![]() |
Ảnh: Pháp Luật TP HCM |
Pháp đình năm 2008 có lắm chuyện bi hài khi vành móng ngựa bị biến thành sân khấu bất đắc dĩ cho những chiêu quậy tưng bừng của các bị cáo.
TAND TP HCM xử bị cáo Phan Thị Yên Phương về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức. Khi yêu cầu thay đổi hội đồng xét xử bị từ chối thì nữ bị cáo này bỗng câm tịt.
Toà thẩm tra lý lịch: không nói, không nhìn, mặt nghiêm như đang chào cờ. Toà xét hỏi, “em” lại lim dim mắt rồi nhìn bâng quơ. Hai cảnh sát tư pháp ngồi bên liên miệng thúc “Nói đi”, đáp lại, Phương chỉ… đảo mắt liếc một cái rồi lại hướng lên phía chủ toạ mà… thiền như đang học yoga. Đến lượt luật sư của Phương khuyên nhủ nhưng cũng chẳng hề hấn gì.
Tòa đành dành trọn hai buổi xử để công bố nguyên văn các lời khai trong hồ sơ công an. Thế rồi đến phần nói lời cuối cùng thì bất ngờ Phương buột miệng nói nhưng chỉ vỏn vẹn ba từ: “Tôi bị oan”.
Từ trại tạm giam, Phương kháng cáo nhưng trong phiên xử phúc thẩm sau đó TAND tối cao đã y án 30 năm tù trong đó có tình tiết Phương bị “mất điểm” là không hợp tác với toà.
Còn tại Đà Nẵng, bị cáo Võ Hải cũng "diễn" màn kịch điếc. Tháng 10/2008, Hải bị xét xử về hành vi vi phạm quy định giao thông gây tai nạn. Tại TAND quận Ngũ Hành Sơn, Hải chỉ nói một câu duy nhất: “Con không nghe toà nói gì cả”.
Rồi từ đó về sau, ai hỏi gì Hải cũng ngây ngây, nghe ngóng. Chỉ một lần bị cáo này nói nhiều nhất là để chối tội: “Con không có tội, con chỉ đi hết phần đường phía bên con chứ không tông ai hết…”.
Khi TAND Đà Nẵng xử phúc thẩm, Hải vẫn một mực: “Không nghe, không biết”. Toà hoãn xử yêu cầu giám định sức khỏe và kết quả là tai bình thường. Nhưng khi mở lại phiên toà, Hải vẫn lắc đầu quầy quậy. Toà chủ động nói to, đồng thời yêu cầu mở lớn loa trong phòng nhưng bị cáo vẫn không suy chuyển.
Đến lượt luật sư hiến kế: “Tòa hỏi câu gì tôi sẽ viết ra tấm bảng rồi đưa cho bị cáo đọc và trả lời”. Toà thuận tình làm theo nhưng ngặt nỗi trình độ hạn chế nên Hải đọc chữ được chữ mất. Cù cưa như vậy nửa ngày trời… phải vất vả lắm phiên xử phúc thẩm này mới có thể kết thúc, tuyên y án một năm tù với Hải.
Quái chiêu hơn 2 bị cáo trên là Nguyễn Lâm Thái. Xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Đồng Nai, Thái xuất hiện với mái tóc bóng lộn, áo sơ mi trắng toát, cặp mắt kính lim dim, miệng lầm rầm khấn vái, hai tay chắp trước ngực. Nhà báo chụp ảnh, quay phim Thái giơ luôn bàn tay có ngón chỉ, ngón gập lên như một biểu tượng mà có khi chính Thái cũng chả hiểu. Rồi “nghệ sĩ” bắt đầu xưng em với toà, trả lời bằng giọng nói hùng hồn pha lẫn trầm bổng.
Phản đối cách tính thiệt hại của cơ quan điều tra, Thái nói: “Phải trừ những chi phí đau khổ cho em chứ”. Thái chọc ghẹo cả công an: “Em cũng yêu các anh cơ quan điều tra lắm nhưng các anh làm sai thì em phải nói thôi”.
Thái luôn vẫy tay đòi chụp ảnh, khi ôm hôn vợ con, khi trầm tư ngồi đọc báo… Đi vệ sinh, Thái còn bông đùa: “Anh cảnh sát ơi, dắt mình đi chầm chậm một chút để các nhà báo chụp ảnh cho nét, đăng báo cho đẹp”. Lúc tranh luận căng nhất, bị lép vế, Thái kêu đau đầu, đòi xuống phòng y tế đo huyết áp…
Thái triết lý: “Tuổi trẻ em cũng đọc "Thép đã tôi thế đấy", cũng muốn sống một cuộc đời cho đáng, đừng để sống hoài sống phí nên thực sự em đã bị oan toà ơi…”. Thái còn đổ lỗi: “Điều tra viên thuê bạn tù 200.000 đồng đánh em”. Toà hỏi căn cứ, Thái nói: “Em thấy tháng đó bạn ấy có đến 600.000 đồng trong khi những tháng trước người nhà chỉ gửi 400.000 đồng”.
Để được tranh luận thêm, Thái quỳ xuống giữa phòng xử TAND tối cao tại TP HCM, khiến toà phải nhượng bộ. Trên xe về trại giam còn cố thò cổ qua khe cửa nói với vợ: "Khi vào thăm nhớ mang theo một triệu rưỡi xài cho đỡ… buồn".
Trong khi Nguyễn Lâm Thái từng dọa sẽ tử tự thì Nguyễn Bảo Tuấn “làm thật". Ngày 5/9/2008, trong lúc bị áp giải từ nhà tạm giam đến TAND quận 5 (TP HCM), Tuấn đã một mực không đi, không mặc quần áo, la hét chống cự vì cho rằng mình không phạm tội cướp giật.
Tuấn dùng miếng chai nhỏ tự cứa cổ mình toạc máu để tự sát nhưng được ngăn cản kịp thời. Khi vừa tới phòng xử án, bị cáo này gồng người, đỏ mặt, mắt long sòng sọc, không chịu mặc áo, không chịu ngồi yên và luôn miệng chửi mắng cảnh sát.
Mỗi đợt đều có năm chiến sĩ cảnh sát mồ hôi nhễ nhại thay nhau kìm giữ nhưng không có kết quả. “Màn diễn” đạt đến cao trào khi Tuấn cắn vào tay các cảnh sát. Càng lúc Tuấn càng quậy dữ dội hơn, vừa chống cự la hét Tuấn vừa chửi thề.
Xuống tới phòng cách ly nghe xử thì Tuấn chơi trò ăn vạ, nằm im như chết. Đến lúc toà tuyên phạt bốn năm tù, cảnh sát cũng phải xúm lại khiêng Tuấn lên xe về trại giam. Có lẽ lúc này “diễn viên” cũng đã khá mệt mỏi sau một ngày “lao động” cật lực.
(Theo Pháp Luật TP HCM)