Thứ ba, 27/6/2023, 00:02 (GMT+7)

Các con chụp ảnh cưới cho bố mẹ tái hiện thời bao cấp

Thương bố mẹ không có ảnh cưới, các con chuẩn bị đạo cụ, phông nền để chụp hình, giúp song thân 'sống lại thanh xuân' sau 50 năm kết hôn.

"Hồi xưa ba mẹ nghèo, làm gì có ảnh cưới, chỉ có tấm ảnh mặc áo sơ mi quần tây lúc đăng ký kết hôn". Đây là câu mẹ từng nói với Hoàng Oanh (42 tuổi, Tân Bình, TP HCM) khi nhớ về kỷ niệm xưa. Thương ba mẹ chịu nhiều thiệt thòi, cô liền bàn với chị gái và chồng chụp bộ ảnh cưới cho bố mẹ vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới (1/5/1973 - 1/5/2023) của ông bà.

Để giúp ba mẹ có bộ ảnh "sống lại thanh xuân", Hoàng Oanh đã nghiên cứu kỹ lưỡng những tấm ảnh cưới thời xưa, chuẩn bị đạo cụ, áo cưới, phông nền, bánh kem, phòng tân hôn...

Hoàng Oanh cho hay chụp ảnh tái hiện không giống như các thể loại nhiếp ảnh khác mà giống như đang kể một câu chuyện. "Cách ba mẹ diễn, trang phục, cách trang điểm và bối cảnh phải kết hợp với nhau để kể một câu chuyện thời xưa", chị nói. Oanh cùng chồng, chị gái đã mang tất cả đạo cụ từ TP HCM về Nha Trang - nơi ba mẹ sinh sống để tạo sự bất ngờ.

Bộ ảnh được chồng Hoàng Oanh bấm máy trong hai ngày hồi cuối tháng 4, theo đúng phong cách thời bao cấp, có cảnh trong nhà lẫn ngoại cảnh. Việc chọn bối cảnh khá dễ dàng vì ba mẹ chị vẫn giữ được căn nhà cổ, xung quanh còn nhiều nhà xưa cũ của hàng xóm. Bản thân Hoàng Oanh làm đồ họa quảng cáo, còn chồng cô làm in ấn, nhiếp ảnh nên việc chụp hình thêm thuận lợi.

"Điều khó khăn duy nhất là sức khoẻ của ba mẹ hạn chế. Ba bị tai biến, mẹ bị bệnh về khớp nên chúng tôi phải chụp sao cho thật nhanh, hạn chế đi xa để ông bà không mệt. Tuy bộ ảnh không đạt mức hoàn hảo nhất, tôi hy vọng ba mẹ sống bên nhau lâu nhất, nương tựa nhau và cùng bước đến kỷ niệm đám cưới kim cương cùng con cháu", chị nói.

Khi nhìn bộ ảnh cưới mà các con chụp cho, b​​a mẹ Hoàng Oanh bày tỏ sự vui thích, như được sống trong cảm xúc xưa cũ. Hoàng Oanh cho biết thêm ba chị tên Ngô Toàn (85 tuổi), mẹ chị tên Trương Thị Đàn (75 tuổi). Ba chị là người Nha Trang, từng là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, còn mẹ là người Hà Nam. Ba mẹ chị từng gặp nhau vì làm cùng ngành xây dựng, sau đó kết hôn tại Hà Nội và về Nha Trang sinh sống đến giờ.

Dù đám cưới thời xưa diễn ra không đủ đầy, ba mẹ Hoàng Oanh chưa từng nghĩ mình thiệt thòi. Họ nói với các con gái: "Đám cưới diễn ra như thế nào không quan trọng. Điều cốt yếu là hai người về ở với nhau thế nào? Một gia đình bình yên là mọi thành viên trong đó phải hiểu nhau, nghĩ đến nhau, và thay đổi theo hướng tốt lên vì nhau".

Ông Toàn, bà Đàn nhìn nhận hôn nhân sẽ có lúc này lúc kia, chỉ cần đôi bên hiểu nhau, nghĩ cho nửa kia, vì nhau thay đổi tốt lên mới bền chặt. Họ tiếp tục: "Bất đồng hôn nhân ai cũng có, những chuyện nhỏ nên bỏ qua. Chuyện quan trọng là không đụng đến giới hạn đã quy định lúc đầu, khi chuẩn bị làm gì sai phải nghĩ đến những thành viên trong gia đình".

Ba mẹ Hoàng Oanh cho biết họ tâm đắc với cuộc hôn nhân này ở sự lâu dài và vui vẻ. Họ cho rằng, từ "yêu" diễn ra lúc ban đầu. Khi sống với nhau lâu dài có tình, vậy mới gọi là "tình yêu". Khi các con lớn, ông bà cũng cho hai chị em Hoàng Oanh được thoải mái lựa chọn hôn nhân. Họ đưa ra lời khuyên, ý kiến nhưng lưu ý quyền quyết định vẫn nằm trong tay các con.

Sau buổi chụp, vợ chồng Hoàng Oanh và chị gái tổ chức thêm tiệc thân mật ở nhà hàng cho ba mẹ, có sự tham gia của các cô chú, bạn bè hưu trí, hàng xóm, họ hàng và con cháu.

Hằng Trần
Ảnh: Nguyễn Vũ Phước

Đánh giá phiên bản mới