- Tình hình sức khỏe của ba chị hiện nay ra sao?
- Ba tôi phát hiện bị ung thư phổi cách đây ba năm. Hiện tại, sức khỏe của ba cũng tạm ổn và đã ngưng hóa trị. Bây giờ, ba tôi chỉ phải dùng thuốc giảm đau và uống thuốc bổ. Ông đi lại, sinh hoạt bình thường và đi chơi được với con cái là tôi vui rồi.
- Chị từng chia sẻ, hai ba con cùng trải qua giai đoạn khủng hoảng nhất khi biết tin về bệnh tình. Thời điểm khó khăn đó đến với chị như thế nào?
- Thời điểm lúc biết ba bị bệnh thực sự khủng khiếp với tôi. Lúc đó, tôi mới ngoài hai mươi tuổi. Bệnh của ba làm thay đổi tôi rất nhiều. Trước đây, tôi cũng thương gia đình nhưng không tới mức bất chấp tất cả mọi thứ về sức khỏe lẫn cuộc sống của bản thân. Còn giờ, tôi đặt người thân lên hàng đầu.
Tôi không hình dung được ung thư là thế nào, chỉ biết bác sĩ nói ba có khối u trong phổi. Sau khi về nhà rồi bình tĩnh lại, tôi mới tìm hiểu trên mạng và biết ung thư phổi là nặng nhất trong các loại ung thư. Bệnh nhân khó qua được ba năm. Tôi sốc và suy sụp tinh thần. Tôi ở trong phòng, không ngủ được và sút 6 kg. Tôi không dám khóc trước mặt ba và cũng không biết phải làm sao. Thực sự lúc đó tôi không đủ bình tĩnh và chín chắn để giải quyết vấn đề. Tôi không biết làm gì, chỉ ngồi khóc trong phòng.
Khoảng 6 ngày sau, tôi không khóc nổi nữa. Tôi thấy phải tìm cách chứ không thể như vậy được. Tôi và ba bắt đầu đi bệnh viện đầu tiên về ung bướu. Lần ấy, tôi đã rất sợ sau khi nghe bác sĩ nói cho ba nhập viện, mổ ra nếu chưa di căn sẽ cắt khối u, nếu di căn rồi thì đóng lại đem về. Nghe xong, cả bầu trời trước mặt tôi tối đen lại. Tôi đưa ba về và không bao giờ quay lại bệnh viện này nữa.
Tôi không biết hỏi ai nên suốt ngày cầm điện thoại tìm hiểu trên mạng. Tôi bắt đầu học để biết bệnh giai đoạn nào, làm xét nghiệm gì, công thức ký hiệu ra sao. Tôi thuộc lòng tất cả mọi thứ trong vòng một ngày. Khối u của ba chưa di căn và chỉ nằm trong phổi. Ba tôi bị cắt một lá phổi và chỉ còn một. Tổng cộng, tôi đi bốn bệnh viện ở TP HCM.
- Chị gặp khó khăn gì về tài chính trong quá trình chạy chữa cho ba?
- Theo tìm hiểu, tôi biết có loại thuốc mới phát minh cho bệnh nhân ung thư phổi và yêu cầu bệnh viện quốc tế nhập loại thuốc mới này từ Mỹ. Loại thuốc đó 80 triệu đồng/lọ. Bác sĩ nói có thuốc này nhưng không sẵn vì quá đắt. Bệnh nhân đồng ý với giá tiền ấy, bệnh viện sẽ nhập về. Và tôi đồng ý.
Tôi phải đi mượn tiền bạn bè và bán những thứ có thể bán được. Bệnh nhân được điều trị thuốc ở giai đoạn đầu thì khả năng vượt qua ba năm rất cao. Tôi quyết định giá nào cũng phải giành giật và không thể để mất cơ hội. Tôi cùng ba chiến đấu suốt năm đầu tiên khủng hoảng và tốn rất nhiều tiền, khoảng 600-700 triệu đồng. Một lần dùng thuốc là 80 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Sau đó, ba tôi khỏe lại. Bây giờ, tôi đi đâu cũng gặp bác sĩ quen.
Thời điểm ba bệnh, tôi dồn tiền chữa trị cho ba và không mua gì cho bản thân. Một năm trở lại đây, ba đỡ nhiều, không phải hóa trị nữa nên tôi cũng trả góp một chiếc xe để có phương tiện đi lại, phục vụ công việc.
- Chị trở thành chỗ dựa tinh thần cho ba ra sao để ông yên tâm điều trị?
- Tôi theo sát ba để cổ vũ tinh thần nên ông cũng có thêm động lực chiến đấu. Hai ba con thời điểm này rất tự hào về cả quá trình đã đi qua. Tôi mừng vì giờ ba rất ổn.
Với bệnh nhân ung thư, ngoài điều trị theo phác đồ y học, yếu tố tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi. Suốt khoảng thời gian đó, tôi phải tập thói quen, trước khi đi ngủ và đi làm, hôn lên trán ba một cái. Mấy năm nay, tôi đều làm vậy để ông thấy trong cuộc sống này còn có tôi rất yêu thương ba, để ba chiến đấu vì tôi. Ba mẹ không ở với nhau nữa nên tôi là niềm hy vọng cuối cùng của ông. Tôi quan tâm ba hơn. Bây giờ, mỗi ngày đi làm về, tôi dành khoảng 30-45 phút để tâm sự với ba.
Ba là người bản lĩnh, còn tôi rất tỉnh táo nắm tay ông đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Về nhà ngồi bàn về hướng điều trị, tôi cũng bình tĩnh nhưng khi bước vào phòng, đóng cửa lại, tôi khóc không ngừng. Tôi không muốn ba biết mình buồn và phải gồng lên thế nào. Tuy nhiên, tôi nghĩ ba biết vì ông hiểu tính con gái.
Trước khi mổ, tôi nói một câu với ba: "Ba có tin con không?". Thấy ông không nói gì, tôi tiếp tục: "Ba cứ yên tâm giao mạng sống của mình cho con. Mọi chuyện để con lo, ba chỉ việc nằm đó". Khi bệnh nhân nhìn thấy người nhà mạnh mẽ, họ sẽ yên tâm. Nếu người thân hoang mạng, tinh thần họ sẽ tụt dốc không phanh và đi rất nhanh. Thời điểm ấy tôi đã làm được điều là tạo niềm tin cho ba.
- Với chị, ba là người quan trọng như thế nào?
- Ba quan trọng nhất cuộc đời tôi. Từ lúc biết sắp mất ba, tôi không sợ hãi mà chiến đấu. Sau khi chiến đấu rồi, tôi trân trọng toàn bộ khoảng thời gian bên ba. Vừa rồi, sau khi phim đóng máy, tôi đưa ba du lịch ra Hà Nội và lên Sapa. Dù mệt nhưng ông vẫn cố gắng để hai ba con đi chơi, có kỷ niệm với nhau.
Có lần, ba tôi sốt cao, ho tới nỗi tắc thở phải dùng điện kích tim cho đập lại. Tôi không biết gì hết vì đang ở phim trường. Chú tôi trong bệnh viện cũng không dám gọi cho tôi vì cấp bách quá. Cấp cứu 15 phút, ba tôi mới tỉnh lại. Ba cũng cũng giấu đến khi xuất viện về nhà mới kể. Tôi nghe xong rồi khóc quá trời. Tôi giận chú lắm vì dù thế nào cũng phải gọi cho tôi. Từ đó về sau, ai làm sai ý là tôi từ mặt luôn. Tôi sợ lắm. Ba có mệt thì dù tôi đang ở bất cứ nơi nào cũng phải gọi cho tôi.
Tôi có một chị gái và một em trai. Chị gái đã có gia đình riêng, còn em trai đang học lớp 8. Lúc chị tôi sinh ra, ba thích có thêm một đứa con trai để nối dõi tông đường. Khi mẹ siêu âm tôi là con gái, ba đã không vui. Lúc mẹ sinh tôi, ba bận công việc cũng không có mặt. Bây giờ, tôi hay trêu: "Ngày xưa, con sinh ra không có mặt ba. Bây giờ, ba được nhờ đứa con gái này đó nha (cười)". Ba tôi cười rồi nói: "Kể cũng lạ, thương con gái cả và giờ thương con trai út nhưng cuối cùng đứa ở giữa lo cho gia đình nhiều nhất".
Hồi trước, ba không ủng hộ tôi làm diễn viên mà muốn con gái làm công ăn lương để có thời gian chăm sóc gia đình giống chị cả. Ba không thích con bôn ba và sợ tôi mệt mỏi. Khi va chạm ngoài đời, tôi thấy có nhiều phức tạp nhưng bù lại, tôi học được nhiều điều từ cách cư xử, cách nhìn người.
- Từ khi ba bị bệnh, chị trở thành trụ cột kinh tế của gia đình khi vừa lo tiền chữa bệnh cho ba, tiền học cho em trai và tiền sinh hoạt cho cả gia đình.
- Đúng vậy. Tự nhiên lúc ba bệnh, ý thức của tôi về cuộc sống cao khủng khiếp. Tôi cảm thấy mình phải mạnh mẽ để đứng vững. Ba bệnh, còn tôi vẫn phải đi làm. Tôi phải giữ một cái đầu tập trung vì nếu đóng bộ phim bị khán giả chê, đạo diễn không hài lòng thì sẽ không được mời phim sau nữa. Nếu vậy thì tiền ở đâu? Thế nên tinh thần trách nhiệm với công việc của tôi thời điểm đó phải nói cực cao.
Nhờ bước ngoặt ba năm, tôi có được một số ghi nhận trong nghề. Đến ngày hôm nay, tôi đã có một chỗ đứng nhất định với mảng phim truyền hình. Công việc tương đối ổn định giúp tôi có thu nhập lo cho gia đình. Tôi làm việc bằng tất cả trách nhiệm, chứ không làm với suy nghĩ để nổi tiếng. Hiện tại, tôi vừa hoàn thành ba phim. Một ngày, tôi phải chạy hai đoàn. Tôi cũng quen rồi và không biết sao lại chạy nổi (cười).
- Trong hoàn cảnh khó khăn, ba bệnh lại không có tiền, tại sao chị không dựa vào một ai đó để họ san sẻ nỗi vất vả này?
- Thực ra thời gian đó tôi có bạn trai. Anh ấy sát cánh với tôi và giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, tôi và ba rất rõ ràng, khoản nào mượn thì sẽ trả. Sau này, tôi có trả nhưng người ấy không lấy. Chúng tôi ở bên nhau hai năm rưỡi rồi chia tay. Tôi không muốn nhắc nhiều tới chuyện tình cảm vì sợ người mới buồn. Bạn trai hiện tại của tôi là người Bắc và rất tốt tính.
Bây giờ, công việc của tôi tốt hơn trước nên thu nhập cũng khá, chứ thời điểm đó mấy trăm triệu đồng với tôi lớn khủng khiếp. Tôi chọn đường đi hơi vất vả nhưng đổi lại, tôi có nền tảng vững chắc. Tôi tuyệt đối tránh xa scandal cặp kè để có tiền. Tôi muốn được tôn trọng và có lòng tự trọng cao. Muốn vậy, tôi phải nỗ lực làm việc để có chỗ đứng. Tôi không thuộc tuýp người ở nhà để người khác lo cho mình. Tôi muốn mình phải làm ra tiền và lo cho gia đình bằng tiền của mình. Tôi không muốn gia đình mình bị đặt vào tiền của bất kỳ ai. Bạn trai có tặng quà và mua đồ hiệu cho tôi. Đó là những thứ tôi không bao giờ bỏ tiền ra mua.
- Chị nhắc nhiều đến ba nhưng ít khi chia sẻ về mẹ?
- Ba mẹ tôi chia tay lâu rồi, khoảng 10 năm. Hiện tại, tôi đón cả ba mẹ và em trai lên ở cùng trong căn chung cư mua được. Dù không còn là vợ chồng, ba mẹ tôi vẫn sống chung dưới một mái nhà với các con và xem nhau như bạn bè. Mẹ nấu cơm, ba ở nhà vẫn ăn cùng. Cuối tuần, cả nhà đi ăn bình thường thường cùng nhau khiến ai nhìn vào cũng thấy hạnh phúc (cười).
Tôi là người kết nối ba mẹ, phần vì nghĩ giấy đăng ký kết hôn bây giờ cũng không quan trọng bằng ở chung một nhà, phần vì muốn tốt cho em trai. Tôi không muốn em lớn lên mà thiếu ba hoặc mẹ. Tôi đang phấn đấu để chuyển sang một căn nhà khác to hơn, có vườn để ba mẹ trồng cây, trước khi quá muộn.
- Còn cậu em út kém chị nhiều tuổi thì sao?
- Tôi và em út cách nhau hơn chục tuổi nên tôi rất thương nó. Nhiều lúc, tôi xem cậu út như con mình (cười). Ba mẹ tôi lớn tuổi mới sinh thêm nên cậu út hơi khờ và hiền lắm luôn. Tôi khuyên em ráng học tiếng Anh để sau này còn du học. Tôi đã hứa trước mặt ba sẽ cho em trai ra nước ngoài học. Vì lời hứa này, tôi càng phải tiết kiệm hơn.
Cậu út hay bị bạn bè ăn hiếp. Thấy em bị cào cấu, tôi cũng muốn xông đến trường kiếm chuyện nhưng bình tĩnh lại, tôi tới gặp cô chủ nhiệm. Tôi nhiều khi cũng con nít lắm (cười). Tôi và em trai cũng nói chuyện nhiều với nhau. Cậu ấy rất thương chị.