Những năm gần đây, trong khủng hoảng kinh tế, bóng đá Việt gặp nhiều phen lao đao. Trong khó khăn, không ít cầu thủ nhận thức và tìm cho mình một công việc khác ngoài đá bóng nhằm giúp đỡ gia đình cũng như để không “hổng chân” khi giải nghệ. Làng bóng đá Việt hiện nay ngày càng ghi nhận nhiều cầu thủ chuyển sang làm ông chủ.
Thủ môn Tấn Trường là một điển hình. Tuy vẫn còn thi đấu đỉnh cao, người nhện quê Đồng Tháp đã nghĩ về tương lai xa cho bản thân và gia đình. Vì vậy, những đồng tiền tích góp được từ bóng đá, anh quyết định hùn hạp với người bạn mở cụm sân cỏ nhân tạo tại Tân Bình, TP HCM. Ngoài kinh doanh sân cỏ nhân tạo, anh còn mở phòng Internet thuộc hàng lớn nhất tại Cao Lãnh, Đồng Tháp để gia đình quản lý.
Tương tự như Tấn Trường, trung vệ Anh Tuấn cũng mở cụm sân cỏ nhân tạo tại Hà Nội vào năm 2013. Công việc bóng đá ngốn nhiều thời gian nên Tuấn "Hòa Bình" để vợ mình quản lý "cơ nghiệp". Cùng với sân cỏ nhân tạo, Tuấn còn mạnh dạn kinh doanh hàng thể thao.
Không kinh doanh sân cỏ nhân tạo, thủ môn Đặng Đình Đức quyết định đi buôn hoa từ Đà Lạt về TP HCM. Cựu thủ thành Bình Dương có đầu mối là người chị trên Đà Lạt (quê gốc của anh) nên công việc của anh chủ yếu là tìm đầu ra cho sản phẩm mang thương hiệu hoa Đà Lạt. Bên cạnh kinh doanh hoa, ít ai biết Đình Đức còn là nhà môi giới bất động sản - nghề truyền thống của gia đình. Không còn tham gia bóng đá, Đình Đức kinh doanh hoa và quản lý hàng chục phòng trọ tại Bình Dương.
Tiền vệ Thái Dương của CLB HAGL có một hướng đầu tư khác, đó là kinh doanh hàng thời trang thuộc phân khúc cao cấp. Cửa hàng D’Men ra đời tại phố núi Pleiku đánh dấu bước phát triển mới của anh trong nghiệp kinh doanh. Không chỉ buôn bán trực tiếp tại Pleiku, Thái Dương còn kết hợp cùng người bạn Hàn Phong (cựu cầu thủ Navibank Sài Gòn, Quảng Nam) mở chi nhánh D’Men tại Kon Tum.
Tiền đạo Anh Đức (Bình Dương) không chỉ cho thấy mình “sát thủ” trên sân mà còn cả trên lĩnh vực kinh doanh. Vài năm gần đây, Anh Đức buôn bán và làm nhà phân phối nhiều mặt hàng thể thao. Ở Bình Dương, người hâm mộ không còn lạ lẫm với thương hiệu Anh Đức Sport. Không dừng lại ở đó, Đức còn đang xây dựng một thương hiệu giày thể thao riêng mang tên mình với tham vọng chiếm lĩnh thị trường giày sân cỏ nhân tạo vốn đang rất phát triển.
“Nước là nhu cầu cơ bản của con người”. Xuất phát từ điều này, cầu thủ Văn Nghĩa (cựu cầu thủ Đồng Tháp, Navibank Sài Gòn) quyết định chuyển hướng sang làm ông chủ cơ sở sản xuất nước mang tên VN19 (tên viết tắt và số áo của Văn Nghĩa khi còn thi đấu). Công việc mới lạ lẫm nhưng không làm khó được chàng cử nhân của Đại học Giao thông vận tải khi anh có sự giúp sức đắc lực của người vợ Hồng Diễm. Hiện nay, “VN19” đang dần chiếm lĩnh thị trường nước uống tinh khiết tại Đồng Tháp.
Một cầu thủ miền Tây khác là Long Giang đi theo một hướng có lẽ ít ai ngờ là trồng nấm bào ngư. Trang trại nấm với quy mô vài nghìn m2, giá trị hàng trăm triệu đồng của Giang hiện ở quê nhà Gò Công, Tiền Giang, được anh giao cho bố mẹ quản lý. Sản phẩm từ trang trại chủ yếu là bán cho các thương lái ở chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM. Sau giờ bóng đá, trang trại nấm chính là điểm đi về của Long Giang.
Cầu thủ Thanh Sang (An Giang) cũng đi theo hướng “lấy nông nghiệp làm gốc”. Quê ở vùng đất Tân Châu, An Giang, có chút vốn từ bóng đá là anh về quê “gom” đất để trồng ớt và ngô. Hiện nay, gia tài của Sang là cả chục ha ớt và ngô. Hai mặt hàng nông sản này giúp Sang có thêm hàng trăm triệu mỗi năm để tích lũy cho tương lai. Sang cho biết sau khi giải nghệ bóng đá, anh sẽ về quê để “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi cày”.
Tiền đạo Hải Anh (Đồng Nai) đi theo hướng kinh doanh dịch vụ. Anh cùng chị gái mở cửa hàng cho thuê áo cưới khá lớn tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Không chỉ đá bóng ngày càng lên chân, Hải Anh tỏ ra là người có “khiếu” kinh doanh khi biết khai thác Google, Facebook nhằm quảng bá cho dịch vụ của mình. Cửa hàng áo cưới của Hải Anh ăn nên làm ra và trở thành một địa điểm có tiếng, uy tín với các cặp tình nhân. Hải Anh từng tốt nghiệp Đại học TDTT trước khi bước vào bóng đá chuyên nghiệp.
Ngoài ra, đầu tư hàng ăn, quán café trở thành chuyện "thường ngày" với cầu thủ Việt. Ngoài mục đích chính là kinh doanh sinh lời, nơi đây là chỗ giao lưu gặp gỡ của bạn bè đồng nghiệp của cầu thủ và người hâm mộ bóng đá.
Các lĩnh vực làm ăn của cầu thủ Việt
Mở sân cỏ nhân tạo:
- Thủ môn Thế Anh thuộc lớp cầu thủ đầu tiên kinh doanh sân cỏ nhân tạo ở Bình Dương và quê hương Nghệ An.
- Thủ môn Quang Huy (cựu thủ môn Nam Định, Ninh Bình…) mở sân cỏ nhân tạo ở quê nhà.
- Văn Mộc (Đồng Tháp) mở sân cỏ nhân tạo ở thành phố Cao Lãnh.
Buôn bán:
- Minh Triết (buôn gạo từ miền Tây về TP HCM).
- Nhật Tân (Đồng Tâm) cùng vợ mở cửa hàng bán túi xách tại Gò Công.
- Hoàng Công Thuận (An Giang) mở shop bán hàng thời trang nam tại Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Sản xuất:
- Ngọc Hùng mở xưởng mộc sản xuất nội thất gỗ theo đơn đặt hàng.
Nông nghiệp:
- Phùng Văn Nhiên (HAGL) đầu tư trồng 10 ha cao su tại Gia Lai.
Dạy bóng đá cộng đồng:
- Ngọc Hùng cùng thủ môn Thành Nam mở lớp bóng đá cộng đồng ở quận 12, TP HCM.
- Hàn Phong mở lớp bóng đá cộng đồng tại quê nhà Kon Tum sau khi chia tay bóng đá đỉnh cao.
Ngọc Hà