Khu rừng bị chặt phá tan hoang |
Quảng Hợp là xã miền núi phía tây bắc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, có 9.000 ha rừng tự nhiên, trong đó 2.000 ha là rừng phòng hộ đầu nguồn Vực Tròn. Kinh phí bảo vệ 2.000 ha rừng phòng hộ (chủ yếu là cây dẻ có độ che phủ cao) này mỗi năm lên đến 60 triệu đồng. UBND xã Quảng Hợp đã thành lập một tổ bảo vệ rừng gồm 17 người với phụ cấp 200.000 đồng người/tháng. Thế nhưng, rừng dẻ vẫn bị phá tan hoang không phải do ai khác mà từ cán bộ xã.
Lấy lý do cấp đất cho các hộ để "phủ xanh đất trống đồi núi trọc", từ năm 2002 đến 2004, chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Phạm Văn Hiền đã ký 21 quyết định cấp tổng cộng 485.000 m2 rừng phòng hộ cho các hộ dân để... trồng rừng. Trong đó hộ thấp nhất 10.000 m2 và cao nhất 50.000 m2. Người được chủ tịch UBND xã ưu ái cấp nhiều nhất lại chính là... bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã đương nhiệm Nguyễn Văn Tuyên. Chiều 29/9, ông Hiền giải thích với Thanh Niên việc UBND xã "cấp rừng cho dân... phá để trồng cây phân tán" là theo nghị quyết của HĐND xã.
Bắt đầu từ giữa tháng 8/2004, tranh thủ trời nắng ráo, các hộ được cấp đất đã vào rừng chặt hạ dẻ để kịp mùa mưa trồng bạch đàn và keo. Người hăng hái nhất trong việc này lại chính là Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Hương. Khoảnh rừng ông chặt hạ khoảng 2.100 m2 nhưng có lợi thế gần đường, đất tốt và dẻ mọc dày hơn các nơi khác. Theo chân cán bộ xã, 67 hộ ở thôn Bưởi Rỏi tràn vào, triệt hạ tan hoang khu rừng phòng hộ này.
Cho đến ngày 16/9, khi kiểm lâm phát hiện ra việc này thì đã có 31 ha rừng dẻ bị triệt hạ. Tại hiện trường, nhiều cây dẻ đường kính từ 10 đến 30 cm đã khô cong. Theo bí thư huyện ủy Quảng Trạch Hoàng Đăng Quang, thường trực huyện ủy thống nhất tạm đình chỉ công tác đối với bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND và phó chủ tịch HĐND xã (hai vị này là anh em ruột).