>> Sĩ tử nghèo đạp xe 300 km ra Hà Nội thi đại học
Ngồi trên chiếc xe máy đầy bùn đất, đói, mỏi, mệt, Giàng A Lả ngơ ngác nhìn dòng thí sinh được phụ huynh đưa đi thi. Lả sinh năm 1993, vóc người nhỏ, gầy, cân nặng chỉ 40 kg, với làn da rám nắng. Nếu không tình cờ gặp và trò chuyện cùng Lả, chắc không ai tin câu chuyện của chàng trai 19 tuổi một mình đi xe máy, vượt hơn 400 km từ bản Nậm Trấn, xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên xuống thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thi vào Đại học Tây Bắc. Đây là lần đầu tiên Lả một mình vượt chặng đường xa như thế.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có tám anh chị em, Lả là con thứ ba. Bản Nậm Trấn nơi Lả sinh ra là bản khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung. Giàng A Lả là người đầu tiên và duy nhất trong bản Nậm Trấn, xã Nà Khoa cho đến thời điểm này học hết cấp ba và đi thi đại học.
Giàng A Lả bên chiếc xe máy cùng bạn vượt 400km với ước mơ vào khoa Văn, Đại học Tây Bắc. Ảnh: Diệp Hương. |
“Quê nghèo lắm, ở bản người ta quanh năm chỉ làm ruộng làm nương, sống bám vào cây lúa, cây ngô trên nương, chẳng ai muốn đi học. Các già trong bản bảo chúng mày học nhiều làm gì, học về cũng chỉ để lấy vợ, chăn con trâu, thế nên chẳng ai học lên cấp ba. Hết lớp 9 bạn bè ở nhà lấy vợ hết, giờ chúng nó đã có hai, ba con rồi. Nhưng mình không để ý mình ưng cái bụng thì mình học thôi”, Lả thật thà chia sẻ.
Lả cho biết, ngày còn bé các thầy cô đến nhà động viên, đến lớp học cái chữ sau này về bản biết trồng cây ngô cho nhiều hạt, cây lúa nhiều bông. Trẻ con trong bản còn bé chưa lên nương trồng ngô giúp bố mẹ được thế là bố mẹ cho đi học.
Hết cấp một bố mẹ bảo: “Thằng Lả, mày ở nhà không đi học nữa, giờ lớn rồi phải đi chăn trâu giúp bố mẹ”, nhưng Lả thích được đi học tiếp nên cứ trốn bố mẹ xuống trường dưới xã để được đến lớp. Bố mẹ cấm mãi nhưng thấy Lả sau giờ học lại về nhà giúp bố mẹ chăn trâu, rẫy cỏ trên nương nên cũng chẳng nói gì nữa. Cứ thế vào dịp nghỉ hè, Lả lại lên nương cày ruộng, cuốc đất có khi ngủ trên rừng cả chục ngày trời mới về nhà. Đến năm học lại xuống trường. Người nhà không cấm Lả đi học nhưng cũng chẳng ai ủng hộ, thấy Lả thích học mọi người cứ kệ thôi.
Học hết cấp hai các bạn trong lớp nghỉ học ở nhà lấy vợ, chỉ có một mình Lả tiếp tục lên huyện theo học ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Mường Nhé. Trường học xa nhà nên Lả phải ở ký túc xá của trường. Vài tháng Lả mới về nhà một lần. “Về nhà xa lắm, từ huyện Mường Nhé phải bắt xe khách về xã Quảng Lâm, từ đó mình đi bộ một ngày trời để về nhà. Đến giờ xe ô tô vẫn không vào bản đâu, nhưng có đường cho xe máy đi rồi. Hôm nào trời mưa thì không đi được vì đường đất bùn lầy lắm lại phải qua suối nữa”, Lả kể.
Lả tâm sự bố mẹ, anh chị em không ai có bằng lái xe máy, cũng không biết tiếng Kinh, ra đường người ta gọi còn không biết thưa nên không đưa bạn đi thi được. Bố mẹ bảo ở nhà thôi không phải đi học nữa, học thế là đủ rồi. Nhưng Lả muốn đi thi đại học một lần cho biết.
Để có thể đến được điểm thi Lả đã xin bố mẹ một ít tiền rồi mượn xe máy của chú trong bản một mình tự lái xe đi thi. Cả nhà gom tiền lại được gần một triệu đồng, anh trai đưa thêm 500.000 để làm lộ phí cho bạn đi thi. Sợ đi đường xa xe cộ hỏng hóc, bố Lả đành đem con lợn thả ngoài vườn bán cho một người kinh ngoài xã được chút nào gom góp hết cho Lả. Gia tài cả nhà gom lại được 2 triệu đồng, bố Lả dặn phải chi tiêu tiết kiệm kẻo lúc về không có tiền mua xăng.
Nhà xa, Lả phải xuống trường trước ngày làm thủ tục thi hai ngày để còn tìm nhà trọ. Ngày Lả đi thi, cả nhà Lả dậy từ lúc 3 giờ sáng chuẩn bị, mẹ thì gói ít cơm cho Lả ăn dọc đường, bố và anh trai nai nịt ba lô quần áo, giấy tờ thật chắc vào sau xe kẻo đi đường rơi mất.
4h sáng Lả Xuất phát từ bản Nậm Trấn đi thi đại học. Lần đầu tiên xuống Đại học Tây Bắc, Lả không biết đường, vừa đi vừa hỏi đường, cũng may hỏi ai mọi người ta cũng chỉ rất nhiệt tình. Lả cho biết lúc đi từ Điện Biên xuống thì cứ đường to mà đi đến chỗ nào có ngã rẽ lại dừng xe hỏi người ta để không bị đi sai đường.
Lả cứ mải miết đi như vậy không dừng lại nghỉ lần nào. Khi Lả đến cổng trường Đại học Tây Bắc là 1 giờ chiều. Đến nơi vừa đói vừa mệt cũng chẳng biết tìm nhà trọ như thế nào, Lả ngồi dưới gốc cây trước cổng trường nghỉ, lấy gói xôi mẹ gói từ sáng sớm ra ăn. Thật may là thanh niên tình nguyện đã giúp Lả vào đăng ký ở ký túc xá.
“Mình chỉ thi mỗi khoa Văn của trường Đại học Tây Bắc này thôi. Các bạn trong lớp mình cũng bảo xuống Hà Nội thi, nếu không đỗ thì xuống đó chơi cho biết cái thủ đô. Nhưng nếu xuống đó thi thì gia đình sẽ vất vả vì nhà mình làm gì mà có nhiều tiền. Mình muốn thi khoa Văn và mơ ước sau này trở thành thầy giáo về dạy trẻ con trong bản. Vì người dân trong bản chỉ biết làm ruộng làm nương cho cái bụng không bị đói, thế là đủ. Họ không có lý tưởng phấn đấu, không có mục đích thế nên cuộc sống nghèo lắm”, Lả chia sẻ.
Giàng A Lả trong khuôn viên ngôi trường mơ ước của bạn. Ảnh: Diệp Hương. |
Nói về kỳ thi, Lả cho biết: “Mình không được tiếp xúc nhiều và không giỏi lắm mình chỉ học trung bình thôi. Các bạn người Kinh học cùng ở trường giỏi lắm cứ đi thi chỗ nọ, chỗ kia. Mình cũng muốn được như các bạn ấy nên cũng cố gắng chăm chỉ học để thi. Đi thi thế này mình cũng sợ không đỗ về bản người ta cười cho, bảo là đi học bao nhiêu năm mà đi thi lại trượt. Nhưng nếu năm nay không đỗ thì năm sau mình sẽ lại đi thi tiếp”.
Xuống đây thi nhìn thấy các bạn ai cũng có người nhà đưa đi mỗi mình mình là chẳng có ai Lả buồn lắm. Nhưng mỗi khi Lả buồn bạn thường tự an ủi mình bằng câu nói của nhà thơ, nhà báo Whitman (người Mỹ): “Nhìn về phía mặt trời, mọi bóng tối sẽ khuất sau lưng”. Lả tâm sự bạn thích câu nói này vì nó cũng giống như bạn vậy, mặt trời tượng trưng cho cuộc sống tốt đẹp ở phía trước. Bóng tối là những xấu xa, nghèo đói, hủ tục lạc hậu.
“Mình phải phấn đấu để có cuộc sống tốt đẹp và giúp đỡ người dân bản bỏ đi những u mê, lạc hậu, để trẻ con trong bản biết cái chữ, được đi học, ra ngoài xã hội gặp nhiều người mới có cuộc sống tốt đẹp được”, chàng trai H'Mông chia sẻ rất chân thành.
Ione