Sinh ra với ngoại hình khiếm khuyết, hai hàm và khớp cắn lệch hẳn nhau, Nguyễn Duy Phương (Ninh Thuận) chịu nhiều khổ sở vì không thể khép miệng, phát âm ngọng nghịu. Suốt hơn 27 năm, anh gặp khó khăn trong ăn nhai, chỉ có thể húp cháo và thức ăn mềm. Bị trêu chọc là "mặt lưỡi cày", "dị dạng"..., Duy Phương chỉ biết cúi gằm mặt, không giao tiếp với ai.
Tiến sĩ Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ Hàn Quốc JW - cho biết từng tiếp nhận hàng nghìn ca cắt hàm, nhưng Duy Phương là trường hợp phức tạp nhất. Trục hàm trên dưới của chàng trai 9x cách nhau đến 3,2 cm, nặng hơn trường hợp của Vũ Đình Thục - chàng trai Nam Định có hai hàm cách nhau 2,2 cm - cách đây hai năm.
Sau hội chẩn với hội đồng chuyên môn, bác sĩ Tú Dung quyết định cho Duy Phương niềng răng để khắc phục tình trạng răng mọc lộn xộn. Sau đó anh phải trải qua các xét nghiệm lâm sàng để đảm bảo đủ sức khỏe tiến hành các ca phẫu thuật liên tiếp.
Các bác sĩ đã áp dụng phương pháp mổ BSSO cắt rời hàm dưới đẩy lùi về sau gần 20mm. Tiếp đến mổ Lefort 1 kéo dài hàm trên về trước gần 10mm cho đến khi hai hàm khít nhau. Tuy nhiên, ca mổ kéo dài 6 tiếng gặp nhiều thách thức vì thành xương hàm dưới có nhiều động mạch, thần kinh và xương cơ góc...
"Khi kéo ngược hàm dưới về sau có thể đụng đến dây thần kinh gập góc, tổn thương mạch máu thần kinh, rất nguy hiểm. Trong quá trình mổ, lượng máu dự trù cho bệnh nhân phải luôn được đảm bảo", bác sĩ Tú Dung nói.
Các chuyên gia nhận định độ phức tạp của ca phẫu thuật nằm ở việc hàm trên ngắn, khi đưa về phía trước nhiều quá có thể dẫn đến khoảng xương bị hở; trong khi hàm dưới bị lệch, phải xoay trục để khớp cắn không ngược nhau.
Trước đó, các chuyên gia Hàn Quốc khuyên bác sĩ Tú Dung nên tính đến phương án hai là kéo hai hàm về nhưng để hở khoảng ba, bốn phân rồi tiếp tục áp dụng giải pháp niềng răng nhằm tránh gây tổn thương dây thần kinh gập góc. Tuy nhiên, sau nhiều giờ nghiên cứu, tính toán tỉ mỉ, bác sĩ cũng kéo hai hàm trên dưới vừa khít nhau, Duy Phương không cần phải tiếp tục niềng răng để hai hàm khít lại.
"Chúng tôi luôn mong muốn có thể kéo hai hàm khít nhau trong một lần mổ để giảm thiểu nguy hiểm và đau đớn cho bệnh nhân. May mắn là ca mổ hơn 6 tiếng đã thành công. Khớp cắn của Duy Phương không còn ngược, miệng có thể khép lại như người bình thường. Nhưng do kéo hàm dưới quá dài, khi cắt hàm kéo về sau nên lưỡi vẫn còn dài, chưa quen cảm giác, nói có thể khó khăn. Tình trạng này sẽ hết trong vài tháng vì hàm ngắn thì lưỡi sẽ ngắn lại".
Sau ca phẫu thuật, Duy Phương bật khóc khi nhìn mình trong gương. Chàng trai 9x tâm sự gương mặt lưỡi cày ám ảnh anh suốt 27 năm qua đã biến mất, khoảnh khắc ấy anh như thấy mình được sinh ra lần thứ hai.
"Nếu trước đây tôi chỉ thui thủi một mình, ngại giao tiếp, từ chối mọi cuộc vui hay không chụp hình với ai thì nay đã khác. Tôi tự tin làm tất cả điều ấy. Thậm chí, tôi còn ăn nhai tốt, nói chuyện rõ ràng và nhìn thẳng vào mắt người khác - điều mà trước đây tôi chưa từng dám làm", anh nói.
Hiện chàng trai 9x làm việc trong thư viện trường Đại học FPT. Anh cho biết bạn bè, người thân đều ngỡ ngàng, trầm trồ trước màn "lột xác" của anh.
Lê Phương