Mới đây, trên cá nhân, nhà văn Trang Hạ chia sẻ bài viết: "Tại sao mẹ Việt nuôi con bằng 'tai và mắt' thay vì bằng não", gây tranh cãi trong cộng đồng.
Nữ nhà văn cho rằng ngày nay các mẹ thường có tâm lý "hễ cái gì cho con, cho gia đình mình là phải tốt nhất, ngon nhất". Chính vì thế các mẹ thường chọn những thực phẩm gán mắc "siêu sạch" mà không quan tâm thực tế có ai chứng nhận sản phẩm đó là sạch hay không?
Trang Hạ cũng cho rằng các mẹ nên tìm hiểu chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của các loại thực phẩm chứ đừng để "đến lúc con đau bụng hay ốm mới kêu gào chất lượng, truy xuất nguồn gốc...", hay "biến gia đình thành phòng thí nghiệm" và "con cái thành những chú chuột bạch"...
Bài viết của nhà văn Trang Hạ trên Fanpage cá nhân. |
Nhà văn Trang Hạ chia sẻ:
"Sau hàng loạt các trào lưu các mẹ kêu gào về việc nuôi con thông thái, nuôi con kiểu Nhật, kiểu Tây… nhưng cuối cùng mẹ Việt nhà mình vẫn thích nuôi con bằng tai bằng mắt thay vì bằng não thì phải? Khổ cái mẹ nào cũng biết nuôi con phải là chăm về dinh dưỡng thế này, phát triển cho con thế kia nhưng cứ hễ mắt thấy thấy nó đẹp, bóng bẩy, tươi tắn, tai nghe người nọ rỉ tai cái gì tốt là rước cái đó bằng được về cho con mình.
Tâm lý của các mẹ hễ cái gì cho con cho gia đình mình là phải tốt nhất ngon nhất, thế nên hàng loạt các loại thực phẩm “siêu sạch” ra đời như rau siêu sạch, trứng siêu sạch, thịt siêu sạch… nhưng ai chứng nhận cho các mẹ là thực phẩm đó thực siêu sạch? Mà cũng chẳng hiểu quan niệm siêu sạch của các mẹ ra sao, toàn làm chuyện “ngược đời”. Rau non, to xanh mơn mởn thì bảo phun thuốc sâu thuốc tăng trưởng, rau héo hơn, cằn một tý thì cho là rau sạch. Trứng gà lỡ to và sạch thì gà nuôi công nghiệp gà Trung quốc, trứng có dính tý bẩn hay tý trấu thì trứng gà nhà nuôi… nhưng nào có biết, người bán họ cũng theo như cầu các mẹ mà biến hóa. Chả có cơ quan nào chứng cho các mẹ đấy là rau sạch, thịt sạch cả. Chỉ tội những người nuôi trồng chính đáng, bán mãi chẳng được mớ rau con gà chỉ vì chỉ thói quen tiêu dùng thường thấy hiện nay: Không truy xuất thông tin.
Rồi chẳng biết vì lý do gì, các mẹ rộ lên phong trào sữa tươi uống thay nước sẽ giúp con tăng chiều cao, nhà nhà mua sữa tươi mà chẳng biết đó là sữa bột hoàn nguyên. Kêu gọi uống sữa địa phương vùng miền từ trang trại, mà chẳng biết nguồn gốc con bò sữa nó khỏe hay yếu, được nuôi thế nào, cứ nghe sữa nông trại nhà nuôi là tốt. Đến lúc con đau bụng hay ốm mới kêu gào chất lượng, truy xuất nguồn gốc đàn bò hay quy trình thu hoạch… Nhưng hỡi ôi đến lúc đấy có khi con bò ấy cũng đã bị thịt và chuyển sang mặt hàng khác. Mặt khác, người tiêu dùng Việt thường không có cợ hội được truy xuất chính xác nguồn gốc thông tin sản phẩm vì những lợi ích của nhà sản xuất và bán buôn.
Chưa kể đến hàng loạt các nhãn hàng luôn làm náo loạn thông tin cho các mẹ với các chứng nhận này chứng nhận kia, nghiên cứu này nghiên cứu kia mà nói thật chẳng có mẹ nào có khả năng tìm hiểu được nguồn gốc của thông tin đến từ đâu hoặc khi tìm được thì cũng không giải quyết được cái sự đã rồi. Chẳng ai nói cho mấy mẹ biết thức ăn thực phẩm, đồ uống món dinh dưỡng… của họ bán là từ đâu ra, được sản xuất thế nào, tốt xấu hay ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Mẹ đừng biến gia đình mình thành phòng thí nghiệm và con là những chú chuột bạch. Thay vào đó hãy truy xuất nguồn gốc thông tin tận gốc trước khi mang nó về cho con mình".
Rất nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh quan điểm của nhà văn Trang Hạ. |
Ngay sau khi bài viết đăng tải, đã có hàng trăm bình luận từ phía người đọc, nhất là các mẹ đang chăm con cái. Nhiều ý kiến cho rằng nữ nhà văn phản ứng mạnh và có phần gay gắt. Nickname Dinh Nguyen nêu ý kiến: "Nói truy xuất nguồn gốc mà dễ à? nói thì dễ làm đâu có dễ? Nguồn gốc ở đâu ra? Ai quản lý dữ liệu đó để mà truy xuất? Lấy cái gì mà truy xuất? Lên mạng đọc à? Xin lỗi nhé lên mạng đọc thì nó là hàng xịn, hàng hãng nhưng ra mua thì nó là fake, mà fake thì ai quản lý? Chả bà mẹ nào muốn con thành chuột bạch đâu".
Chị Nguyễn Thúy Nga chia sẻ: "Ai bảo hùa theo đám đông là sai? Việc này không có ai kiểm chứng cả. Về cơ bản có nhiều lợi ích, nhiều cái hay thì mấy mẹ mới lan truyền cho nhau. Không có điều kiện để kiểm tra thì có nguồn nào đáng tin mình nghe theo nguồn đó thôi. Ví dụ như trên các diễn đàn các mẹ share cho nhau các mẹo trị ho, trị muỗi, trị cảm, giảm sốt cho bé... cũng lấy từ số đông mà ra, thấy toàn có hiệu quả, tác dụng tốt hết mà".
Trái với quan điểm trên, bạn Hiền xinh viết: "Chị Trang Hạ phản ứng mạnh như này cũng hoàn toàn dễ hiểu thôi vì thực trạng bây giờ thực phẩm bẩn tràn lan và có biện pháp cấp bách để quản lý". Nguyen Linh đồng tình: "Truy xuất nguồn gốc là cực kỳ cần thiết, thiết nghĩ việc này cần làm ngay ở Việt Nam chứ không thì nguy hiểm lắm". Độc giả Vũ Hoài lại hy vọng lương tâm của người bán sẽ thay đổi được nhiều điều: "Cái gì giờ cũng 'siêu sạch' hết trơn, nhưng thực tế mình chả biết nó sạch hay bẩn, chỉ có người làm ra nó mới biêt thôi. Trông chờ vào lương tâm của họ là chính".
Trần Minh Phương nhận định: "Cái nào cũng có cái lợi cái hại của nó. Mình nghĩ chị Trang Hạ không mục tiêu bài xích hay chụp mũ tất cả, có cái đúng có cái chưa đúng mình phải nghiêm túc nhìn nhận lại. Như bản thân tớ hồi đầu cũng tự mò mẫm và sai nhìu thứ lắm, về sai thì cẩn thận hơn, tự mò hay nghe theo ai thì cũng phải dựa trên cơ sở khoa học các mẹ ạ".
Vân My