Khi nuôi dạy một đứa trẻ, bố mẹ không thể bỏ qua tính kỷ luật và các nguyên tắc mà thể hiện cụ thể thông qua những hình phạt. Nhưng cách phạt trẻ như thế nào để đạt được hiệu quả "đưa trẻ vào khuôn khổ" mà không khiến trẻ có cảm giác "sợ hãi" tới mức ảnh hưởng tâm lý lâu dài thì luôn là điều không dễ dàng. Không ít bố mẹ than phiền rằng họ đã đọc đủ các loại sách để trang bị kiến thức nuôi dạy trẻ, tham khảo kinh nghiệm từ bạn bè, thậm chí chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục mà vẫn không thể tìm được phương pháp phù hợp cho con mình. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn khi bố mẹ hiểu được tâm lý và sự phát triển của con qua từng giai đoạn.
Nếu không muốn phải thường xuyên áp dụng các hình phạt với trẻ, việc đầu tiên, bố mẹ cần xây dựng tính kỷ luật cho con bằng chính lối sống của mình. Việc bố mẹ luôn có những hành vi đúng mực sẽ là nền tảng để đứa trẻ làm đúng theo khuôn phép được kỳ vọng. Vì thế, không bao giờ là quá sớm để xây dựng tính kỷ luật cho trẻ và thà muộn còn hơn không bao giờ làm điều này. Muốn làm cha mẹ tốt, hãy bắt đầu từ việc thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực và hiểu được "sự phát triển bộ não của trẻ".
Hiểu được sự phát triển của trẻ rất quan trọng trong việc xây dựng các kỹ năng tốt cho trẻ. Hiệu quả của việc xây dựng tính kỷ luật sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi phát triển của trẻ. Cụ thể như sau:
- Trẻ mới sinh ra có bộ não chưa hoàn thiện. Một phần lớn bộ não sẽ phát triển tới khi trẻ 2 tuổi. Vì thế, khi trẻ dưới một tuổi, việc ý thức về hành vi của trẻ chưa có, nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt hay kỷ luật ở thời điểm này hầu như không có tác dụng. Thay vào đó, bố mẹ nên tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu cho sự phát triển của con như ăn uống, vệ sinh, giấc ngủ và tương tác thật nhiều với trẻ.
- Trong khoảng thời gian trẻ 1-2 tuổi, đảm bảo sự an toàn là mối quan tâm hàng đầu vì lúc này, trẻ đã biết bò, đi lại, di chuyển theo ý của mình. Bố mẹ cần chú ý theo dõi các hành vi của con và kịp thời chỉ cho những điều chưa phù hợp, hướng dẫn con cách làm đúng. Ở giai đoạn này, trẻ rất tò mò về thế giới xung quanh và luôn muốn tìm hiểu tất cả. Bố mẹ không thể mong đợi một đứa trẻ trong độ tuổi này vâng lời răm rắp theo những yêu cầu của bố mẹ vì các phần của bộ não chịu trách nhiệm kiểm soát hành vi vẫn đang phát triển. Lúc này, nếu trẻ đi vào nơi không phù hợp hay làm điều gì chưa tốt, đó là lỗi của bố mẹ chứ không phải do bản thân đứa trẻ nên hình phạt cũng chưa có hiệu quả.
- Từ 2 tuổi đến 6 tuổi, bộ não của trẻ tiếp tục phát triển nhưng các thể chai (kết nối hai bán cầu) đã có thể cho phép con xử lý thông tin. Trẻ có thể nói nhiều hơn và hiểu được những điều bố mẹ giải thích. Tuy nhiên, để trẻ ghi nhớ được hoàn toàn thì vẫn đòi hỏi bố mẹ phải lặp đi lặp lại các quy định. Điều quan trọng lúc này là bố mẹ cần kiên nhẫn và sẵn sàng giải thích lại cho con những điều từng nói trước đó. Hãy nhớ rằng trẻ trong độ tuổi này có thể không hiểu được đầy đủ ý nghĩa của các từ ngữ nên bố mẹ cần nói những cầu đơn giản, gần gũi với trẻ.
Bố mẹ có thể áp dụng một vài hình phạt nhưng thay vì các hình phạt nghiêm khắc để khiến đứa trẻ ngoan ngoãn theo kỳ vọng của mình, bố mẹ nên khuyến khích con nói nhiều hơn, giúp con biết cách biểu đạt bằng ngôn ngữ những điều đang suy nghĩ, chẳng hạn như vì sao con buồn, tại sao con làm như vậy? Việc bố mẹ dành thời gian và tâm huyết lắng nghe con nói sẽ đem đến những cảm nhận tích cực cho trẻ. Phần não bộ quy định mặt tình cảm và kiểm soát xung động vẫn đang phát triển, cha mẹ không nên mong đợi sự hoàn hảo. Nếu con có cư xử bất hợp tác, hãy đưa con đến một nơi khác để bé bình tĩnh, cắt giảm cơn nóng giận.
Trẻ trong độ tuổi này đang cố gắng phát triển kỹ năng và sự phối hợp. Chúng thích làm những điều đã nhìn thấy ở người lớn xung quanh. Bố mẹ nên kiên nhẫn và chú ý hơn tới chính hành động của mình. Nếu có thể, hãy cho con tham gia vào cùng chuẩn bị bữa tối, đó là cách để thúc đẩy sự phát triển của trẻ, Hoạt động thể chất cũng có vai trò quan trọng cho trẻ.
- Khi trẻ 6-12 tuổi, sự phát triển thể chất chậm lại nhưng về mặt nhận thức lại khá tốt. Bố mẹ nên thường xuyên chia sẻ với trẻ lý do vì sao phải đặt ra từng nguyên tắc cho con. Hãy để vấn đề kỷ luật được "ngấm" vào não bộ của con một cách từ từ và xây dựng suy nghĩ con cần thực hiện chúng một cách tự giác. Có thể sẽ mất nhiều thời gian để bố mẹ thay đổi các hình phạt kém hiệu quả nên bố mẹ cần kiên định, kiên trì thực hiện. Đây là một giai đoạn phát triển lớn với trẻ nên nếu cần sự tư vấn chuyên nghiệp, bố mẹ đừng ngại ngần tham khảo.
- Từ 13-18 tuổi, trẻ đang ở trong độ tuổi phát triển về mặt thể chất và xã hội, sẽ có rất nhiều thay đổi xảy ra. Bố mẹ cần tiếp tục duy trì các quy tắc nhất quán với trẻ. Đôi khi, có thể để cho trẻ tự trải nghiệm và nhận hậu quả để phát triển tốt hơn. Kỹ năng giao tiếp lành mạnh sẽ rất quan trọng trong thời kỳ này nên một buổi nói chuyện nghiêm túc với con cũng có thể coi là "hình phạt" hiệu quả. Đây không phải lúc để chơi các trò chơi và thông qua tương tác hàng ngày, bố mẹ có thể truyền cho con nhiều bài học giúp ích cho tương lai sau này.
Song Giang