Nạn nhân của việc chữa bệnh bằng thuốc của lang băm. |
Đến Bệnh viện (BV) K, BV Ung bướu Hà Nội mới thấy hết các kiểu chữa bệnh ung thư "truyền miệng". Bệnh nhân cũ mách cho BN mới, chỉ cần nghe nói ở đâu đó có bài thuốc chữa được bệnh ung thư là tìm đến.
Có vô vàn bài thuốc từ lá cây, vị thuốc... được các bệnh nhân rỉ tai nhau như: Cây xạ đen, nấm linh chi, canh dưỡng sinh, lá đu đủ, nước trái nhàu, sừng tê giác, mật gấu...
Có bệnh nhân bị ung thư phổi đang điều trị xạ trị nghe mách có bài thuốc bắc ở Hoà Bình có thể chữa khỏi là người chồng lặn lội đi mua cho vợ. Biết là bệnh ung thư là bệnh khó chữa, nên hầu như bệnh nhân nào cũng có tâm lý "vái tứ phương", dù tốn hàng triệu đồng cũng mua về uống. Cứ như thế, có những người uống tới 5-6 loại thuốc cùng lúc mà không biết nó tác dụng đến đâu.
Lợi dụng tâm lý này của người bệnh, ngay tại cổng BV, các cửa hàng thuốc di động đã bán luôn các loại cây xạ đen, lá trinh nữ hoàng cung... Nhiều người do quá tin, liền mua vài bao tải về dùng dần, với giá 30.000-65.000 đồng một kg.
Hiệu quả của những cách tự chữa bệnh chưa biết đến đâu, nhưng hậu quả của nó thì BV K phải đón nhận. Một BN bị ung thư vú nghe lời ông lang băm đắp asen, thuỷ ngân vào vú. U chẳng khỏi mà chỉ thấy cả bầu vú lở loét, bùng nhùng máu mủ, khi tìm đến BV thì bệnh đã ở giai đoạn cuối, bác sĩ cũng bó tay. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Giám đốc BV K, tình trạng BN tự ý dùng thuốc rất đáng báo động.
Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai là địa chỉ đón nhận thường xuyên những BN ngộ độc do dùng thuốc. Một bà thấy đau lưng liền mua thuốc hoàn tán của ông lang về uống. Chỉ sau hai ngày, toàn thân phù nề, khó thở..., đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc thấy hàm lượng chì trong máu quá cao, mới hay thủ phạm là những viên thuốc hoàn tán.
Cũng có người chẳng bệnh tật gì, mua thuốc bắc về uống bồi bổ theo lời mách. Bổ chưa thấy đâu chỉ thấy toàn thân nổi mẩn, bọng nước, vội đến cấp cứu tại Viện Da liễu mới biết trong thuốc bắc có chất lưu huỳnh (dùng chống mốc) gây dị ứng nặng.
Thuốc tây cũng là nguyên nhân gây ngộ độc rất nhiều. Một cháu bé bị sốt, chảy nước mũi, người mẹ ra hiệu thuốc mua hai loại thuốc cảm cúm, thuốc hạ sốt cho con uống. Uống được hai ngày, cháu bị nôn liên tục, vã mồ hôi, người tím tái. Khi chuyển đến BV Nhi TƯ, tính mạng của cháu bé cận kề cái chết, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị ngộ độc nặng paracetamol, loại hoạt chất có ở cả hai loại thuốc mà cháu uống.
Những trường hợp trẻ bị ngộ độc các loại thuốc do người nhà tự ý điều trị đang ngày một tăng. Ngộ độc thuốc an thần, thuốc kháng sinh, giảm đau... ở nhiều người lớn do tự ý mua dùng cũng đang khá phổ biến.
Có người bị rối loạn tiêu hoá kéo dài trong hai năm cứ mua thuốc đại tràng hoàn về uống, đến khi cơ thể gầy mòn mới đi khám thì cái chết đã trước mắt.
Cách chữa bệnh theo kiểu "điếc không sợ súng" của người VN đã nhiều lần được ngành y tế cảnh báo, nhưng vẫn không có gì thay đổi. Hậu quả của việc này đang ngày một nặng nề hơn.
(Theo Lao Động)