Cây cổ thụ được đưa về trồng chờ bán. |
"Nhưng quý nhất là những cổ thụ trong bộ tứ "sanh - si - đa - đề", giới săn lùng cổ thụ sẵn sàng bỏ vài chục tới cả trăm triệu đồng để mua bằng được”, ông Thanh, một chủ vườn cây ở Láng, Hòa Lạc, cho biết.
Vài năm lại đây, biết được giá trị của cổ thụ và nhu cầu của dân sành chơi thời thượng, ở khu vực ngã ba Láng - Hòa Lạc (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây) đã hình thành một cái chợ chuyên bán cổ thụ và cây rừng. Những chủ buôn cây chủ yếu là nông dân ở những khu vực các xã quanh đó bỏ hết ruộng vườn để kinh doanh cổ thụ. Lúc đầu, chỉ mọc lên lác đác vài hộ và lập tức được giới săn lùng cổ thụ ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh biết tiếng. Sau đó, nhờ việc tiếp thị và phục vụ cây tốt mà ở đây đã có rất nhiều hộ kinh doanh cổ thụ nổi lên, trong đó ông Thanh là một ông chủ kinh doanh lớn ở khu vực này.
Thường ngày, ông Thanh cho người đi các vùng lân cận tìm những cây có giá trị lâu năm trong các làng. Khi nguồn cây cạn, ông cho quân lên tận rừng Hòa Bình, Sơn La để săn tìm cổ thụ quý hiếm. Ở đó, theo ông Thanh, nguồn cây rất phong phú, chẳng ai để ý hay “hỏi thăm”, thuê nhân công là người địa phương cũng rất rẻ, có khi chỉ bữa rượu với mấy chục ngàn là có ngay một cây cổ thụ cỡ người ôm. Mang về, mỗi cây bán 10-20 triệu đồng, trừ chi phí vận chuyển và làm luật (5-10 triệu), ông bỏ túi không dưới 10 triệu đồng/cây...
Khi chợ cây ở đây đi vào hoạt động, loại cây khiến người ta quan tâm nhiều nhất là sanh, si, đa, đề. Ông Thứ ngoài một vườn cây toàn cổ thụ ở mặt tiền quốc lộ 21A, còn có một trang trại chuyên lộc vừng, sữa rộng hàng ngàn mét vuông, khách muốn mua bao nhiêu cũng có.
Ông Thứ và một chủ vườn khác ở Láng - Hòa Lạc từng mua được một cây đa có tuổi trên dưới 300 năm, nặng cỡ 15 tấn, khi chở về phải dùng đến máy cẩu. Cây đa này được các ông mua về từ xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, và khi chở về đến đây, các ông đã phải “làm luật” qua rất nhiều cửa.
Cùng với cây đa mà ông Thứ đã mua được, còn rất nhiều những cây cổ thụ quý hiếm ở các làng thuộc địa phận tỉnh Hà Tây bị những người săn cây tìm mua đến nay không còn. Cũng theo những người bán cây ở Láng, Hòa Lạc cho biết: những người mua cây chỉ cần thích cây nào thì chủ vườn sẽ bán cây ấy, lộc vừng giá khoảng 4 triệu, cây sữa có khi gặp khách cũng bán được hơn chục triệu. Người mua cây chỉ cần ưng ý là các chủ vườn lập tức thuê thợ đánh cây từ vườn nhà mình đi trồng cho họ.
Thật ra chợ cổ thụ và cây rừng ở Hòa Lạc chỉ là chợ tự phát, ngẫu hứng, hoạt động chẳng theo quy định nào. Không cấp phép kinh doanh, mà cũng chẳng đóng thuế. Điều đáng lo ngại là, nó chẳng chịu sự quản lý của ai, chẳng cơ quan nào tìm hiểu xem nguồn gốc cây đã được khai thác, hay ăn cắp như thế nào. Bởi thế mà nó ngày càng được mở rộng, hoạt động hết sức công khai, khiến nạn chảy máu cổ thụ và cây rừng càng trầm trọng.
Một trong số những “đại gia” buôn bán cây cảnh ở Hà Nội là Nguyễn Phúc Tài, giám đốc Công ty Cổ phần Sinh vật cảnh Thành An (trực thuộc Hội Sinh vật Cảnh vật Việt Nam). Ông Tài nguyên là Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Nam Điền (Nam Định), một trong những hội sinh vật cảnh có tiếng ở trong giới xuất buôn bán cây cảnh trước đây.
Theo ông Tài thì cây cổ thụ cũng có rất nhiều dạng, trong đó có loại cây 1 thân, cây 2 thân thậm chí có cây lên đến 3 thân. Giá mỗi thân lại phụ thuộc vào giá trị “sành điệu” của từng loại cây. Những cây cảnh này thường được ông thu gom về mang trồng ở trong khuôn viên lớn của các trường đại học, trồng ở những khu đất trống dọc đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài. Nguồn gốc số cây này được mua từ các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An thậm chí vào tận Khánh Hòa. Khi mua các cây này, dân buôn cây đã phải đi qua rất nhiều công đoạn, trong đó việc phải làm luật dọc đường là điều không thể tránh khỏi. Nếu mua tại gốc giá 1 cây lộc vừng sẽ khoảng 8 triệu đồng, khi chở ra đến đây giá làm luật có khi lên tới 20 triệu.
Ngay chính công ty của ông Tài cung cấp khá nhiều cây cổ thụ ở trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương và cũng không ít lần phải làm luật dọc đường. Những người mua cây của ông đều là những đại gia. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu để mua cây để khoe sự giàu có của mình. Ngoài những hợp đồng hàng tỷ đồng cung cấp cây cho những khuôn viên lớn, các trụ sở công ty thì số lượng cây cổ thụ mà ông Tài mua được phần lớn bán cho những đối tượng trên. Ông Tài nói, trong những lần đi săn tìm cây ông đã mua được một cây cổ thụ có tuổi đời cả 500-600 năm ở tại Cầu Treo (Hà Tĩnh). Sau khi đưa những cây này về, ông mới biết được đó là một trong những cây quý, mà ở những làng quê thuộc khu vực Bắc Bộ hầu như không còn.
Cùng với buôn bán cổ thụ một cách công khai như hiện nay, một điều khiến những người làm sinh vật cảnh quan tâm đó là nạn chảy máu cổ thụ sang Trung Quốc. Mặc dù Nhà nước đã có văn bản cấm việc buôn bán cũng như săn tìm những loại cây quý nhưng giới buôn bán sinh vật cảnh ở Hà Nội cho biết, hiện nay đang có một “chợ ngầm”, hoạt động buôn bán cây được bảo kê thành một đường buôn từ khu vực phía Nam mang tập kết thành vườn ra Hà Tĩnh, Nghệ An để chở ra Bắc lên biên giới bán sang Trung Quốc.
Để minh chứng cho điều này, họ đã cung cấp cho chúng tôi hàng chục số điện thoại di động của các chủ buôn cây mà chỉ cần “alô” là họ sẵn sàng tập kết cây ra Móng Cái để xuất sang bên kia biên giới bất cứ lúc nào. Những “đầu nậu” này thường chở cây vào ban đêm, đi qua các chốt trạm từ Nghệ An trở ra họ đều làm luật nên việc đi lại khá dễ dàng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xuất khẩu cây sang Trung Quốc bắt đầu hình thành từ những năm 90, khi ấy có một trào lưu làm cây xanh mà điển hình cho việc làm cây xanh xuất khẩu là Hội Sinh vật cảnh Nam Điền (Nam Định)... Loại cây này được làm bằng việc ghép cành, uốn làm cây thế được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, sau đó là lộc vừng, tùng la hán, vạn tuế, thiên tuế cũng được tiêu thụ khá nhiều. Và hiện nay, lợi dụng việc xuất khẩu cây trồng nhiều “đầu nậu” ở Hà Nội và một số địa bàn khác đã đi thu gom cây cổ thụ ở các vùng chờ thời cơ xuất bán sang Trung Quốc thu lãi rất cao.
Mang những thông tin này đến trao đổi với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chúng tôi được biết, trong tổng số 270 vụ vi phạm lâm luật mà kiểm lâm phát hiện trong năm 2005 thì không có một vụ nào liên quan đến việc buôn bán cây cổ thụ. Rõ ràng ở đây các hộ kinh doanh buôn bán cây trên đường Láng - Hòa Lạc, cũng như các khu vực khác trên địa bàn Hà Nội đã hoạt động rất công khai mà không hề bị bất cứ cơ quan chức năng nào hỏi tới?
Lý giải điều này, một cán bộ ngành kiểm lâm ở Hà Nội khẳng định: "Hiện nay, lực lượng kiểm lâm chưa có chế tài để xử lý việc buôn bán cây quý hiếm, cây lâu năm đặc biệt là cây cổ thụ. Hơn nữa, lực lượng của kiểm lâm lại rất mỏng, việc kiểm tra, phúc tra lâm sản chỉ dựa vào 2 trạm Đông Anh và Thanh Trì với 8 cán bộ, chiến sĩ nên họ không thể kiểm soát hết việc buôn bán cây quý".
Vì thế nạn chảy máu cổ thụ, làm cạn kiện đi nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia vẫn đang ngày một diễn ra mà cơ quan chức năng vẫn chưa thể kiểm soát.
(Theo Công An Nhân Dân)