Anh Nguyễn Xuân Hoàng (Khu đô thị Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) đang là chủ một cơ sở làm hoa giả. Tết năm nay anh mới làm thêm mặt hàng cây tiền (một số nơi gọi là cây thần tài hoặc cây lộc tiền). Cây được làm từ tiền thật gấp hình quạt hoặc con công, có mệnh giá lớn nhỏ khác nhau theo nhu cầu của khách hàng.
Cây tiền thật được làm thủ công, cao khoảng 70cm với nguyên liệu chính là tiền giấy thật, dây thép, ống nhựa và một số đồ trang trí. Mỗi một cây được làm từ 39 tờ chủ yếu là loại màu đỏ như 500 đồng hay 10.000 đồng loại tiền giấy cũ với ý nghĩa cầu tài lộc và may mắn cho năm mới. Thỉnh thoảng, anh Hoàng điểm vài tờ 5.000 đồng hoặc 1.000, 2.000 đồng cho vui mắt.
Các loại cây tiền được làm từ tờ 500 đồng được anh rao bán với mức giá từ 500.000 đồng. Còn loại 10.000 đồng tiền giấy có giá 1,6 triệu đồng.
Anh Hoàng cho biết bắt đầu sản xuất mặt hàng cây tiền được hơn 2 tháng nay và tiến hành quảng cáo qua mạng. Tuy nhiên, khoảng một tháng nay, lượng khách quan tâm đông hơn hẳn. Đến nay, tổng số cây tiền được anh giao cho khách vào khoảng hơn 400 cây.
"Khách hàng mua buôn, mua lẻ đều có cả. Trong đó, có những người mua tới vài chục cây một lúc", anh này nói.
Chủ cơ sở sản xuất cũng cho biết, khi mới kinh doanh mặt hàng này, đơn vị anh có nhận đặt theo mẫu, số lượng tiền theo nhu cầu của khách. Tuy nhiên, gần đây đơn hàng nhiều nên anh chỉ làm một mẫu.
"Nếu khách đặt mẫu khác, chúng tôi phải thiết kế lại, khá mất thời gian", anh Hoàng cho hay.
Anh Trần Tùng Sơn, đường Phạm Văn Đồng, huyện Từ Liêm cũng phân phối sản phẩm này cho người nhà ở Hưng Yên từ đầu tháng Chạp. Hằng ngày, nhà anh có xe chở cây tiền từ cơ sở sản xuất lên Hà Nội để kịp lịch giao cho khách. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì cây tiền ở cửa hàng anh có đủ mệnh giá từ 500 đồng đến 10.000 đồng, giá dao động từ 460.000 đến 1,5 triệu đồng.
"Tuy nhiên, hiện nay việc đổi tiền lẻ tương đối khó khăn nên một số loại mệnh giá như 10.000 đồng phải đặt một hai ngày sau mới có", anh Sơn cho hay.
Bà My, phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, chủ một cơ sở sản xuất khác cũng chia sẻ, điều khó khăn nhất là tìm nguồn tiền mới. "Năm nay tiền đổi lại ít hơn mọi năm. Do đó, để có được 'nguyên liệu' làm cây thần tài chúng tôi cũng phải chạy vạy nhiều nơi, thậm chí là chịu chịu phí đắt. Đó cũng chính là lý do giá mỗi cây tiền khá cao", bà chủ lý giải về mức giá khá "chát" của mặt hàng này.
Các đơn vị đều cho biết, khoảng một tháng nay đã bán được xấp xỉ 200 cây tiền cả loại mệnh giá lớn và nhỏ. Trong đó, khách mua chủ yếu để biếu hoặc đi lễ chùa.
"Giờ cũng gần Tết rồi nên có cây nào được làm xong là có khách mua ngay hoặc một số mối buôn đồ vàng mã nhập về để bán. Hơn nữa, tiền lẻ khan hơn rồi nên không phải khách đặt loại cây có mệnh giá nào chúng tôi cũng đáp ứng được ", một chủ cửa hàng chia sẻ.
Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc sử dụng những đồng tiền mệnh giá 500, 1.000, 5.000 đồng vẫn còn giá trị lưu thông để làm thành cây tiền, trang trí như vậy chưa đúng quy định về bảo vệ đồng tiền Việt Nam. Quyết định 130 ban hành năm 2003 của Thủ tướng về bảo vệ tiền Việt Nam nêu rõ cấm hủy hoại đồng tiền Việt Nam bằng bất cứ hình thức nào.
Theo Dự thảo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trình Chính phủ từ năm 2012, hành vi sao chụp, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, hoa văn hoặc hủy hoại đồng tiền Việt Nam có thể bị phạt từ một đến 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy định này vẫn nằm trong dự thảo và chưa chính thức được ban hành. Theo quy định hiện hành, mức phạt hành chính chỉ từ 5 đến 12 triệu đồng.
Riêng với những loại tiền cotton mệnh giá 10.000, 20.000 đồng đã ngừng lưu thông, một chuyên gia pháp chế ngân hàng cho rằng về mặt nguyên lý chung, tiền này đã được đình chỉ lưu hành thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định trên. Mặc dù vậy, ở góc độ cơ quan quản lý, ngân hàng vẫn phải có những khuyến cáo với người dân bởi suy đến cùng thì dù đó là tiền ngừng lưu hành, vẫn là đồng tiền của Việt Nam", vị chuyên gia này nói.
Theo VnExpress