- Nếu xuất phát từ chiếc thảm hồng, anh có chọn triết lý “linh dương và cọp” làm hoa tiêu cho mọi bước đi của mình?
- Số 0 của mỗi người một khác, có người số 0 là một đồng, có người số 0 là… 1 tỷ. Còn số 0 của tôi là số âm, không chỉ về tiền bạc, mà còn về tinh thần. Lúc thành công ai cũng biết tôi, nhưng trước đó tôi thất bại thì chẳng ai biết Quang Huy là ai. Phải nói rằng thất bại đó là một sự tủi hổ, sự mắc cỡ, nhưng cũng là niềm tự hào khi mình dám đứng lên. Còn ai chả nói được câu “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng thiếu gì người “gian nan bắt đầu nản”.
Giám đôc công ty Thế giới Giải trí Nguyễn Quang Huy. |
- Anh đã thất bại trong tư thế nào và các “trạng thái tâm lý” sau đó?
- Tôi thất bại vì tôi đi nhiều, thấy nhiều, nên nghĩ đơn giản là làm quán kiểu này, chơi loại nhạc này, món ăn, đồ uống này sẽ thắng. Nhưng tôi lại không biết điều hành quản trị bên trong, mà cái đó là xương sống của kinh doanh, nên “chết” là đúng thôi.
Vấn đề thứ hai là con người, tôi dùng binh không đúng, sắp xếp đội hình không đẹp, chả khác gì kêu người viết nhạc làm đầu bếp. Quán bar và nhà hàng sập quá nhanh, tôi chưa kịp thấm, mà đầu tiên là "quê", không dám ra đường. Bạn bè rủ đi chơi không dám đi, vì mình quen là người trả tiền.
Nhất là khi 13 tuổi đã đánh đàn ra tiền, nên tôi là “sếp” của bạn bè rồi. Sau cái "quê" là tôi không chấp nhận sự thật. Mình “làm lớn” quen rồi, giờ không thể chấp nhận được ý nghĩ kiếm một tháng vài trăm nghìn. Càng không chấp nhận sự thật thì tôi càng tự ti, thấy mình bé đi, nhưng sống thì vẫn phải làm việc.
Trước đây, ban nhạc đánh trong quán của mình, mình trả lương cho họ, bây giờ quán sập, họ mất chỗ làm, mình phải cùng họ đến quán khác xin đánh với cát-xê 100.000 đồng/ tối. Mọi cái rồi cũng qua, tôi vực lại tinh thần, xác định phát triển tiếp con đường đánh đàn, luyện tập thêm, để trở thành ban nhạc có tiếng.
Khi viết được bài hát, từng nghĩ mình cầm bài hát đi bán lấy tiền mua đàn mới, nhưng tôi không chịu an phận là một anh đánh đàn, viết nhạc. Tôi nghĩ cái giấy phép kinh doanh còn đó, mình phải để lại, chờ một ngày ló ra ánh sáng, những bài hát này sẽ dành cho ca sĩ của mình.
- 5 năm cho lộ trình từ một người “chết” vì thiếu kinh nghiệm trở thành Tổng giám đốc với cơ ngơi hiện nay là quá nhanh chóng. Nhiều người nói anh được như vậy nhờ có sẵn cái “phao” của gia đình. Anh nghĩ sao?
- Gia đình nào cũng đứng cạnh người thân của mình trong những lúc khó khăn. Nhưng tôi “ngã” nhiều quá rồi, nên lần này muốn tự đứng lên để “gỡ gạc” lại uy tín của mình với gia đình. Và vấn đề quan trọng nhất đối với tôi lúc bấy giờ là tinh thần. Đang hét ra lửa, ở dưới trướng có hàng trăm nhân viên, nên ở tuổi đó khó chấp nhận thất bại lắm. Đến giờ, điều tôi phục mình nhất là giữa thời điểm đó tôi đã quyết định chơi một vố lớn: đầu tư vào Ưng Hoàng Phúc.
- Nhưng đến giờ nhắc lại hiện tượng Ưng Hoàng Phúc, nhiều người vẫn nhận định đó là sự ăn may của anh. Anh nói gì?
- Sự may mắn tồn tại ở tất cả mọi nơi, kể cả trong một tai nạn, và tôi yêu, tôi cần sự may mắn. Song ở đây, tôi rất ghét ai nói tôi ăn may. Bởi đầu tư vào Ưng Hoàng Phúc là sự nhạy cảm của người kinh doanh, tôi đã đồng cảm với thị trường lúc đó.
Có người đã đến hỏi tôi: “Huy, 1088 sắp hết hợp đồng rồi, anh thấy em làm nhóm Go On mát tay, em có tính hợp đồng cùng 1088 không? Anh sẽ làm trung gian cho em”. Lúc đó tôi mới để ý kỹ 1088, và tôi đã nói: “Một là Ưng Hoàng Phúc sẽ về đây, hai là không có ai hết”. Nhân vật đó ngày hôm nay là một người có tiếng ở Sài Gòn - Hùng Bói. Khi Ưng Hoàng Phúc về là tôi tính ngay đến chuyện làm lớn. Tôi xác định Thế giới Giải trí sau này như thế nào tuỳ thuộc vào trận đánh này.
- Anh nghĩ sao khi nhiều người cho thành công của Ưng Hoàng Phúc không lấy gì làm vẻ vang, vì đó là sự thành công của một sản phẩm... hàng chợ?
- Tôi chỉ nói một điều: Sự thành công của một doanh nghiệp đôi khi không đi chung với con đường của những nhà phê bình. Đạt được điều các bạn muốn tôi làm thì tôi chỉ bán được cho các bạn thôi. Hãy đi một vòng các công ty giải trí tư nhân xem có công ty nào ca sĩ đông với hơn 50 nhân viên như công ty tôi? Vấn đề là tôi xác định con đường mình đi có những lộ trình mà tôi không cần thiết phải có sự đồng cảm của bất cứ ai.
Cứ quan sát sẽ thấy, ca sĩ có “bầu” có ai hát 2 năm mua được nhà không? Phúc đã mua nhà ở Phú Mỹ Hưng, mua xe và đón cả gia đình đến ở. Thậm chí tôi chấp nhận nhường cổ phần cho Phúc ở trong công ty của mình.
- Ưng Hoàng Phúc biết hát, đẹp trai, nhưng không ai khẳng định đó là người giỏi kinh doanh. Sao anh lại dám nhượng lại những cổ phần đầu tiên của Thế giới Giải trí cho Phúc?
- Tôi không phải là người thích buộc, nên đừng ai buộc tôi, và cũng không bao giờ tôi buộc ai. Chúng tôi hướng đến sự chuyên nghiệp, mọi người nhìn nhau bằng công việc, chứ không phải nhìn nhau vì cái lợi, kiểu “tao buộc mày lại để tao giữ lợi của tao”. Tôi cho đó là cách làm việc rất thủ công, rất nhà quê.
Phúc là người đem lại lợi nhuận, chứ không phải đi cày đem lúa về cho công ty. Ở đây, tôi buộc con người bằng hiệu quả công việc, và hiệu quả đó họ sờ thấy được. Tôi không nói ngày mai anh là vĩ đại, mà tôi dùng con số để nói: đĩa này anh sẽ làm những gì, anh sẽ mang về bao nhiêu nghìn bản, mang về cho em bao nhiêu show một tháng. Luôn tìm tiếng nói chung, quyền lợi chung, đó là cách làm việc của tôi.
- Với cổ phần của mình, Ưng Hoàng Phúc sẽ có vai trò gì trong Thế giới Giải trí?
- Tôi cũng ấn định thời gian cho Phúc nghỉ rồi. Tại sao tôi lại mê bóng đá? Vì bóng đá là một tổ chức chuyên nghiệp nhất mà tôi thấy từ trước đến nay, và nó rất gần với nghề của tôi đang theo đuổi. Trong bóng đá có luật chuyển nhượng, và mỗi đội là một doanh nghiệp, có giám đốc chuyên môn, giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, có cầu thủ trẻ...
Ở đây, tôi không nói Phúc kinh doanh, bởi tôi đâu biết Phúc kinh doanh giỏi hay không, và không lẽ tôi và Phúc đá chung một vị trí? Nhưng tôi thấy Phúc có những cái mà tôi không có, đó là kinh nghiệm sân khấu. Nên sau khi làm cầu thủ, Phúc sẽ làm huấn luyện viên cho đội cầu thủ trẻ kế cận của Thế giới Giải trí.
- Nghĩa là anh tiếp tục hoạch định những trận cầu lớn?
- Chắc chắn là như vậy. Khi công ty phát triển, ca sĩ ổn định, tôi không đụng vô nó vẫn chạy được. Còn tôi sẽ mở rộng ra truyền hình, quảng cáo, và quan hệ với đối tác nước ngoài. Thế giới Giải trí đâu phải là cái tên để đặt chơi, logo của nó tôi vẽ bằng tay chứ không phải bằng photoshop, và tôi đã vẽ trước khi có công ty này. Bởi tôi làm cái gì cũng có lộ trình.
“We are entertainment”, đó là một tập thể lớn, đoàn kết, chứ tôi không thích làm bầu gánh, gánh nhau đi hát. Tôi luôn thắc mắc: tại sao có một quán phở ngon như vậy, mà nhiều năm sau quay lại vẫn là một cái gánh, một cái bàn, hai cái ghế. Trong khi một tiệm phở khác, vị không dở song cũng không quá đặc biệt, nhưng trong vòng hai năm họ có mặt khắp Việt Nam.
Tại sao ca sĩ nước ngoài đi hát có mấy chục người theo bảo vệ, còn ở Việt Nam ca sĩ đi hát có người bảo vệ lại bị dè bỉu? Chúng ta luôn tự bóp chúng ta nhỏ lại. Nhưng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều đó. Khi Việt Nam hội nhập WTO, ai gánh được cơ hội người đó thắng. Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc... sẽ không đầu tư vào ba cái gánh, họ sẽ chọn ai đủ đường băng để bay, đủ sức để bắt tay với họ.
- Từ một người đầu tư album theo kiểu “ăn xổi”, anh quyết định bắt tay với đối tác Hàn Quốc và chi hơn 2 tỷ đồng để làm DVD. Đâu là lý do của sự thay đổi này?
- Đây không phải là sự thay đổi mà là lộ trình tôi đặt ra sẵn. Làm là sống chết với đồng vốn, mình không thể đem dao giết trâu đi mổ gà, mà phải tìm ra cách tồn tại, khi tồn tại được mới tính đến đường hướng phát triển. Đối với nhiều người, bỏ hơn 2 tỷ làm album là chuyện hoang đường, nhưng tôi giải được bài toán đó.
- Anh đã thấy được điều gì ở thị trường để với tuổi 26, cộng với sự thất bại đã trải qua, và chưa có người đi tiên phong, mà lại dám hoạch định ra một lộ trình “đốt tiền” như vậy?
- Làm gì cũng phải có mục đích. Tại sao cũng một xe bánh mì, có người suốt ngày bán ở đầu hẻm, nhưng có người xây dựng thành thương hiệu Như Lan? Cũng là một ca sĩ, tại sao nhiều năm vẫn chỉ là một ca sĩ? Còn tôi nhìn thấy một ca sĩ mới chỉ là đoạn đường đầu. Tôi làm và sẽ chứng minh là mình có tài với sản phẩm đầu, nhưng sẽ có nhiều tài hơn ở những sảm phẩm sau.
Mục đích của tôi không phải là kiếm tiền, mà là phải kiếm được một... cái máy in tiền. Nghĩa là cái công ty này phải là nơi làm ra tiền, chứ không phải suốt ngày bầu dắt ca sĩ đi hát rồi bấm đĩa, ôm tiền về cất vào két. Tôi có tiền là tái đầu tư vào hai cơ sở ở Phú Mỹ Hưng và quận 3, đầu tư vào máy móc, phương tiện, dự án, chứ không phải bất động sản kiểu vàng, xe cộ, nhà cửa.
- Căn cứ vào đâu để tin vào những con số anh đưa ra, khi hiện nay khá nhiều nhà kinh doanh ngành giải trí thương mại thường đưa ra những con số ảo?
- Nếu đầu tư mà lỗ, không có được những con số đó thì tôi có được cơ ngơi như hôm nay không? Tôi có đủ sức vừa nuôi công ty vừa nuôi ca sĩ mới không? Tiền mình nói ra người nghèo đọc thì tội, mà người giàu thì cười vào mũi mình vì Việt Nam nhiều đại gia lắm. Ngay trong khu Phú Mỹ Hưng này thiếu gì tỷ phú, nên tôi chẳng là gì cả, nhưng tôi tìm cơ hội được. Sản phẩm tôi bán đều có giấy tờ, sổ sách, thuế má đàng hoàng, và thời gian qua tôi đã đủ tiềm lực để đầu tư sang truyền hình. Không có tài trợ tôi vẫn sản xuất chương trình đều đặn hàng tháng.
Quang Huy và Ưng Hoàng Phúc. |
- Nhưng với tốc độ tiêu thụ băng đĩa, cộng thị trường đĩa lậu dồi dào và hùng mạnh như hiện nay thì mục tiêu tiêu thụ 100.000 bản mà anh đặt ra là một... ảo tưởng. Anh sẽ làm thế nào đây?
- Mọi người cùng chia một cái bánh, mà không chịu tìm cái bánh lớn hơn. Tôi quá trẻ nên liệu có tranh nổi với những người đó không? Nên tôi phải đi tìm cái bánh khác. Một thực tế nữa là, trước đến nay chúng ta hay làm theo thói quen, có bao nhiêu lực lượng đi mua đĩa thì khai thác trong lực lượng đó.
Tại sao chúng ta có 84 triệu dân, bán được vài chục nghìn bản đã vỗ tay ăn mừng? Nước ngoài sẽ cười vào 66 nghìn bản tôi bán ra, nhưng ở trong nước mọi người lại nói tôi nổi. Ngày hôm nay điện thoại xa xỉ hơn đầu đĩa, và theo tôi được biết thì chúng ta đã có hơn 10 triệu thuê bao di động ở các mạng.
Đầu đĩa phổ biến hơn, tôi cho 10% dân số Việt Nam, nghĩa là 8,4 triệu người có đầu đĩa. Một nửa số đó thích nghe nhạc là còn 4,2 triệu người. Một nửa số đó nghe nhạc trẻ là 2,1 triệu người. Một nửa số đó thích đi mua đĩa là 1 triệu 50 nghìn người. Một nửa số đó thích nghe đĩa xịn là 525 nghìn người. Vậy mình có thể đạt con số đó không? Tại sao mình lại bằng lòng với con số 50 nghìn?
- Nhưng 525 nghìn người nghe đĩa xịn đó liệu có lựa chọn sản phẩm của Ưng Hoàng Phúc?
- Đó là vấn đề của nhà kinh doanh. Còn ở đây tôi nói về thị trường đã. Tiềm lực thị trường có sẵn, ai biết khai thác người đó sẽ thắng. Tôi đầu tư nhiều tiền vào băng đĩa, vì tôi khác với mọi người ra đĩa cho sản phẩm đi hát.
- Sao anh không đầu tư số tiền đó vào liveshow để tạo thanh thế như nhiều người khác đã làm?
- Tại sao không đầu tư cái này mà đầu tư cái kia, cái đó có triết lý kinh doanh của mỗi người. Có câu lạc bộ tung tiền mua ra hậu vệ, có câu lạc bộ bỏ tiền ra mua tiền đạo. Liveshow suy cho cùng cũng là một công việc trong bao nhiêu công việc khác, thời điểm nào cần thì tôi sẽ làm.
- 20 tuổi, chưa tốt nghiệp đại học, mà có được “chất liệu” ngôn ngữ và tư duy như vậy, thì có thể suy ra: cuộc đời anh cũng đã... lăn như một trái bóng. Anh thấy nhận xét này thế nào?
- Nếu tôi lăn như một trái bóng ngoài đời mà không có nền tảng gia đình thì rất có thể ngày hôm nay tôi đã là một thằng chợ trời, lừa tên này cướp tên kia rồi. Tôi không dám khoe bố mẹ và anh trai là những người đầy kiến thức, nhưng sự thật họ đã cho tôi rất nhiều.
Thời của anh Hà (nhạc sĩ Nguyễn Hà), chưa có TV, đầu máy, bố mẹ cho anh Hà đọc nhiều sách. Tôi lớn lên đã có TV, đầu máy, nên ít đọc sách, nhưng lại chịu ảnh hưởng văn hoá đọc ở anh Hà. Năm 8 tuổi, bố làm ở sở Văn hoá Thông tin, nên có những show diễn là tôi đi theo, mẹ đi làm phóng sự cũng cho tôi theo, vì tôi không ở nhà một mình được, mà tôi lại là một đứa bé biết lắng nghe và quan sát. Năm 13 tuổi tôi bắt đầu đi theo anh Hà chơi đàn. Anh ấy là trưởng ban nhạc, nhưng không bao giờ cho tôi được phép suy nghĩ mình là em trai của anh ấy. Anh Hà chẳng những cầm quân giỏi, mà còn biết dạy con người.
Còn chuyện lăn như trái bóng thì phải nói rằng: Tôi lĩnh hội được rất nhiều, gần như những gì đã trải qua. Cuộc đời tôi có hai tương phản rất lớn, lúc thuận lợi thì thuận lợi đủ điều, từ gia đình, thời cơ, năng khiếu, tên tuổi, quan hệ. Nhưng lúc sập thì sập hết. Đến khi vừa bước lên được, tôi và Ưng Hoàng Phúc lại vướng ngay vào mấy vụ ẩu đả ở Hải Phòng, Kiên Giang, rồi chúng tôi bị mọi người ghét, áp đặt cho rất nhiều điều không hay.
Nghe nói ly nước đó có độc thì có ai muốn uống thử không? Nên nghe nói thằng Huy không đàng hoàng thì có ai muốn dính vô không? Tôi vấp cả trong thương đau lẫn trong ngọt ngào! Nên tôi đã nỗ lực nhiều hơn mọi người nghĩ. Đó là lý do tôi rất thích câu: “Lùi một bước trời cao đất rộng”.
(Theo Đẹp)