Ra đời năm 2012, Tinder trở thành ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất thế giới, thay đổi hoàn toàn cách thức con người kết bạn và tìm kiếm "nửa kia".
Người dùng đơn giản quẹt phải (nếu thích) hoặc quẹt trái (nếu không thích) hàng loạt hồ sơ cá nhân gồm ảnh và thông tin sơ lược. Khi hai người cùng quẹt phải, Tinder ghi nhận một lượt "match" và cho phép họ trò chuyện riêng trong hòm chat.
Đồng sáng lập Sean Rad chia sẻ trên Forbes: "Nếu cố gắng tiếp cận một người lạ tại quán bar, tôi hồi hộp vì có thể bị từ chối và người kia cảm giác không thoải mái. Chúng tôi loại bỏ toàn bộ những điều này. Mỗi match trên Tinder chỉ như thể bắt gặp ánh mắt nhau trong một căn phòng".
Tuy nhiên, thành công đến với Rad và Tinder không đơn giản như việc quẹt trái hay quẹt phải.
Sean Rad sinh giữa thập niên 1980, trong gia đình Iran nhập cư vào Mỹ những năm 70. Anh lớn lên giữa cộng đồng người Persian tại Beverly Hills, bang California. Cha mẹ thành công trong ngành điện tử nhưng Rad ban đầu không mấy hứng thú với công nghệ.
Ở tuổi thiếu niên, với cảm hứng từ nhóm Coldplay, Rad lập ban nhạc nhưng không tiến xa được. Dẫu vậy, anh nuôi đam mê với ngành công nghiệp giải trí, và trải qua kỳ thực tập trong ngành khi còn học phổ thông. Chứng kiến cách nghệ sĩ bị cai quản bởi các công ty và ông bầu, Rad dần từ bỏ ước mơ hoạt động trong lĩnh vực này.
Một sự việc nhỏ từng xảy ra đã đưa Rad đến với hành trình khác. Năm 13 tuổi, anh được cha mẹ mua tặng chiếc điện thoại di động, món quà an ủi đứa con trai tuổi dậy thì đang xấu hổ vì mọc mụn. Từ đây, cậu bé bắt đầu hứng thú với công nghệ di động, thời kỳ trước khi smartphone ra đời. Phải đến khi Rad ngoài 20, iPhone mới lần đầu xuất hiện.
Năm 18 tuổi, khi vừa bước chân vào đại học, Rad mở công ty công nghệ đầu tiên có tên Orgoo, nền tảng giao tiếp tận dụng công nghệ di động đầu thập niên 2000. Cũng trong thời kỳ học kinh doanh tại ĐH Nam California (USC) này, Rad kết bạn với Justin Mateen, đồng sáng lập Tinder về sau.
Công ty đầu tiên không thành công như mong đợi. Năm 2006, doanh nhân trẻ lại sáng lập Adly, nền tảng làm thương hiệu dựa vào mạng xã hội người nổi tiếng. Mateen cũng sở hữu công ty Internet của riêng mình nhưng trong khi anh tiếp tục theo học tại USC, Rad nghỉ học để chuyên tâm cho dự án khởi nghiệp.
Dù Adly thành công hơn nhiều so với Orgoo và Rad duy trì việc điều hành trong vài năm, sau cùng anh mệt mỏi với vai trò kết nối người nổi tiếng và các thương hiệu.
Năm 2012, Rad bán cổ phần của mình tại Adly rồi tham gia Hatch Labs, "vườn ươm" ứng dụng di động có trụ sở tại New York.
Tại đây, Rad và Mateen bí mật thảo luận việc xây dựng một ứng dụng "tán tỉnh". Ít lâu sau, Hatch Labs tổ chức một cuộc thi phát triển phần mềm tập thể và đó chính là thời cơ cho đôi bạn hiện thực hóa ý tưởng. Cùng với Joe Munoz, kỹ sư tại Hatch và cũng được biết đến đồng sáng lập thứ ba của Tinder, dựng nên mô hình có tên Matchbox.
Matchbox thắng trong sự kiện, nhóm của Rad được giao phát triển mô hình xa hơn. Sau 3 tuần, và với 50.000 USD được rót vào, sản phẩm hoàn thiện và sẵn sàng ra mắt công chúng. Tên gọi ứng dụng được đổi thành Tinder, để tránh nhầm lẫn với trang hẹn hò khác, Match.com.
Rad kể lại trên Business Insider rằng khởi đầu, các thành viên trong nhóm sáng lập nhắn tin cho cả danh bạ điện thoại mỗi người để tiếp thị ứng dụng mới.
Anh nhớ lại: "Chúng tôi gửi tin nhắn tới 500 người. Ngay lập tức, 80% trong số họ đăng ký. Ngày hôm sau, số lượng tham gia tăng gấp rưỡi".
Bạn bè Rad kể lại câu chuyện Tinder của họ. Một người nói rằng chưa từng biết cô gái anh hay giáp mặt lại thích mình, và họ bắt đầu hẹn hò. Chỉ trong vòng vài tuần, nhóm của Rad thường xuyên nghe những câu chuyện tương tự và được truyền động lực lớn.
Quen thuộc với cách hoạt động của các hội nhóm tại đại học, Mateen tiếp thị bằng cách giới thiệu ứng dụng tới những sinh viên có tầm ảnh hưởng. Trong 2 tháng, Tinder tạo ra hơn một triệu match và kể từ đó, lan truyền chóng mặt.
Đầu năm 2013, ứng dụng đã thu hút 400.000 người dùng và ít lâu sau, thông báo một tỷ match.
Sự phổ biến ngay từ những ngày đầu của Tinder, khi thậm chí chưa có ngay tính năng quẹt, là kết quả của việc "game hóa" quá trình con người gặp gỡ nhau. Chỉ hơn một năm sau ngày ra mắt, Tinder đã nằm trong số 25 ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất. Công ty cũng thắng giải "Startup xuất sắc năm 2013" của TechCrunch.
Tháng 10/2014, mỗi ngày ứng dụng ghi nhận hơn một tỷ lượt quẹt và 12 triệu match. Trung bình người dùng dành một tiếng rưỡi cho ứng dụng hằng ngày.
Dịch vụ cốt lõi miễn phí nhưng từ năm 2015, Tinder bắt đầu đưa vào một vài tính năng tính phí. Chẳng hạn, Tinder Plus gây tranh cãi vì giới hạn số match mỗi người dùng có thể sở hữu trong vòng 12 tiếng và yêu cầu thành viên trên 28 tuổi phải trả nhiều tiền hơn hàng tháng.
Dẫu vậy, sức hấp dẫn của ứng dụng chưa bao giờ dừng lại. Năm ngoái, đã có 10 triệu người dùng Tinder từ hơn 196 quốc gia. Ra đời chưa đến 5 năm, startup được định giá khoảng 3 tỷ USD, theo số liệu từ Forbes.
20 tỷ match đã được thực hiện cho đến năm 2017 bao gồm các mối quan hệ bạn bè, hôn nhân và nhiều kết nối khác. Sean Rad chia sẻ Tinder đã làm tốt sứ mệnh kết nối thế giới, giúp con người lại gần nhau hơn mà bằng cách khác, họ đã không có cơ hội.
Tuy nhiên, Tinder cũng nhận rất nhiều chỉ trích rằng thường bị lợi dụng trở thành công cụ "kiếm sex" hay khiến ngoại tình trở nên dễ dàng hơn.
Lùm xùm lớn nhất công ty vướng vào xảy ra tháng 6/2014, khi Tinder bị đồng sáng lập nữ Whitney Wolfe khởi kiện. Cô cáo buộc Justin Mateen, bạn trai cũ đồng thời là giám đốc marketing bấy giờ, quấy rối sau mối quan hệ đổ vỡ giữa hai người. Trước đó, cô đã báo cáo sự việc lên cấp trên, nhưng bị sa thải và tước chức danh đồng sáng lập.
Kết thúc kiện tụng, Wolfe nhận khoản bồi thường hơn 1 triệu USD, Mateen từ chức khỏi Tinder và Rad phải rời ghế CEO.
Rad quay lại vị trí cũ cuối năm 2015 nhưng cũng chỉ được một năm. Tuy nhiên, anh tiếp tục giữ chức chủ tịch Tinder. Hiện nay, Rad tập trung dẫn dắt Swipe Ventures, đơn vị tìm kiếm các công ty tiềm năng để gia tăng giá trị cho ứng dụng hẹn hò.
Quốc Việt
Theo AppInstitute