Thông tin về cái chết của Issey Miyake được công ty Miyake Design Studio công bố ngày 9/8. Văn phòng này xác nhận một tang lễ riêng tư đã diễn ra, nhưng theo nguyện vọng của nhà thiết kế, các nghi lễ tưởng niệm khác sẽ không được tổ chức. Ông luôn giữ kín cuộc sống cá nhân, bởi vậy gia quyến không được biết đến rộng rãi.

Nhà thiết kế gạo cội Nhật Bản Issey Miyake. Ảnh: AP
Issey Miyake sinh ngày 22/4/1938 tại Hiroshima. Sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa tại Đại học Nghệ thuật Tama ở Tokyo năm 1964, ông theo học thời trang và được Guy Laroche nhận làm trợ lý thiết kế. Miyake cũng làm việc cho Hubert de Givenchy, vẽ từ 50 đến 100 bản phác thảo mỗi ngày. Năm 1969, ông chuyển đến thành phố New York, Mỹ nhưng trở về Tokyo chỉ một năm sau đó và thành lập Miyake Design Studio - một công ty thời trang nữ cao cấp.
Theo AP, Miyake xác lập một kỷ nguyên trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản, trở thành ngôi sao vào thập niên 1970 giữa một thế hệ nhà thiết kế và nghệ sĩ đã đạt được danh tiếng toàn cầu. Ông được biết đến với loạt tác phẩm xếp nếp tương tự nghệ thuật gấp giấy origami, thổi hồn cho chất liệu thô ráp trở nên sang trọng, độc đáo. Miyake cũng sử dụng công nghệ máy tính trong dệt vải để tạo ra trang phục. Thiết kế của ông có mục đích tôn vinh cơ thể người mặc bất kể chủng tộc, vóc dáng hay tuổi tác.
Năm 1992, Miyake được giao thiết kế đồng phục Olympic cho Lithuania - quốc gia khi ấy vừa giành được độc lập từ Liên Xô. Ông cũng là tác giả mẫu áo cổ lọ màu đen nổi tiếng của huyền thoại công nghệ quá cố Steve Jobs.

Một thiết kế xếp ly trong show Issey Miyake năm 1995. Ảnh: AFP
Issey Miyake bước đi khập khiễng sau khi sống sót trong vụ bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima năm 1945. Ba năm sau, mẹ ông qua đời vì nhiễm độc phóng xạ. Nhà thiết kế hiếm khi nói về ký ức đó hay các khía cạnh khác trong cuộc sống cá nhân của ông. "Tôi thích nghĩ về những thứ có thể được tạo ra, không bị phá hủy và mang lại vẻ đẹp, niềm vui", Miyake viết trong một bài báo năm 2009 trên The New York Times.
"Cây đại thụ" làng mốt từng được vinh danh ở Nhật Bản vì tạo ra một thương hiệu toàn cầu, góp phần vào nỗ lực của đất nước trong việc xây dựng mình thành một điểm đến quốc tế về thời trang và văn hóa đại chúng. Năm 2010, ông được trao Huân chương Văn hóa - danh hiệu cao quý nhất Nhật Bản về nghệ thuật.
Mi So (theo AP, The NY Times)