Sau hơn 10 lần dự thảo, quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ VHTT Phạm Quang Nghị ký ban hành.
Khán giả không được lên sân khấu khi nghệ sĩ đang biểu diễn
Loại hình nghệ thuật biểu diễn nêu tại quy chế này bao gồm các loại hình nghệ thuật được thể hiện trên sân khấu thông qua diễn xuất của diễn viên chuyên nghiệp. Đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp gồm các cơ sở được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Kiểu tóc và trang phục này sẽ không được xuất hiện trên sân khấu. |
Quy chế quy định hàng loạt hành vi bị nghiêm cấm như biểu diễn và tổ chức biểu diễn chương trình, tiết mục, vở diễn có nội dung vi phạm pháp luật Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra, hành vi quảng cáo mạo danh đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; quảng cáo giới thiệu không đúng chương trình, tiết mục; vở diễn không đúng người, đúng tên diễn viên hoặc không đúng thành tích nghệ thuật, danh hiệu nghệ thuật được phong tặng cũng bị nghiêm cấm. Quy chế cũng quy định cấm người khác lên sân khấu khi diễn viên đang biểu diễn.
Nghiêm cấm nghệ sĩ lợi dụng giao lưu để phát ngôn bừa bãi
Theo thông tin từ Người Lao Động, quy chế quy định, trong khi biểu diễn, các nghệ sĩ không được tự tiện thay đổi động tác diễn xuất, phong cách biểu diễn nghệ thuật, thêm, bớt lời ca hoặc lời thoại khác với nội dung và hình thức thể hiện đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép công diễn mà gây hậu quả xấu. Quy chế cũng nghiêm cấm các nghệ sĩ lợi dụng giao lưu với khán giả để có những hành vi hoặc phát ngôn không đúng với chương trình, tiết mục, vở diễn đã được duyệt, cấp phép; cấm dùng các phương tiện kỹ thuật thay thế giọng hát thật của mình. Đối với loại hình nghệ thuật sân khấu ca múa nhạc truyền thống, dân gian, xiếc, nghệ thuật cổ điển châu Âu thì việc phục trang, hoá trang không được trái với thuần phong mỹ tục, không phù hợp với đặc trưng loại hình nghệ thuật, không đúng với tính cách nhân vật và nội dung thể hiện giai đoạn lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật. Khi biểu diễn các loại hình nghệ thuật ca múa nhạc hiện đại, các nghệ sĩ sẽ không còn được hóa trang tạo ra kiểu tóc kinh dị, sơn nhuộm tóc lòe loẹt, cạo trọc hoặc để tóc quá dài bù xù. Trang phục không được hở hang, lộ liễu.
Nghệ sĩ ra nước ngoài biểu diễn phải xin phép
Đối với hoạt động biểu diễn và tổ chức nghệ thuật chuyên nghiệp có yếu tố nước ngoài, quy chế quy định: Các đơn vị nghệ thuật, các diễn viên Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp phải có giấy mời của đối tác nước sở tại; có đơn đề nghị, gửi kèm danh sách thành viên tham gia và nội dung chương trình, tiết mục, vở diễn sẽ biểu diễn tại nước ngoài... Trường hợp diễn viên đi ra nước ngoài dưới mục đích khác, sau đó tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, phải làm thủ tục bổ sung hoặc chuyển đổi mục đích cấp thị thực nhập cảnh tại cơ quan cấp thị thực ở nước sở tại; có văn bản báo cáo với đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại.
Diễn viên là người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có đơn đề nghị của đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp Việt Nam, gửi kèm nội dung chương trình, tiết mục, vở diễn; có hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản giữa đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật Việt Nam và có ý kiến bằng văn bản của đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại về việc diễn viên về nước biểu diễn.
Tuy nhiên, đã có những ý kiến cho rằng một số quy định trong quy chế sẽ gây tranh cãi khi thực hiện. Chẳng hạn, các khái niệm mang tính chung chung mơ hồ như: cấm để tóc quá dài bù xù; trang phục không được hở hang, lộ liễu...