Khác với dẫn quân đấu SEA Games kiểu gì cũng thành công, các vị trưởng đoàn thể thao Việt Nam gánh vác sứ mệnh tại những kỳ Olympic gần đây coi như phải ngồi "ghế nóng". Mới chỉ có hai trong số 7 trưởng đoàn có huy chương mang về.
Kể từ tái hội nhập với đấu trường quốc tế lớn nhất, tại Olympic 1980, thể thao Việt Nam có 8 lần phó hội, với 7 vị trưởng đoàn khác nhau. Vì nhiều lý do, chủ yếu xuất phát từ phương thức tổ chức 4 năm một lần nên chỉ có trưởng đoàn Mai Văn Muôn đảm trách ở hai kỳ Đại hội (năm 1988 và 1992).
Cho đến trước Olympic 2000, nhiệm vụ của các vị trưởng đoàn khá nhẹ nhàng, bởi mục tiêu của thể thao Việt Nam chỉ dừng lại ở chuyện giao hưu, cọ xát, nâng cao trình độ. Lần nào, đoàn quân cũng chỉ lèo tèo trên dưới 10 tuyển thủ, đều thuộc diện xét vớt dành cho những nền thể thao chậm tiến, ngoại trừ trường hợp của võ sĩ judo Cao Ngọc Phương Trinh vượt qua vòng loại năm 1996.
Bước ngoặt đến chính từ cuộc đấu tại Sydney năm 2000 khi trình độ của thể thao Việt Nam tiến bộ vượt bậc nhờ một chiến lược đầu tư lực lượng để chuẩn bị đăng cai SEA Games 22. Quan trọng hơn, một cơ hội thuận lợi vì môn võ thế mạnh taekwondo được đưa vào chương trình thi đấu. Bởi thế, đoàn quân của trưởng đoàn Đoàn Thao có hai võ sĩ Hiếu Ngân và Xuân Mai giành được suất chính thức, đồng thời có hy vọng tranh chấp huy chương. Ông Đoàn Thao trở thành vị "thuyền trưởng" máy tay và may mắn nhất khi Hiếu Ngân với quyết tâm, nỗ lực cao độ, tận dụng triệt để mọi cơ hội để lọt vào tới trận chung kết hạng 57kg, rồi giành HC bạc lịch sử.
Chính thành quả ngoạn mục mang tính cột mốc giúp cho ngành thể thao tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, cho dù vẫn mang nặng kiểu cách "hội làng" SEA Games. Cũng kể từ đó, đích nhắm phấn đấu có huy chương luôn được đặt ra tại các kỳ Olympic. Mục tiêu tạo ra áp lực, đòi hỏi lớn đối với lãnh đạo ngành thể thao, mà trực tiếp nhất là ông trưởng đoàn dẫn quân đi.
Olympic 2004, sau một kỳ SEA Games thành công vang dội lần đầu lên ngôi nhất toàn đoàn ngay trên sân nhà, trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh "tay trắng" trở về. Môn duy nhất có hy vọng taekwondo thể hiện sự tụt hậu so với đỉnh cao thế giới và thành tích cao nhất của cả đoàn chỉ là hạng 5 của võ sĩ Quốc Huân.
4 năm sau đó, trưởng đoàn Hoàng Vĩnh Giang may hơn với sự xuất hiện của tài năng đặc biệt Hoàng Anh Tuấn. Anh đoạt HC bạc hạng 56kg một cách rất đẳng cấp. Chỉ có điều, niềm vui của ông Giang cùng đoàn không trọn vẹn, khi "búp bê" Ngân Thương dính doping.
Đến Olympic 2012, tình cảnh “tay trắng” tái lập với trưởng đoàn Lâm Quang Thành. Càng cay đắng hơn, bởi có tới hai tuyển thủ để vuột HC đồng đầy nuối tiếc, là xạ thủ Xuân Vinh và đô cử Quốc Toàn.
Thể thao Việt Nam chuẩn bị bước vào tranh tài tại Olympic Rio, với một tân trưởng đoàn, ông Trần Đức Phấn, người mới trải qua một kỳ SEA Games thành công vượt bậc cách đây một năm. So với những người tiền nhiệm, ông Phấn thuận lợi hơn nhiều vì Việt Nam lập kỷ lục có tới 22 tuyển thủ đoạt vé, khả năng tranh chấp huy chương cũng cao hơn hẳn với ba “mũi nhọn” ở hai môn cử tạ, bắn súng. Tuy nhiên, nếu nói về mục tiêu huy chương, tình thế vẫn hết sức khó khăn, bởi đó cũng mới chỉ là hy vọng, cho dù “cửa” có vẻ sáng hơn.
Không phải Kim Tuấn, Xuân Vinh mà chính ông trưởng đoàn mới là người đang phải gánh trên vai cả một “tấn” áp lực, mà cũng chỉ có thể xác định tinh thần phấn đấu, nỗ lực tới cùng.
Ở trình độ và cách làm của thể thao Việt Nam, vị trí trưởng đoàn tại các kỳ Olympic luôn là một “ghế nóng” với sự thắng thua rất mong manh.
Thư Minh