nguồn tin đã vô cớ bắt người là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, xét động cơ phạm tội của các bị cáo là muốn đưa người bị hại đi khám bệnh, lại đang có việc làm ổn định, có con còn nhỏ nên xét giảm hình phạt cho các bị cáo.
Tòa tuyên án, chỉ có hai các bị cáo nhận mức hình phạt 2 năm cải tạo không giam giữ. Hành vi của những người liên quan khác thì không có cơ sở xử lý. Tuy nhiên, những gì vị chủ tọa "tâm tư" cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ: "Có những việc chỉ mình làm, mình biết và có thể chối bay chối biến được. Nhưng nếu đã làm cho người khác phải chịu đau khổ thì liệu lương tâm có bị cắn rứt? Hôm nay, tòa tuyên người này có tội, người kia vô can nhưng tòa án của lương tâm thì sẽ không bao giờ tha thứ"...
S.N.