Tâm lý của các con khi làm sai thường sợ hãi và hay giấu diếm, có bé còn đổ lỗi cho người khác, Trong những tình huống như vậy, bố mẹ tránh "trầm trọng hóa" các lỗi của bé nhưng cũng không nên xuề xòa bỏ qua hay cho rằng "con còn nhỏ không biết gì, đợi bé lớn lên rồi mới dạy". Bố mẹ cần chỉ cho con biết đó là điều không đúng, giúp con đối diện với việc làm sai một cách trực tiếp và biết nhận lỗi. Tùy vào từng tình huống và cá tính của bé, bố mẹ có thể đưa ra hình phạt cùng cách giải thích phù hợp. Dạy con biết nhận lỗi nên bắt đầu từ việc thay đổi những thói quen không đúng trong cuộc sống hàng ngày của bố mẹ.
Chị Nguyễn Minh Huệ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà mẹ có một con gái - bé Bống, 5 tuổi và một con trai - bé Tí, 3 tuổi chia sẻ, nhiều ông bố, bà mẹ hay nói câu cửa miệng: "đánh chừa cái bàn" để dỗ bé nín khóc khi bé bị cộc đầu vào bàn... Mục đích chính khi làm như vậy là để trấn an bé nhưng vô tình, các bố mẹ lại tạo cho con thói quen đổ lỗi cho người khác. Theo chị Huệ, bé cần hiểu rằng, việc bé bị ngã là do lỗi của bé chứ không phải tại cái bàn, cái ghế hay bất kỳ ai để lần sau, bé sẽ cẩn thận hơn.
Trong trường hợp này, chị Huệ đã chia sẻ một cách xử lý riêng của mình để các mẹ có thể tham khảo như sau: Khi thấy bé Tí bị ngã, chị Huệ lập tức quay mặt đi chỗ khác, giả vờ như không nhìn thấy sự việc, trong khi con thì nhìn mẹ và trực mếu máo. Nhưng nếu chị chạy ra "đánh chừa cái đất" hay xuýt xoa con như mọi lần thì bé Tí sẽ òa khóc ngay. Khi thấy mẹ có vẻ không biết gì, bé Tí lồm cồm bò dậy, phủi quần rồi chạy ra gọi mẹ như chưa hề bị ngã. Chị Huệ chia sẻ, sau đó chị còn nói với bé Tí rằng, "Con bị ngã, con bị đau và 'bạn' sàn nhà bị con đổ xuống cái 'rầm', bạn cũng đau không kém con đâu". Bé Tí nghe xong, gật gù có vẻ hiểu chuyện và những lần sau đó, dù bị ngã đau, bé cũng không khóc nhè hay "ăn vạ" nữa.
Lớn hơn một chút, khi các con hiểu rằng "cái bàn, cái ghế luôn đứng im nên không thể khiến con bị ngã" thì con bắt đầu đổ lỗi cho người khác. Chị Hoàng Lan (quận Ba Đình, Hà Nội) kể: "Hôm trước, bé chơi cầu trượt bị ngã, u trán nhưng khi ông bà đến chơi hỏi bé tại sao thì bé lại bảo bị bố làm ngã. Sau đó, khi thấy bố về, bé lại quay sang nói bị mẹ làm ngã hay có mặt cả bố và mẹ thì bé bảo tại bạn A, bạn B... Nếu bố mẹ, ông bà cười vui vì sự 'láu cá' này của bé thì càng khiến bé tái diễn trong lần sau".
Theo chị Lan, người lớn không nên "tán dương" cho sự nói dối quanh co của bé mà cần nghiêm túc phân tích để bé hiểu rằng việc đổ lỗi cho người khác là không đúng. Bố mẹ mắng con gay gắt là "đồ nói dối", "hư đốn" cũng không phải là cách giáo dục tích cực. Bố mẹ có thể "giả vờ" phê bình lẫn nhau về việc "đánh bé" (mà bé vừa đổ lỗi) và tỏ ra buồn bã vì bị "đổ oan". Bé rất yêu bố mẹ nên sẽ không muốn làm bố mẹ buồn. Sau đó, bố mẹ dần dần hướng dẫn cho bé nhận lỗi.
Tuy nhiên, cũng có những bé với cá tính mạnh, nhất định không chịu nhận lỗi thì bố mẹ lại cần xử lý linh hoạt, tâm lý hơn. Không nhất thiết phải xử "trắng đen rõ ràng" ngay khi con gây ra lỗi mà bố mẹ nên chờ đợi một thời gian ngắn để con bình tĩnh, hết sợ hãi. Chị Minh Huệ có kinh nghiệm xử trí với con gái lớn, bé Bống khi bé làm vỡ chiếc bình hoa. Chị chia sẻ: "Bố mẹ càng nóng giận thì chỉ làm cho bé thêm sợ hãi rồi tìm cách chống chế, nói dối. Trong trường hợp này, thay vì mắng con, bố mẹ hãy dùng chiêu ngon ngọt thủ thỉ. Mình đã không trách mắng con mà tỏ thái độ buồn rầu ra mặt. Mình bảo con rằng: 'Mẹ không giận nếu con làm vỡ bình hoa mà chỉ buồn vì con gái mẹ chưa can đảm nhận lỗi'. Cô nàng sau khi nghe mẹ nói vậy thì cúi gằm mặt rồi lí nhí xin lỗi mẹ".
Một đứa trẻ dám thừa nhận lỗi sai sẽ biết sửa chữa và không tái diễn nữa, còn ngược lại, nếu bé không dũng cảm đối diện với khuyết điểm thì hình thành tích cách ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình. Dạy con biết cách nhận lỗi không chỉ bằng lời giải thích mà quan trọng hơn cả, bố mẹ cần làm gương cho con. Bởi điều con nhìn thấy sẽ được ghi nhớ sâu trong tâm trí con hơn là những "lời nói gió bay".
Lệ Thúy