Mới đây, danh hài Chí Trung bày tỏ trên trang cá nhân rằng, đàn ông không nhất thiết san sẻ việc nhà với phụ nữ. Mỗi người sẽ có vai trò riêng trong việc lo cho tổ ấm. Đàn ông ở chiến tuyến, phụ nữ lo hậu phương. Lĩnh vực hài còn có nhiều kiểu cười thì không nên ép chồng thương vợ là phải chia sẻ mọi việc nhà.
"Nếu ngày xưa mẹ tôi đòi hỏi trách nhiệm từ bố, thì chắc chẳng có ai ra ngoài kiếm tiền, chẳng ai lo vun vén mọi thứ, chăm sóc gia đình. Xã hội sẽ không còn người phụ nữ chu toàn mọi thứ, làm tốt những công việc chăm sóc gia đình", anh tâm sự.
Theo Chí Trung, truyền thông đa chiều đang mang đến những ảnh hưởng đáng sợ cho cộng đồng, nhất là khi có những cá nhân chỉ giỏi “yêu vợ ảo”, vỗ ngực bày tỏ trên mạng xã hội.
Trái ngược với Chí Trung, Phan Anh cho biết: “Sáng nay, xem một video về cuộc phỏng vấn đặc biệt chỉ dành cho các anh chồng. Tôi thấy sợ".
Nam MC lập luận, chỉ có đàn ông bảo thủ mới để vợ một mình lo liệu gia đình, cứ vin vào truyền thống phụ nữ lo việc bếp núc để bào chữa cho thói chây lười. Phụ nữ vốn đã thiệt thòi lắm rồi. Hãy hiểu những vất vả của cô ấy trong việc nội trợ mỗi ngày, hiểu sự hy sinh về nhan sắc hay tuổi xuân khi cô ấy sinh và nuôi dạy con, hiểu cho nỗi lo cơm áo gạo tiền khi cô ấy là người cân đối thu chi gia đình để các anh nhẹ gánh thoả sức tung hoành… Phụ nữ là để yêu, muôn đời vẫn thế, nhưng muốn yêu đúng cách hãy luôn thấu hiểu và san sẻ trong những điều thường nhật.
Đồng quan điểm với Phan Anh, trên trang cá nhân, Hoàng Bách kể lại thời gian đầu tham gia chương trình thực tế cùng con trai Tê Giác. Anh phát hiện ra vợ mình nói dối, giấu diếm những khó khăn trong chăm sóc con.
Theo nam ca sĩ, trước đây anh từng nghĩ việc nuôi con, việc nhà rất đơn giản nhưng sau khi tự bắt tay vào làm thì anh nhận ra thực tế nó không hề dễ dàng như anh nghĩ, từ đó anh có một sự thấu hiểu sâu sắc hơn về những khó và vất vả lặng thầm của vợ anh.
Lúc bắt tay vào phụ vợ việc cỏn con là canh nồi cháo khi vợ ở cữ, anh mới biết vừa nấu cháo vừa lau nhà là trải nghiệm không thú vị như phim. Thế mà trước giờ, anh luôn nghĩ chuyện chu toàn là nghĩa vụ của phụ nữ. Rằng họ phải luôn hai tay bốn năm đầu việc mới gọi là đảm đang.
Ngày xưa, bố của Hoàng Bách là một người có tư tưởng như vậy, vì ông là người vất vả kiếm tiền, mẹ phải chăm nom gia đình. Đến thời cái hệ tư tưởng trong anh lợn cợn giữa tân tiến và truyền thống, anh đã thấy bất công cho người phụ nữ mình yêu.
"Tôi thành bụng bia sau khi cưới thì da của vợ hằn những vết rạn vì mang nặng đẻ đau. Thay vì tôi bắt đầu có những nếp nhăn trên trán vì suy nghĩ nhiều cho tác phẩm, thì cô ấy tay thì chai sạn còn đầu óc đã bắt đầu có dấu hiệu hay quên. Để vợ mình lúc nào cũng tươi cười 'Em ổn mà', tôi chẳng biết đàn ông trên đời sinh ra với sứ mệnh gì - trong đó có tôi”, anh chia sẻ.
Hoàng Bách nói: “Làm vợ - lựa chọn 'thiệt thòi' nhất của phụ nữ. Anh hứa sẽ vào bếp, chăm con, thuộc lòng thời khoá biểu của cả gia đình, chẳng còn ôm vợ nhiều, khen vợ nhiều như trước, mà cùng cô ấy làm những việc mình có thể làm. Phụ nữ không những yêu bằng tai, mà còn bằng sự chia sẻ thấu hiểu của đàn ông.
"Đừng để phụ nữ cô đơn trong chính căn bếp của mình, bắt đầu thấu hiểu và sẻ chia với họ nhiều hơn từ hôm nay", anh trải lòng.
Tuấn Nhu