![]() |
Nhà thơ Phan Huyền Thư. |
- Nhiều người đứng tuổi vẫn thích đọc thơ chị, vì vẻ chững chạc và già dặn, nhưng cái "già" dễ dẫn đến cái "cũ", chị nghĩ sao?
- Với thơ, tôi không có khái niệm sợ. Với mình thì có. Sợ mình cũ thì sẽ dẫn đến "già". Nhiều người cũ từ trong trứng ra chứ không cần phải đợi già mới thành cũ đâu. Khi 11 tuổi, tôi làm thơ lục bát cũng "được", nhất là làm bích báo cho lớp theo các chủ đề của nhà trường. Khi 14 tuổi thì tôi làm thơ sonnet. Đến 17 tuổi lại kiên quyết ra tay với thơ bậc thang đang "mốt". Biết yêu thật sự thì lại mê Đường luật. Bây giờ thì thấy thích thơ tự do, biết đâu khi già lại đổ đốn "Tân hình thức", "Hậu hiện đại" hay là "Trình diễn thơ" suông chứ không viết nữa... Khi già, biết đâu tôi lại mới. Bởi nét trưởng thành mang đến sự chiêm nghiệm, sâu sắc, thậm chí trẻ trung. Tôi không mới đâu nhé, tôi chỉ "cũ thử lại cái cũ".
- Chị làm thế nào để cân bằng lại mình sau những phút sống cùng thơ?
- Phút sống cùng với thơ chính là phút cân bằng nhất vì đó chính là cảm xúc thật, con người mình với yêu ghét chân thành, khát vọng cũng như tuyệt vọng lành mạnh nhất. Không làm thơ tôi mới bị mất cân bằng bởi có quá nhiều điều mình muốn nói mà không nói ra được, quá nhiều điều muốn làm mà không được phép làm. Vì thế, tôi làm thơ là tôi được là mình mà không gây hại cho ai, không lấy đi của ai điều gì, không phải tranh giành, bon chen trong cuộc sống. Tôi từng viết:"Có một nụ cười /ba mươi sáu vạn năm ánh sáng/ vụt ngang bầu trời/chia sẻ cùng tôi". Con số 36 này nghe qua thì có vẻ "sáo" nhưng đơn giản, đấy chỉ là số tuổi của cha tôi khi ông qua đời. Mỗi khi tôi cần, tôi đều thấy nụ cười của cha tôi như một ngôi sao băng vụt qua bầu trời và mang nỗi buồn của tôi đi.
- Với trái tim nhạy cảm của một nhà thơ, chị nghĩ sao khi được nhận xét là một người đa tình?
- Tôi tự vấn nhiều, nhưng chưa bao giờ thấy cần phải tự hỏi mình câu đó. Người đa tình thì lắm mà chắc gì đã làm được thơ! Đa tình không phải là một tội, cũng không phải là cá tính xấu, nếu tình nào cũng đẹp, người nào cũng hay thì đáng sống cho người, cho tình quá đi chứ. Tôi chỉ sợ con người ta sống bạc bẽo, vô tình chứ được làm một "Nữ sĩ đa tình" trong thơ ca thì còn gì bằng.
- Có khi nào tình yêu với thơ ca của chị bị ghen tỵ hay chia sẻ bởi một người nào khác như chồng chị chẳng hạn?
- Không. Mà chính xác là... chưa. Tôi không lú lẫn đến mức yêu thơ như yêu một con người. Tôi yêu thơ như yêu một vị thánh. Sùng thơ như một tôn giáo. Chồng tôi cũng chưa đến mức vào chùa ghen với Bụt. Và thực sự ngoài đời tôi cũng không ướt át lắm đâu, hơi lạnh là đằng khác. "Lăng loàn" trong thơ là đủ rồi!
- Xác định thơ là một con đường dài, giây phút nào chị cảm thấy nao núng vì sự lựa chọn của mình?
- Cũng lại... chưa. Tôi có chọn thơ đâu, là thơ chọn tôi đấy chứ. Có lúc, tôi nghĩ viết hộ mình như mình đang viết hộ người khác. Có một cảm giác thật là đôi khi thấy mình cũng nhạt, chán mình rồi thì để đó không cố nữa, thế rồi quên. Mà khi đã chọn cho mình con đường dài rồi, chỉ có một việc có nghĩa duy nhất mình phải làm là: đi.
- Khi đau khổ người ta thường tìm đến với thơ, còn chị thường chia sẻ những niềm hạnh phúc của mình như thế nào?
- Tôi cũng như mọi người khác, chẳng có gì khác biệt. Hạnh phúc thì không bao giờ là của riêng mình rồi, tôi sẵn lòng tặng cho tất cả mọi người niềm hạnh phúc của tôi, mỗi người yêu quý tôi sẽ lại có thêm một niềm hạnh phúc mới. Đau khổ thì bao giờ cũng là "của riêng" nên phải biết giữ cho riêng mình thôi, có mang ra tặng cũng chẳng ai nhận. Mà làm khổ người khác bằng nỗi khổ của mình thì cũng chẳng ra gì.
- Người ta vẫn bắt gặp chị viết truyện ngắn, ở một độ tuổi nào đó viết truyện sẽ tìm được độ lắng của cảm xúc, chị nghĩ sao về một ngã rẽ sang địa hạt này?
- Đừng chia rẽ tôi với các nhà văn! Có muốn làm "nhà" gì hay cả "khu tập thể" đi chăng nữa thì luôn luôn phải biết nuôi dưỡng cảm xúc thật. Đừng bao giờ có ý nghĩ rằng văn xuôi là ngã rẽ tốt cho một nhà thơ khi "cảm xúc cằn cỗi". Có rất nhiều nhà thơ viết văn rất hay và không bỏ loại hình nào. Nhiều nhà văn rất yêu thơ nhưng không làm thơ được, đấy là sự thật. Cả nước Pháp suốt hơn mười thế kỷ văn chương với một nền tiểu thuyết đồ sộ như vậy mà chỉ có hai nhà văn lớn được mệnh danh là "nhà thơ", mặc dù cả đời chẳng viết câu thơ nào là Prout và Celine. Vì hai ông này viết những câu văn đẹp như thơ, ngôn ngữ văn chương của họ lấp lánh như những câu thơ, giàu hình ảnh, màu sắc, nhạc điệu và quyến rũ. Tôi thèm được làm một nhà văn như thế.
- Tập thơ mới của chị sẽ giúp người đọc hình dung về một Phan Huyền Thư như thế nào?
- Các tác phẩm mới theo chủ quan của tôi thì chẳng có gì mới, vì nó vẫn "vạch áo" cái yêu cái ghét, cái đợi, cái thất vọng của tôi thôi. Tôi đã hoàn thành tập thơ Rỗng Ngực (trước đây dự định lấy tên là Mệt) và hy vọng sẽ được độc giả dành cho phần nào sự ưu ái khi nó xuất hiện trong năm 2005. Tập thơ được chia làm bốn phần: Mệt, Nghĩ lại, Khoảng trống và Thực dụng hư vô. Riêng phần bốn Thực dụng hư vô là một trường ca độc lập. Biết nói thế nào nhỉ, nếu bạn đọc mà vẫn nhận ra một Phan Huyền Thư như họ thường nghĩ thì có nghĩa là tôi đã thành công. Tôi phải nói lại, tôi không mới đâu, chỉ cố gắng đừng cũ đi là được rồi.