Đa số nạn nhân là những người tình nguyện làm “món hàng” để bị bán từ quốc gia này đến quốc gia khác. Con đường thương mại này chỉ đi một chiều từ các nước nghèo ở châu Phi và Nam Mỹ đến đích là các câu lạc bộ giàu có ở châu Âu.
Ảo vọng về một miền đất hứa gồm danh tiếng và tiền bạc khiến cha mẹ những đứa trẻ có chút ít năng khiếu bóng đá xem đó là phương cách đổi đời nhanh chóng. Bên cạnh đó, nạn buôn trẻ em này núp dưới lớp vỏ bọc hợp pháp là “du học” hay “chuyển nhượng cầu thủ” nên chính quyền không thể trực tiếp can thiệp.
![]() |
Châu Phi là mảnh đất màu mỡ sản sinh ra các tài năng. |
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, tình trạng buôn bán cầu thủ bóng đá tuổi vị thành niên đã được một số chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cảnh báo các nước sở tại. Như trường hợp cầu thủ Antonio Carlos (Peru) mới chỉ 15 tuổi bị bán sang Tây Ban Nha cho đội Atletico Madrid với giá 500.000 bảng.
Được xem như một trong những cầu thủ đầy triển vọng của bóng đá Peru với tài chơi bóng không thua gì một chân sút đã trưởng thành nhưng chỉ sau một năm thử việc không thành công (do không kịp thích ứng với môi trường sống xung quanh cũng như lối chơi bóng có sự khác biệt quá lớn) nên Carlos nhanh chóng bị tống ra đường trong tình trạng không một xu dính túi. Cho đến giờ vẫn không ai rõ Carlos đang lang bạt ở xó xỉnh nào trong các khu ổ chuột ở Tây Ban Nha.
Khủng hoảng khâu đào tạo lực lượng trẻ nên muốn mua về một cầu thủ thần đồng nào đó, mang về đào tạo để trở thành ngôi sao... là xu hướng phổ biến của các đội bóng lớn hiện nay. Tai tiếng nhất trong lĩnh vực này phải kể đến đội bóng hàng đầu thế giới Barcelona (Tây Ban Nha). Một cầu thủ 12 tuổi được Barcelona đưa về với giá khoảng 200.000 bảng từ một đội bóng hạng nhì cách đây hai năm. Sau đó, Barcelona tiếp tục hàng loạt phi vụ khác như mua tài năng nhí 12 tuổi Lamela đến từ Argentina...
Thủ đoạn chủ yếu của Barcelona là thuyết phục gia đình các cầu thủ nhí, đồng thời cấp nhà cửa, việc làm cho cả cha mẹ cầu thủ đó. Với sự ưu đãi khá lớn như vậy nên rất hiếm trường hợp nào nỡ từ chối lời đề nghị, dù họ không biết trước được tương lai của con mình ra sao. Không riêng ở Tây Ban Nha, các đội bóng thừa tiền lắm của ở Italy, Pháp và Anh cũng không đứng ngoài cuộc.
Một thống kê chưa chính thức từ Ủy ban về trẻ em của Liên Hiệp Quốc công bố vào năm 2000 cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 16 được đưa từ các nước nghèo đến các lò đào tạo bóng đá ở Italy. Riêng ở Pháp, theo An Ninh Thế giới, mỗi tháng có đến hàng trăm đứa trẻ da màu đến từ châu Phi đến thử việc trong các câu lạc bộ bóng đá danh tiếng. Qua thời kỳ sát hạch và "thử giò thử cẳng", đối với những đứa trẻ không may có hai con đường đi: hoặc tiếp tục được các tay tuyển chọn tìm kiếm mối khác để bán hoặc bị tống khứ ra sao mặc kệ.
Không tiền bạc, không người thân thích và cũng chẳng hề có giấy tờ tùy thân, những đứa trẻ tội nghiệp sống ngoài vòng pháp luật cũng có thể bị cảnh sát Pháp tóm gáy. Dẫu vậy, khi được hỏi, hầu hết bọn trẻ đều lắc đầu không muốn bị trả về nước. Tất cả vẫn đang bấu víu vào hy vọng sẽ bám trụ lại được tại “miền đất hứa”. Một đứa trẻ 14 tuổi cho biết: “Cháu muốn được khoác áo cho những đội bóng nổi tiếng như Olympique Marseille chẳng hạn. Chỉ bằng cách ấy, cháu mới có thể kiếm được thật nhiều tiền để gửi về cho gia đình”. Dường như bọn trẻ đã bị mấy tay chuyên săn lùng tài năng tiêm nhiễm vào đầu quá nhiều về một viễn cảnh đầy hứa hẹn như tương lai tươi sáng, lãnh lương mỗi tuần gần cả trăm nghìn bảng. Thế nhưng, chúng không hề hiểu rằng những tài năng sân cỏ như Drogba, Kanu... trưởng thành và tỏa sáng từ trong gian khó như thế hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Trong khi đó, mỗi năm, có hàng trăm đứa trẻ đến từ lục địa đen bị vứt ra đường như ném đi một miếng giẻ rách. Chúng sống chui lủi ngoài vòng pháp luật, vật vờ kiếm kế sinh nhai bằng những công việc mạt hạng nhất và bị những ông bà chủ bóc lột sức lao động một cách không thương tiếc. Thậm chí chúng còn bị lạm dụng tình dục.
![]() |
Siêu sao Samuel Eto'o của Barcelona cũng từng có những năm tháng lăn lộn ở Tây Ban Nha. |
Ngay đến Samuel Eto'o, một tài năng bóng đá thật sự của bóng đá Cameroon, cũng đã phải trải qua một quãng thời gian đầy thăng trầm trước khi tỏa sáng trong màu áo đội Barcelona và giành được danh hiệu cao quý “Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi năm 2004”. Là cầu thủ trẻ đầy tài năng của đội tuyển U14 Cameroon, Samuel Eto'o đã được bọn dắt mối đưa đến Tây Ban Nha gần 10 năm về trước và bán vào trường đào tạo cầu thủ trẻ của đội bóng thủ đô Madrid.
Anh đã phải tập luyện chăm chỉ gần như gấp đôi các đồng đội khác, phải chấp nhận làm những công việc lặt vặt cho cả đội trong suốt một thời gian dài. Đến nay, cầu thủ gần đây được báo chí ngợi ca như một George Weah thứ 2 của bóng đá châu Phi, Eto'o vẫn cảm thấy bàng hoàng khi nhớ đến cái ngày tìm được một hợp đồng chính thức: “Tôi không thể tin vào tai mình, mọi chuyện diễn ra cứ như là một giấc mơ vậy. Tôi đã cầm bút, ký ngay vào bản hợp đồng được thảo sẵn một cách vô thức".
Có thể khẳng định, chuyện săn lùng các tài năng bóng đá châu Phi rồi chuyển nhượng lại cho các đội bóng có nhu cầu đang là một trào lưu thịnh hành. Các chuyên gia săn lùng tài năng nhận được khối tiền từ những vụ làm ăn như thế, trong khi các câu lạc bộ giàu có cũng chẳng cần phải mất quá nhiều công sức đào tạo để có được một tài năng như ý.
Một chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực này tiết lộ: có rất nhiều đường dây đưa các đứa trẻ có năng khiếu bóng đá từ châu Phi và Nam Mỹ sang châu Âu theo một con đường khép kín đến thủ đô Brussels sau đó tỏa đi khắp Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Italy và Anh. Những cuộc mua bán cầu thủ bóng đá nhí ồ ạt hiện nay gây ra một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ từ cộng đồng thế giới vì đó chẳng khác nào một “hình thức nô lệ kiểu mới”.
Riêng nước Pháp hiện vẫn quy định cấm đưa tên những cầu thủ dưới 18 tuổi vào thị trường chuyển nhượng, tuy nhiên, chẳng có đội bóng nào tha thiết thực hiện. Thậm chí ngài Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi Hayatou đã phải lắc đầu ngao ngán: “Các tay môi giới đang rao bán những cầu thủ nhỏ tuổi như một món hàng, họ xem chúng chẳng khác gì chuối hay cà phê cả. Đây là một hành động vô lương tâm và cần bị phanh phui...”