Những đứa trẻ với ngón nhẫn dài hơn ngón trỏ sẽ có điểm môn toán cao hơn môn văn, trong khi những em có tỷ lệ ngược lại sẽ đạt điểm môn văn cao hơn môn toán.
Các nhà khoa học đã biết rằng hàm lượng hoóc môn testosterone và estrogen trong tử cung tạo nên sự khác biệt trong chiều dài ngón tay, qua đó phản ánh vùng não nào phát triển hơn vùng não khác, nhà tâm lý học Mark Brosnan tại Đại học Bath, Mỹ, cho biết.
Việc tiếp xúc với testosterone ngay từ trong bụng mẹ sẽ kích thích phát triển vùng não liên quan tới kỹ năng toán học và không gian. Hoóc môn này cũng làm cho ngón đeo nhẫn dài hơn. Còn hàm lượng estrogen nhiều lại kích thích tăng trưởng vùng não liên quan tới ngôn từ và làm ngón trỏ dài hơn ngón đeo nhẫn.
Để kiểm tra mối liên quan với điểm số của sinh viên trong kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ, Brosnan và cộng sự đã tính toán chiều dài ngón trỏ và ngón đeo nhẫn chính xác tới 0,01 mm.
Tiếp đến các nhà nghiên cứu tìm hiểu kết quả kiểm tra của con trai, con gái và so sánh với tỷ lệ ngón tay. Họ tìm thấy mối quan hệ rõ rệt giữa việc tiếp xúc với testosterone từ khi còn trong bụng mẹ, thể hiện bằng ngón trỏ ngắn hơn ngón nhẫn, với điểm toán cao hơn.
Tương tự họ thấy điểm văn cao hơn ở những bé gái được tiếp xúc với testosterone ít hơn trong tử cung, thể hiện bằng ngón đeo nhẫn ngắn hơn ngón trỏ.
"Thật thú vị khi thấy tỷ lệ các ngón tay có thể cho chúng ta biết được lực học bẩm sinh của các em", Brosnan nhận định.
Trong tương lai nhóm sẽ tìm hiểu tỷ lệ ngón tay liên quan tới vấn đề hành vi và nhận thức, như con đường sự nghiệp, hay chứng khó đọc.
(Theo VnExpress)