Khi bóng đá trở thành kênh đầu tư của nhiều doanh nghiệp, cầu thủ nhanh chóng trở thành tỷ phú. Chỉ sau một bản hợp đồng, VĐV có thể nhận hàng chục tỷ đồng cùng mức lương thưởng hàng trăm triệu mỗi tháng để đổi đời. Có tiền, nhiều cầu thủ trở nên giàu hơn để giúp gia đình có cuộc sống ổn định, nhưng cũng không ít người trắng tay…
Trung vệ Như Thành từng là một tỷ phú. Thời ở Bình Dương, anh có thu nhập thuộc hàng cao nhất làng cầu thủ Việt với nhiều ưu đãi từ doanh nghiệp tài trợ đội bóng. Ra Ninh Bình, anh tiếp tục có 8 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cùng các hỗ trợ vật chất khác. Ở thời đỉnh cao, cựu trung vệ tuyển Việt Nam có trong tay nhiều bất động sản tại Bình Dương, có nhà to ở ngay trung tâm quận 3 (TP HCM).
Nhưng sau khi dính đến những rắc rối ngoài bóng đá, anh đánh mất tất cả tài sản hàng chục tỷ đồng của mình. Có thời gian người ta đồn rằng, vì không có tiền trả nợ, anh phải “mất tích” một thời gian. Như Thành giật mình làm nhưng mọi việc dường như đã quá muộn với cầu thủ sinh năm 1981. Anh không thể tìm được chỗ đứng tại các đội bóng V-Lague và có lúc phải trôi về giải hạng Nhất đá cho Tây Ninh (đội bóng vừa xuống hạng Nhì).
Một cầu thủ từng là gương mặt trẻ triển vọng, được gọi vào đội U23 dưới thời HLV Calisto năm 2010. Sau chuyến “lên tuyển”, anh nhận chuyển nhượng gần ba tỷ đồng khi đến CLB mới ở miền Bắc. Nhưng không lâu sau đó, anh trắng tay vì lao vào những thú vui bên ngoài bóng đá. Anh này cố gắng liên hệ để tìm đội bóng mới nhưng vô vọng khi “danh tiếng” trước đó của anh quá nhiều khiến các HLV e ngại.
Cựu trung vệ Đắc Khánh của CLB SLNA từng là gương mặt triển vọng khi có mặt trên hầu hết các đội trẻ và U23 Việt Nam chuẩn bị SEA Games 2009. Nhưng sau khi có tiền, từ cậu bé ngoan và chắt chiu, Khánh lao vào những cuộc vui chơi và cờ bạc. Kết quả, anh làm không đủ trả nợ và từng có lúc phải trốn tránh khi số nợ bạc bài lên đến con số hàng tỷ.
Đứng trước ngưỡng cửa tỷ phú bóng đá, Khánh tự đánh mất đi tương lai của mình. Anh làm lại bằng đủ thứ nghề, gồm cả đi đá “phủi” để kiếm cơm. Bằng nghị lực, Khánh đang giải quyết khó khăn để ổn định cuộc sống, dù không phải trên con đường bóng đá mà tên anh từng được định giá nhiều tỷ đồng. Những “tấm gương” như vậy, kể ra rất nhiều.
Rất may, bức tranh không chỉ màu xám. Bên cạnh không ít cầu thủ sa ngã khi sở hữu tiền tỷ có nhiều người giữ được tiền, kinh doanh để tiền đẻ ra tiền. Họ nhanh chóng thoát nghèo, có nguồn thu nhập vững chắc để chăm lo cho gia đình, báo hiếu bố mẹ.
Công Vinh thuộc nhóm cầu thủ “ăn chắc mặc bền”. Có thu nhập khủng, anh không sa ngã vào các tệ nạn mà ngược lại rất có ý thức tích góp cho bản thân và giúp gia đình còn nhiều khó khăn. Vinh không trực tiếp làm dịch vụ cụ thể hay sản xuất mặt hàng nào đó. Chân sút Nghệ An kinh doanh một thứ khó ai so bì trong làng cầu thủ Việt, đó là hình ảnh của chính mình. Luôn ra sân thi đấu cống hiến, cuộc sống chỉn chu, thể hiện hình ảnh một người đàn ông trẻ thành đạt, Vinh trở thành gương mặt được nhiều thương hiệu mời làm đại diện với hợp đồng tiền tỷ. Người ta có thể yêu hoặc ghét sự khôn khéo của Vinh, nhưng có lẽ khó ai kiếm tiền giỏi như anh. CV9 hiện là cầu thủ triệu phú USD tại Việt Nam, dù anh chỉ mới sinh năm 1985.
Thủ môn Tấn Trường cũng thuộc top cầu thủ có tiền chuyển nhượng cao ở Việt Nam khi ở lại Đồng Tháp năm 2009 và sau đó là chuyển đến Sài Gòn Xuân Thành, Bình Dương. Những đồng tiền từ bóng đá, anh đổ vào đầu tư bất động sản với phòng trọ cho thuê, kinh doanh sân cỏ nhân tạo và cửa hàng Internet. Ở Đồng Tháp, Trường hiện có nhiều cơ ngơi lớn để ở và cho thuê. Anh và vợ đang hình thành chuỗi cửa hàng Internet khi ngoài Đồng Tháp, anh vừa khai trương thêm cửa hàng ở Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Thời buổi kinh tế khó khăn, các ông bầu dần rút khỏi bóng đá khiến các cầu thủ có ý thức trong việc sử dụng những đồng tiền mình làm ra nhiều hơn. Có tiền chuyển nhượng hàng chục tỷ trong tay, những Phước Tứ, Đình Luật, Chí Công… mua nhà như là cách để tích góp, xây phòng cho thuê để giúp vợ con ổn định thu nhập. Ai cũng hiểu đời cầu thủ rất ngắn…
Ngọc Hà