w_on_m
Tác giả bài viết. |
Tôi quyết định mở chuyên mục Thắng cảnh Việt - Đi và khám phá để giới thiệu hình ảnh đất nước mình.Qua đó thỏa tình yêu quê hương cũng như ít nhiều góp phần nhỏ tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam cùng bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước!
Vội vã chuyến đò cuối
“Chiều trên Phá Tam Giang, anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ niềm nhớ, đến bất tận…”, tôi đã trót yêu bài hát này tư lần đầu tiên nghe được nên quyết chí phải được tận mắt chứng kiến “người tình” của mình “bằng da bằng thịt”.
Từ Huế cũng gần xế chiều, tôi và anh bạn tức tốc phóng xe máy về Phá. Mon men theo phố cổ Bao Vinh chúng tôi kịp đến Phá lúc đã chập choạng tối. Bến đò Vĩnh Tu hiện ra trước mắt với niềm hân hoan của cả hai. Chúng tôi bắt chuyến đò cuối cùng băng qua Phá
Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi khi đến bến đò là “nước ôi là nước ôi là nước”. Con đường xi măng dẫn ra đò như một que diêm từ trong họp thò ra ngoài biển nước vô tận. Tôi bị hớp hồn bởi những gió và nước. Buổi chiều trên phá, trời thật thấp, gió thổi từ bốn phía bạc cả người, những con sóng nhấp nhô xô vào mạn thuyền, thỉnh thoảng một con sóng lớn chông chênh cả người và vật, bất chợt thấy trong mình cũng rợn rợn giữa không gian những nước, gió, sóng và con đò cuối cô đơn lạnh lẽo. Mưa bắt đầu lất phất rơi, lăn tăn trên mặt phá bất chợt làm cho tôi thấm thía nỗi vắng vẻ của vùng đầm phá, vùng đất đa văn hoá và nhiều giai thoại. Tôi râm rang đọc lại câu thơ:
“Thương em anh cũng muốn qua,
Sợ truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang”.
Dân chuyên nghiệp đổ nò. |
Độn cát
Sau hơn 20 phút băng ngang trên phá, chúng tôi đến được bờ bên kia. Cái triền cát mờ mờ trong xế chiều lúc đang đi đò giờ đã hiện ra trước mặt thật khổng lồ. Anh bạn người bản xứ đi cùng tôi đã khôn khéo khi không giới thiệu cho tôi trước về cái triền cát xa xa trong mắt tôi. Chính vì thế đã làm tôi há hốc mồm vì bất ngờ. Đứng ngay dưới chân “sa mạc” cát tôi được nghe những điều đầu tiên về nó. Ở đây người ta gọi nó là độn cát. Với sứ mệnh thiêng liêng, nó được tạo hoá sinh ra để tạo nên con phá này. Nằm giữa phá và biển, độn cát như một con đê thiên tạo ngăn hai dòng nước, tạo nên một quần thể của biển, cát và nước ngọt. Tất cả đều to lớn; biển thì vô tận, độn thì ngút ngàn và phá thì cuồn cuộn. Từ biển có những đoạn đi hàng chục km mới tới phá. Càng gần cửa biển Thuận An, độn càng hẹp dần. Trên độn hàng ngàn cây dương liễu rì rào trong gió biển tạo nên những nơi cắm trại dã ngoại rất lý tưởng. Theo dân ở đây thì nước ngọt ở dưới độn uống rất mát và trong vắt. Nứơc len qua rễ cây và chảy theo những khe cát rất dễ hứng, hoặc chỉ đào xuống cát không sâu lắm là có nước.
Phải mất một tiếng đi dọc theo độn cát mới đến nhà, trời tối mịt chúng tôi theo hai vợ chồng ngư dân đánh nốt ra phá. Nốt là một chiếc thuyền nhỏ có mui ở giữa để tránh mưa, nắng. Trơi tối như mực, nhưng ai cũng háo hức cho chuyến “du ngoạn” trên phá về đêm. Trong đêm hun hút, chỉ thấy lờ mờ đôi bờ xa thẳm và những bãi sáo nò Đi nốt, đổ nò, kéo nghề
Đi nốt, đổ nò, kéo nghề
Vi vút tiếng rít trong gió. Tôi dần dần nhận ra hình thù những chiếc nò dọc theo những chiếc cọc tre được cắm xuống nước hình tam giác rộng lớn. Dãy cọc tre nhô trên mặt nước được bao một lớp lưới để chặn cá tôm để khi nước lên và khi nước xuống sẽ đẩy tôm cá vào dãy nò được cột theo hàng cọc. Nò là một ống hình trụ bằng lưới, được nẹp bằng những cây tre dài gần 3 mét có đường kính khoảng 5 tấc. Dọc theo những ống nò là những khe lưới được thiết kế để cá một khi theo con nước chui vào thì chúng không thể thoát ra ngoài được. Cảm giác thật thích khi chúng tôi lần đầu tiên được tận tay làm việc mà trước kia chỉ được nghe kể. Bọn tôi nhấc bổng ống nò lên khỏi mặt nước và dốc ngược lại cho tôm cá đổ vào thúng. Mặc cho mưa vẫn lất phất, gió vẫn rít qua dãy nò dày đặc, chỉ một chốc mà bắt được rất nhiều hải sản. Nhìn cả thúng “chiến lợi phẩm” mà mình mới thu hoạch được, vui sướng muốn chia sẻ với ai đó và giật mình khi thấy cột tín hiệu của chiếc điện thoại “đầy ắp” sóng. Tôi nói vui với anh bạn đi cùng: “thời này đến tam giang, mình đâu phải anh chợt nhớ em… nhớ đến bất tận” nữa, mình có thể nghe tiếng “em” nói bất kỳ đâu trên phá này”.
Đổ nò xong với đầy ắp tôm cá, chúng tôi quay lại trại để chén trong khi đợi nước rút để ra kéo nghề (kéo lưới). Đợi không lâu chúng tôi đã được thưởng thức những món đặc sản của vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này. Cua đem hấp với bia chắc như đá vậy, đến nỗi tôi đã làm đứt tay mình khi bẻ chúng. Thịt và gạch cua ngọt và bùi, ăn ngon không cần phải chấm thêm gì. Cá dìa, cá nâu đem hấp lấy nước ăn với bún ngon tuyệt. Đặc biệt là ruột của cá thơm, đắng đắng nhưng cái hậu nghe bùi bùi trong miệng, ăn chậm để thưởng thức cái chất cá đặc trưng của vùng này mới thấy hết cái ngon của nó. Thịt cá cuốn với bánh tráng, bún, rau sống chấm với nước mắm ớt tỏi thì không thể ngừng ăn được. Nước mắm được làm từ cá ở đây mặn mà và thơm nhẹ ở đầu lưỡi, cái mùi không quá mạnh để làm mất mùi của món cá nhưng cứ nấn ná mãi, làm cho nó không lẫn với nước mắm của nơi nào. Một loại hải sản nữa không thể không nhắc đến là các loại tôm. Tôm đất rất nổi tiếng với món mắm tôm chua của người Huế, tôm bạc đem sốt tỏi ăn thì ngọt và thơm lừng…
Buổi sáng sớm đổ nò trên phá. |
Những món tôm cá ngon tuyệt làm cho chúng tôi không kịp níu lại thời gian, thoáng cái mà đã đến giờ con nước xuống và cả bọn phải bình bịch chiếc nốt ra kéo nghề. Nghề được người nhà cột ở bãi từ đầu con nước lúc chiều khi chúng tôi chưa đến. Hơn 12h đêm chúng tôi đến bãi nghề, nghề được cột ở hai cột dương đã được cắm sâu xuống lòng đáy. Khoảng cách giữa hai cột phải hơn 5 mét. Chòng chềnh trên con nốt để gỡ những sợi dây dù to bằng ngón cái, chúng tôi làm không quen phải bám vào nhau có lúc như muốn rơi xuống phá. Bốn người ra sức kéo từng mét nghề lên mà trong lòng phấn khích vô cùng. Chưa bao giờ chúng tôi bắt được nhiều tôm cá đến thế.
Rời bãi nghề mọi người đã mệt lả. Quay về trại đổ tôm cá rồi trở ra phá neo ở bãi nò, chúng tôi lênh đênh ngủ trên phá. Đêm khuya chập chờn với những con sóng nhỏ vỗ nhẹ thân thuyền, trong lòng liên tưởng đến bao thân phận con người trôi nổi trên Phá, những người lầm lũi suốt ngày đêm với chu kỳ những con nước. Cuộc đời cũng theo con nước mà lên xuống.
Trong suốt cuốc xe trở về Huế, những câu chuyện của ngư dân trên phá làm tôi chạnh lòng. Tuy tiện nghi của cuộc sống hiện đại đã len lỏi tới vùng đất này, sóng điện thoại ở giữa phá vẫn “đầy ắp”, internet đã lác đác vài tiệm ở trung tâm xã, nhưng nhìn chung ở đại bộ phận ngư dân ở đây cuộc sống còn nhiều khó khăn. Họ quanh năm chủ yếu sống nhờ vào con nước lên xuống nhưng 6 tháng đầu năm là tương đối thu hoạch được, còn mùa lũ thì tôm cá theo con nước trôi ra biển hết, cuộc sống thiều thốn đủ bề. Mong ước của người dân ở đây là có một cây cầu bắt qua phá để bà con đi lại, giao thương nhanh chóng để điều kiện sống ngày càng tốt hơn.
Phá Tam Giang Nằm trong hệ đầm phá Tam giang- Cầu Hai được hợp thành 3 phần khác nhau: phá Tam Giang, đầm Sam và đầm Thủy Tú, tiếp nối là đầm Cầu Hai. Hệ đầm phá này thuộc cỡ lớn trên thế giới Rộng 52km2, kéo dài 24 km từ cửa sông Ô lâu, phía nam là cửa sông Hương thông với biển qua cửa thuận an, thuộc địa phận của 12 xã của 3 huyện Quảng Điền, Phong Điền và Hương Trà. Được hình thành và tồn tại hơn 2000 năm. Đây là loại hình thủy vực rất độc đáo, được coi như là một vùng biển - một lagoon ven biển nhiệt đới. Đã đến Phá Tam Giang thì không nên bỏ qua món hải sản với rất nhiều loại như cá chình, cá lụy, cá lệt khoai, cá lệt cú, cá vượt, cá dìa cá nâu, tôm sú, tôm đất, tôm bạc, trặc (rất hiếm). Cá lệt cú um với măng, chuối chát ăn với bún hoặc cơm. Còn cá chình và cá lụy thì nướng, cuốn bánh tráng chấm nước mắm hay mắm ruốc. Cá trặc kho sệt ăn với cơm rất ngon. Theo người dân địa phương thì canh cá bong thệ nấu với thơm ăn mát cả mùa hè, hoặc đĩa bánh khoái cá kình thì khộng thể nào quên được. Người ta nói không ngoa, cá có rất nhiều suốt chiều dài đất nước, nhưng không có cá nào ngon và thơm như cá Tam Giang Đến Phá Tam Giang từ Huế - Đi dọc đường Chi Lăng, đến ngả ba rẽ trái qua cầu Bãi Dâu, đến ngã tư rẽ phải đi ngang qua phố cổ Bao Vinh hoặc từ đường Huỳnh Thúc Kháng chạy thẳng đến phố cổ Bao Vinh. Tại Bao Vinh, gặp ngã ba rẽ trái đi về thị trấn Xịa và đến bến đò Vĩnh Tu (xã Quảng Ngạn, Huyện Quảng Điền). Đây là bến đò băng qua phá. Nếu rẽ phải đi về xã Thanh Phước, lên cầu Thanh Phước, gặp ngã ba rẽ trái ra bến đò Hương Phong. Băng qua đò là đến phá. Đường đi ngang thị trấn Xịa thì tốt hơn nhưng xa hơn 4km so với đường đi về bến đò Thanh Phước. - Có thể di dọc Quốc lộ 1A để đến An Lỗ, gặp ngã tư rẽ phải về thị trấn Xịa, nhưng đường hơi xấu (30km). |
Vài nét về blogger
Phong Mập: nghề nghiệp freelance; cư trú: ba miền Việt Nam, USA. Tôi yêu mùa đông và những cơn mưa, bởi chúng cho ta cảm xúc hạnh phúc của ấm áp và khô ráo. Bài viết khác: Giữ một niềm tin, Viết cho mẹ ngày mưa.