Dick Quinn là một blogger chuyên về tài chính. Trước khi nghỉ hưu năm 2010, Dick là giám đốc điều hành tại một công ty chuyên về bồi thường và trợ cấp. Dưới đây là chia sẻ của ông về vấn đề tài chính trong hôn nhân:
Vợ tôi và tôi kết hôn năm 1968. Hơn 50 năm bên nhau, chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau vì tiền bạc. Đôi khi có một sự cân nhắc, nhưng chưa từng mâu thuẫn hay to tiếng lần nào. Nhiều người vẫn hỏi tôi rằng: Làm sao tôi có thể làm điều đó? Tôi luôn nói rằng, tất cả chỉ tóm gọn trong câu: Đó là tiền của chúng tôi.
Tôi nhận ra đây không phải là cách của hầu hết các cặp vợ chồng vẫn làm. Dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho các lợi ích của nhân viên, tư vấn tài chính và trợ cấp khi nghỉ hưu, tôi đã chứng kiến một số ý tưởng sai lầm về hôn nhân và tiền bạc. Rất hiếm khi các cặp vợ chồng thảo luận về những mâu thuẫn của họ về tài chính. Và nếu có, họ thường thấy mình bị mắc kẹt trong những cuộc tranh luận không hồi kết.
Thái độ đó dẫn đến nhiều căng thẳng trong hôn nhân. Trên thực tế, tranh luận về tiền bạc là một trong những yếu tố dự báo hàng đầu cho ly hôn.
Bất cứ ai kết hôn trong nhiều thập kỷ có thể nói với bạn, quan điểm chung về tài chính là yếu tố thiết yếu cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Một người tiết kiệm và một người tiêu xài phung phí sẽ có khoảng thời gian khó khăn để chấp nhận. Nhưng điều đó không nhất thiết là mối quan hệ bị hủy hoại, điều quan trọng là cần một cuộc trò chuyện nghiêm túc về các mục tiêu tài chính, và nó phải diễn ra ngay lập tức. Mọi người cần tôn trọng và có trách nhiệm với nhau, có mục tiêu kiếm tiền trong tương lai.
Tôi 75 tuổi, vợ tôi 79 tuổi, chúng tôi đã duy trì cuộc hôn nhân hòa bình, phần lớn nhờ vào quan điểm chung về tiết kiệm và chi tiêu. Bất kỳ khoản tiền nào kiếm được đều được coi là tiền của cả hai, bất kể số tiền đó ai mang về. Chúng tôi quản lý tài chính cùng nhau.
Tôi nghỉ hưu năm 2010 với tư cách là phó chủ tịch của một công ty. Hai vợ chồng sống nhờ tiền lương hưu và trợ cấp an sinh xã hội, nhưng triết lý tiền bạc của chúng tôi vẫn như cũ. Chúng tôi có một số tài khoản chi tiêu và tài khoản tiết kiệm. Khi tiền vào tài khoản, nó sẽ được phân bổ cho nhiều mục khác nhau. Ví dụ: Chúng tôi có một khoản dành cho du lịch, một khoản khác cho các hóa đơn cố định hàng tháng bao gồm các tiện ích, thuế... Tài khoản chung của chúng tôi chủ yếu được sử dụng để thanh toán thẻ tín dụng.
Đây là cách chúng tôi lập ngân sách tài chính cho gia đình. Chúng tôi sẽ không chi nhiều hơn số tiền mình có thể trả. Nếu có thứ gì đó quan trọng thực sự cần và muốn mua, chúng tôi sẽ đợi đến khi tiết kiệm đủ để trả bằng tiền mặt.
Nhiều chuyên gia tài chính sẽ tư vấn rằng không nên có các tài khoản chung. Họ gọi tôi là người cổ hủ, nhưng tôi không đồng ý. Theo tôi, khăng khăng phân chia tiền mỗi bên kiếm được là dấu hiệu của việc bất đồng, có thể gây ra những chia rẽ trong hôn nhân.
Nếu cả hai bên liên tục đặt câu hỏi về các quyết định tài chính của nhau, không chắc mối quan hệ đó sẽ kéo dài. Tôi có thể hiểu một người có ý thức sở hữu ở một mức độ nào đó, nhưng một cuộc hôn nhân nên được xây dựng trên sự tin tưởng hoàn toàn.
Hai vợ chồng tôi không coi mình là người giàu. Chúng tôi an tâm về tài chính vì chúng tôi đảm bảo các mục tiêu và giá trị rõ ràng. Chúng tôi có 4 đứa con đều học đại học tư. Chúng đều làm việc trong trường và làm thêm trong mùa hè để trả các khoản vay của chúng.
Vợ tôi và tôi đã sửa sang lại nhà của mình hai lần, thậm chí bắt đầu kinh doanh bán thời gian để trang trải các chi phí còn lại. Điều đó có nghĩa là chúng tôi làm việc 16 giờ/ngày cho hai công việc.
Quan điểm của tôi là nếu bạn sớm loại bỏ sự khác biệt của mình và bạn đời, chấp nhận rằng đó là tiền của cả hai, bạn sẽ sống hạnh phúc hoặc cùng nhau vỡ nợ. Dù cách nào, bạn vẫn sẽ song hành cạnh nhau. Nhưng nếu quan điểm về tiền bạc của hai người khác nhau đến mức cực đoan, điều đó thực sự là một hiểm họa.
Mộc Miên (Theo CNBC)