Chia sẻ của nhà văn Trang Hạ về những thất bại đầu đời đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Lời tâm sự chân thành từ một người đi trước giàu kinh nghiệm như Trang Hạ đã cho các bạn trẻ đang chập chững bước vào đời những bài học vô cùng quý giá, rằng: "Khi ta còn trẻ, đừng bao giờ chịu đứng yên một chỗ, những điều tưởng như vô tình nhất cũng có thể trở thành định mệnh".
Sau đây là toàn bộ chia sẻ thu hút hơn 4.000 like của nhà văn Trang Hạ:
"Hồi mình 22 tuổi, mình rơi vào một cơn buồn rũ rượi khi tốt nghiệp đại học đã hai năm rồi mà công việc suốt hai năm qua chẳng như mình mong ước, chỉ là kiếm tiền sống qua ngày và lại chẳng tìm ra sở trường là gì, chẳng biết mình sẽ trở thành gì trong cuộc sống. Trong cơn thất vọng ấy, mình đi ra chợ Soái Kình Lâm theo học thư pháp của một ông già Tàu bán giấy lụa, bút lông, mực mài, nghiên bút nhập khẩu ở đấy. Đó cũng chỉ là một cử chỉ giết thời gian, vô mục đích như nhiều thứ mình đã làm ở Sài Gòn.
Nhưng nếu không có việc đó xảy ra, chắc chắn khi năm 1998 về Hà Nội, mình đã không mở trường dạy thư pháp ở chùa Tảo Sách, giờ vẫn còn giữ tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật năm 1998 viết về trường thư pháp đầu tiên tại Thủ đô. Nhờ dự án đầu đời phi lợi nhuận đó, mình được thọ giáo những thầy nổi tiếng nhất Việt Nam như họa sĩ Phan Cẩm Thượng, thư pháp gia Lê Quốc Việt, sư thầy chùa Dâu Keo... và hai lớp học đó đã đào tạo nhiều người thuộc thế hệ 7x nổi tiếng cho thư pháp trẻ Việt Nam sau này, cho đến tận ngày hôm nay.
Mình không bao giờ ngờ rằng, những ngày tháng mình buồn chán nhất lại là những khởi đầu hành trình mãnh liệt nhất. Mình cũng không bao giờ ngờ được, những thứ nhỏ bé vụn vặt, tưởng như vô bổ trong đời sống, lại không hề bị phí hoài sau này. Mình đi tới tương lai bởi những thứ nhỏ bé cứ tưởng như tầm phào thiếu mục đích của ngày hôm nay.
Chỉ là mình luôn vận động và không bao giờ đứng yên một chỗ. Vì thế, khi mình chuyển động, những thứ nhỏ bé vặt vãnh bị hút vào gia tốc của mình. Những thứ vô tình nhất cũng có thể trở thành định mệnh. Và kể cả khi mình chẳng trở thành ai trong làng thư pháp, mình cũng đã dẫn động được những cơ hội cho ai đó trong đời. Điều ấy, to lớn hơn những lời cảm tạ.
Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng, sự khéo tay dịu dàng của bạn không có chỗ trong tương lai toan tính đầy con số của người làm tài chính. Bạn cũng đừng bao giờ sợ hãi, mình phiêu du mạo hiểm sẽ chẳng mang lợi ích gì cho tương lai đi bán điện thoại di động. Hoặc bây giờ ngồi đan len thì sẽ chẳng để làm gì khi đang học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động. Hoặc, nông dân thì ngồi vẽ mô hình máy bay trực thăng với tàu ngầm để làm gì?
Chỉ là đừng vội tự tuýt còi kêu bản thân mình đứng lại, trước cơn điên rồ đòi hỏi mục đích sống của cái xã hội này".