Châu Chí Đạt, sinh viên năm cuối Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Sài Gòn) vừa có chuyến phượt bằng xe máy từ Nam ra Bắc cùng mẹ khiến nhiều người thán phục. Ban đầu, Đạt dự định thực hiện chuyến đi này một mình. Tuy nhiên khi xin phép thì vấp phải sự phản đối của bố mẹ khiến anh chàng mất vài ngày để thuyết phục. Điều khiến Đạt không ngờ là sau khi nghe con trai "nhỏ to", bà Trương Nhỏ - mẹ anh - cảm thấy kế hoạch của con "vui quá", muốn theo chân anh ngao du một chuyến.
Sau khi thuyết phục được mẹ, Đạt lại vướng phải sự ngăn cản của bố vì hai người đi là nỗi lo lắng của ông tăng gấp đôi. Nhưng rồi, trước sự quyết tâm của hai "phượt thủ", cùng sự ủng hộ của cậu con trai cả, cuối cùng ông cũng đồng ý.Vậy là hai mẹ con trang bị đủ đồ bảo hộ rồi lên đường.
Chuyến đi bắt đầu từ ngày 17/7 tại Sài Gòn đến ngày 14/8 thì kết thúc tại Hà Nội, qua 38 tỉnh thành. Trước kia, Đạt từng xuyên Việt bằng xe máy cùng anh trai, nhờ vậy mà tích lũy được kha khá kinh nghiệm. Anh chàng chia sẻ, vì còn là sinh viên nên phải chọn mùa hè để phượt, nhưng đây cũng là mùa mưa bão, nên phải đề phòng. Hai mẹ con mất khoảng 4 tháng để lên kế hoạch và chuẩn bị. Ngay trước lúc khởi hành, Đạt hồi hộp như sắp đi thi, chốc chốc lại xem dự báo thời tiết vì sợ trời mưa.
Đi cùng một người lớn tuổi, nên anh chàng phải cẩn thận hơn và chú ý chăm lo cho mẹ, đặc biệt là thuốc thang đầy đủ. Tỉnh táo, biết rõ giới hạn của mình trên mọi chặng đường là điều cần thiết. Đạt không phải người nhát gan, nhưng khi gặp đoạn đường sạt lở ở tuyến đường tránh đèo Văn Rơi (Kon Tum), dù người địa phương bảo rằng chỉ cần đi đường tắt, vượt khỏi đoạn tránh này là hết nhưng anh từ chối, quay về Gia Lai nghỉ đêm. Sau đó, anh thay đổi hành trình, vòng ngược về Quy Nhơn rồi ra Đà Nẵng thay vì đi tiếp đường đèo như dự tính trước đó. Chính sự cẩn thận này đã cứu hai mẹ con bởi đến đêm, báo đài đưa tin có đến 5 đoạn đèo bị sạt lở, không phải một đoạn ngắn.
Sau chuyến đi, Đạt phát hiện ra mẹ mình thật sự là một người mạnh mẽ. Bà thích những đoạn đèo ngoạn mục ở miền Trung như người trẻ mê xê dịch. Hành trình chủ yếu là qua đèo núi, ít đi quốc lộ nhưng cũng không khiến người phụ nữ 62 tuổi chùn bước, không than mỏi lưng, chỉ thỉnh thoảng bảo ngồi lâu bị ê. Có lần xe bị tụt xích ngay đoạn quốc lộ 1A, mẹ đã đi bộ ngược lại tầm 1km để tìm thợ sửa xe. Hay khi đến Quảng Ngãi, hành lý nặng khiến chuyến đi có phần mệt mỏi thì bà Nhỏ đã nhanh trí gửi những thứ không cần thiết như móc áo, quần áo không dùng tới nữa... về nhà qua đường bưu điện, giải phóng hơn 3kg hàng. Thậm chí "cuốn sách mình mang theo đọc, mẹ cũng bắt gửi về" - Đạt chia sẻ.
Cả hai mẹ con đều đặc biệt thích đường Trường Sơn Đông từ Ayun Pa đi K'Bang, ngang qua đồi thấp xanh mướt, có thể phóng tầm nhìn ra tận chân trời. Tham khảo từ Trần Đặng Đăng Khoa - chàng trai Tiền Giang đang thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới, Đạt cho rằng đây là đoạn đường đáng đi nhất Việt Nam. Hay hồ thủy điện Krông năng có cảnh núi mây đẹp bất chấp nắng mưa, khiến người đi đường không thể không dừng chân.
Hai người bạn đồng hành vong niên liên tục hỗ trợ, động viên nhau. Đi được nửa đường, bà Nhỏ bỗng thấy nản, muốn về nhà khiến Đạt phải ra sức thuyết phục. Rồi ngược lại, khi đến Hà Nội, tới lượt cậu chàng không muốn lên Tây Bắc. Lúc này, chính mẹ lại là người động viên anh chàng đi tiếp. "Đến đây rồi không lẽ không đi Sapa, lên đỉnh Fansifan?" - lời gợi ý này từ mẹ là động lực để cả hai tiếp tục chinh phục nóc nhà Đông Dương, hoàn thành nốt chặng đường còn lại.
Chuyến đi cũng là cơ hội để hai mẹ con có nhiều cơ hội tâm sự riêng tư hơn, giúp Đạt nhận ra mình cần dành nhiều thời gian hơn cho người thân, gia đình. Và nếu có cơ hội, chắc chắn Chí Đạt sẽ thực hiện một chuyến nữa, điều kiện tiên quyết vẫn là chuẩn bị thật ký mọi thứ trước khi đi, đồng thời đặt an toàn của bản thân lên trên hết.
Xem thêm: Hành trình chi tiết của hai mẹ con Đạt
Vi Yến
Ảnh: NVCC