Lựu giàu chất chống oxy hóa, nhiều vitamin A, C, E và khoáng chất khác, nhưng không ít người ngại ăn vì khó tách hạt. Sau lớp vỏ dày, cứng là hàng trăm hạt lựu mọng nước ken đặc nên dùng dao bổ đôi sẽ khiến nhiều hạt bị vỡ, còn tách hạt bằng tay lại mất thẩm mĩ. Hãy chuẩn bị con dao gọt trái cây, một cái vá (muôi) để tách hạt nhanh - gọn - đẹp.
Cách tách này được nhiều người bán lựu ép ở Thái Lan và nông dân Trung Quốc áp dụng. Lựu rửa sạch, cắt núm, rồi xẻ vài đường nông dọc theo thân quả, để ý vị trí từng múi, đồng thời không cắt quá sâu tránh làm vỡ hạt lựu. Dùng tay lấy phần cùi và lớp màng màu trắng ra rồi tách dần. Cuối cùng, bạn sử dụng một cái muôi (hoặc chày) gõ nhẹ bên ngoài vỏ, hạt lựu nhanh chóng rơi xuống.
Lựu có giá trị dinh dưỡng cao. Kể cả phần hạt màu trắng, cứng bên trong, vị hơi chát cũng cung cấp một ít chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, hai loại chất xơ chính trong hạt lựu là cellulose và lignin, đều không hòa tan và hầu như không thay đổi khi đi qua hệ tiêu hóa. Chính vì thế, ăn quá nhiều hạt lựu màu trắng, cứng có thể gây tắc nghẽn đường ruột. Trẻ em nên nhằn hạt khi ăn, còn người lớn cần nhai kỹ. Muốn tận dụng hết chất dinh dưỡng trong quả lựu, cách tốt nhất là bạn làm nước ép uống với đá hoặc ăn kèm sữa chua.
Diệp Tử