- Tên tuổi của anh gắn với những tình khúc Trịnh Công Sơn, điều gì đã giúp anh đồng cảm được với nhạc của ông?
- Do âm nhạc, tôi biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ năm 1992, nếu không có chiếc cầu âm nhạc, chắc tôi không có duyên gặp gỡ để trở thành người em, người bạn nhỏ và là đồng nghiệp của ông.
- Anh là nhạc công đầu tiên thường kết hợp biểu diễn chung với ca sĩ, sáng kiến ấy bắt nguồn từ đâu?
- Saxophone là nhạc cụ chơi rất đa dạng, đầu thập niên 90, tôi từng xem tay kèn Kenny G biểu diễn chung với ca sĩ Michael Bolton, tôi nghĩ sao mình không thử. Khi diễn chung với mỗi ca sĩ, tôi đều có hứng thú riêng, Thanh Lam hát rất nổi, bốc lửa, Trần Thu Hà thì đầy chất jazz còn Hồng Nhung lại rất ngọt ngào và mượt mà.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn.
- Sau 5 CD tạo tiếng vang nhất định, kế hoạch tiếp theo của anh như thế nào?
- Cuối tháng 7 này, tôi sẽ phát hành CD Bóng thời gian với những tình khúc vang bóng một thời. Những ca khúc cũ tôi ví như chiếc bóng trôi theo dòng thời gian, luôn đủ sức chinh phục lòng người như bài Gửi gió cho mây ngàn bay chẳng hạn, tất nhiên, tôi sẽ chơi theo phong cách hiện đại.
- Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong cuộc đời âm nhạc của anh?
- Tháng 11/1993, tôi có chương trình độc tấu saxophone tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khán phòng có rất nhiều quan chức cao cấp và báo giới khiến một chàng thanh niên ngoài 20 tuổi như tôi thấy ngợp và chỉ thấy tự tin lúc cầm kèn. Khi phát biểu, nước mắt tôi trào ra, sau này khi biểu diễn trước 10.000 khán giả trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở ĐH Đà Lạt, tôi cũng có cảm giác giống thế.