Mai Nhi và Linh Nhi, cặp du học sinh song sinh người Việt ở Nhật nổi tiếng xinh đẹp, học giỏi đang tất bật chuẩn bị khai trương cửa hàng mơ ước Little Hanoi ở thành phố Nagoya. Cửa hàng bán thực phẩm, gia vị nấu ăn, rau và đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cùng một số nước châu Á. Một ngày bận rộn của hai nàng thường bắt đầu lúc 7h30 và kết thúc vào rạng sáng hôm sau. Mỗi ngày, cặp song Nhi chỉ có vài tiếng để ngủ, thời gian còn lại là đến trường và lao vào công việc. Họ tranh thủ chợp mắt trên tàu điện ngầm lúc đi học.
Mai Nhi yểu điệu thích váy dịu dàng và để tóc dài. Nàng trầm và suy tư nhiều hơn cô em. Linh Nhi sôi nổi, yêu tóc ngắn và "có khi tức hay cáu xong lại quên luôn".
Chị em Mai Nhi và Linh Nhi lên đường du học Nhật năm 2012. Cả hai cùng là sinh viên năm hai của đại học Kinh tế Nagoya. Cô chị Mai Nhi học khoa kinh tế còn Linh Nhi thích quản trị kinh doanh. Vì học khoa khác nhau nên giảng viên ở trường không biết Mai Nhi có em gái song sinh. Nhiều khi giáo viên Linh Nhi gặp Mai Nhi ở sân trường lại nhầm người nọ với người kia.
Cặp song sinh khoe vẻ đẹp yêu kiều
Ngày còn ở Việt Nam, hai nàng học chuyên tiếng Nhật từ cấp hai, cấp ba ở trường THPT Chu Văn An. Mai Nhi tâm sự sang Nhật là cái duyên vì từ lớp 6 đến lớp 12, hai em không nghĩ sẽ tới đất nước của núi Phú Sĩ, mà sẽ sang xứ sở sương mù vì ông bà và các cô chú đều bên đó.
"Bố mẹ em nghĩ con gái nên đi Nhật vì sang đấy sẽ học được nhiều bài học đạo đức. Hơn nữa, Nhật cũng an toàn nên gia đình đỡ lo hơn. Nếu đi nước khác, chúng em sẽ quên tiếng Nhật, phí mất mấy năm học. Sang đây, hai chị em học thêm tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Đức", Mai Nhi cho hay.
Dù có sự chuẩn bị nhưng khi đặt chân tới đất nước mặt trời mọc, họ vẫn gặp những tình huống dở khóc, dở cười vì sốc ngôn ngữ. Mới sang một tháng, Mai Nhi và Linh Nhi bắt đầu đi làm thêm để có cơ hội nói chuyện với người bản địa. Chị em Nhi ở phòng ký túc xá rộng 24m2. Ký túc có nhiều sinh viên nước ngoài học tiếng Nhật nên họ dễ dàng thực hành.
Một lần đi làm ở cửa hàng, Mai Nhi hỏi khách có cần cho đồ vào túi không thì lại nhầm thành có vào bồn tắm không, vì từ túi (fukuro) và bồn tắm (ofuro) gần giống nhau. "Khách cười ầm lên bảo muốn tôi vào đây tắm hả? Lúc đấy em chỉ biết cười trừ rồi cắm mặt làm. Có lần, em cũng buột miệng nói chuyện với khách bằng tiếng Việt. Người ta hỏi lại 'nói gì đấy' mới nhớ ra đang dùng tiếng mẹ đẻ", Mai Nhi kể.
Linh Nhi cho biết bố mẹ ủng hộ việc đi làm thêm vì chỉ như vậy mới giỏi tiếng Nhật, đồng thời có nhiều mối quan hệ. Lúc đầu, cả hai làm ở cửa hàng tiện ích và nhận dịch thực đơn cho các quán ăn từ tiếng Nhật sang tiếng Anh. Mai Nhi còn đi dạy tiếng Anh cho người Nhật vào cuối tuần và làm thêm ở quán ăn. Cả hai đôi khi làm một lúc 4-5 việc.
"Chúng em đi làm vì vui và để có kinh nghiệm chứ không đặt nặng vấn đề tiền lương. Sống bên này một ngày không làm gì em thấy phí lắm. Ngày nào bận thì mong được nghỉ nhưng nghỉ rồi lại chán nên lúc nào e cũng thích làm gì đó", Linh Nhi nói.
Theo Linh Nhi, ở Nhật, ai cũng phải lên thời gian biểu trước cả tháng. Người Nhật không tôn trọng những ai mải chơi. Khi tiếp xúc, họ thích nói chuyện với những người có mục tiêu hoặc kế hoạch rõ ràng.
Trước đây ở Việt Nam, hai tiểu thư của một nhà may nổi tiếng chỉ việc đến trường rồi về nhà và đi chơi cùng bạn bè. Xa ba mẹ, hai nàng buộc phải tự sắp xếp cuộc sống. Có điều kiện nhưng ba mẹ song Nhi để mặc con xoay sở vì muốn hai nàng tự đứng trên đôi chân mình chứ không nâng đỡ. Chỉ khi có việc khó khăn, họ mới tư vấn.
Xa nhà, cả hai nói chuyện với ba mẹ và hai em ở nhà nhiều hơn. Hàng ngày, ba mẹ con nhắn tin hoặc gọi điện tâm sự chuyện tình cảm, học hành, công việc. Lúc Linh Nhi và chị gái mới đi du học, ngày nào ăn cơm mẹ cũng khóc nhớ con.
Mai Nhi chia sẻ ngày chuẩn bị đi, ba mẹ chở hai con đi mua đủ thứ đồ. Những ngày ấy dường như ba em ít nói hơn và cũng không hay cười. Có những đêm, Mai Nhi thấy ba không ngủ mà ngồi xem phim, hút thuốc một mình dưới phòng khách. Lúc đóng đồ đạc, ba không nói một câu. Sau này ông mới bảo "ba vừa đóng đồ cho con mà ứa nước mắt".
"Ngày con đi, trước khi vào phòng chờ, con nhìn quanh tìm ba nhưng không thấy. Mẹ nói ba đi ra chỗ khác vì không muốn con gái thấy mình yếu đuối. Lần đầu tiên con về nghỉ hè, ba ra sân bay đón. Câu đầu tiên ba nói là ' về rồi hả con'", Mai Nhi viết trên Facebook trong Ngày của cha.
Nhớ lúc bé bị bạn bắt nạt, cô nàng chạy về mách và mong ba ra "đánh đứa đấy một trận hay ít ra là chửi một bài".
"Ba không làm thế. Ba bảo con đúng một câu 'mình không bắt nạt ai thì không bao giờ được để người khác bắt nạt mình'. Từ ngày đấy đến giờ, chưa ai bắt nạt được con nữa.", Mai Nhi nhớ lại.
Chia sẻ về cửa hàng Little Hanoi, chị em song Nhi cho biết gia đình hỗ trợ một phần, phần còn lại hai em tiết kiệm từ lúc đi làm thêm. Ba mẹ đồng ý hỗ trợ sau khi Mai Nhi và Linh Nhi về Việt Nam thuyết phục. Theo chị em Nhi, cả hai trình bày ý tưởng, nêu định hướng, tiền vốn kinh doanh để ba mẹ đồng ý. Lúc đầu gia đình lo hai con mới 20 tuổi, chưa có kinh nghiệm, nhưng khi biết rõ kế hoạch cụ thể, họ yên tâm và tin tưởng.
"Ba mẹ em làm kinh doanh nên không cho phép mơ hồ. Họ cũng truyền cho chúng em kinh nghiệm và các vấn đề như thuế hay nhập khẩu, tư vấn việc sửa cửa hàng", Mai Nhi nói.
Khi chuyển ra ngoài thuê nhà, hai chị em hay nấu ăn hơn. Little Hanoi ra đời từ việc Mai Nhi và Linh Nhi hay nấu ăn ở nhà, nhiều khi thèm đồ Việt mà không phải ở đâu cũng có. Nhiều người Nhật yêu Việt Nam cũng hay hỏi mua cà phê hay phở ở đâu. Cửa hàng của hai chị em rộng 73 m2, cách ga ba phút đi bộ và trung tâm Nagoya 10 phút đi xe đạp. Tiền thuê địa điểm chỉ khoảng 30 triệu một tháng nhưng tháng đầu chị em Mai Nhi được miễn phí vì chủ nhà thích người Việt Nam.
Mai Nhi chịu trách nhiệm quảng cáo và giấy tờ, còn cô em làm kế toán cửa hàng. Mọi công việc chuẩn bị đều do Mai Nhi và Linh Nhi cùng hai người bạn Nhật làm.
"Bây giờ em mới biết đóng tủ, dán sàn nhà thế nào. Tự làm cũng có cái vui và đúng ý mình", Linh Nhi chia sẻ.
Hiện tại, hai cô nàng cũng bán hàng qua mạng. Sau ba năm du học, hai chị em học được cách làm việc kỷ luật, tính cách và cách đối xử, suy nghĩ cho người xung quanh của người Nhật. Cả hai cảm thấy độc lập, có thể tự lo cuộc sống và tự tin hơn hồi còn ở nhà. Hai năm nữa mới tốt nghiệp nhưng cô chị dự định ở lại Nhật để phát triển cửa hàng, trong khi cô em muốn về nhà giúp bố mẹ và tìm cơ hội công việc.
Bình Minh
Ảnh: Nhân vật cung cấp