Boney M sẽ tái ngộ khán giả Hà Nội đúng dịp 8/3 bằng đêm nhạc với ban nhạc Joy tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Đây là lần thứ ba nhóm đến Việt Nam biểu diễn. Liz Mitchell, giọng ca chính của nhóm nhạc huyền thoại, cho biết chị có tình cảm đặc biệt với mảnh đất hình chữ S. "Tôi từng được hàng xóm mời ăn đồ Việt, từng được khán giả Việt đón nhận nồng nhiệt trong đêm nhạc hồi tháng 10/2016. Quá nhiều người đã lên sân khấu ôm hôn tôi, nhún nhảy theo tôi. Với người nghệ sĩ đó là món quà không gì sánh nổi. Tôi muốn tiếp tục được đón nhận niềm vui từ khán giả, muốn ăn thêm nhiều món ngon từ Việt Nam mà lần trước do lịch trình dày đặc tôi chưa kịp thưởng thức. Có thể là món bún chả mà mọi người hay bàn tán sau khi Tổng thống Obama sang Việt Nam chẳng hạn", chị chia sẻ.
Liz Mitchell còn thổ lộ, các thành viên của Boney M cảm thấy tự hào khi hiếm có nơi nào khán giả lại yêu mến những ca khúc của nhóm như ở Việt Nam. "Phía đơn vị tổ chức cho chúng tôi biết Việt Nam sắp đón Tết âm lịch. Khắp nơi đang rộn ràng các ca khúc của Boney M. Tôi chỉ ước lúc này được ở Việt Nam, được nhún nhảy hát mừng chúc Tết các bạn. Tôi như thấy chúng tôi hiện hữu trong cái Tết của các bạn. Có khán giả tâm sự với tôi, họ đã trải qua hơn 30 cái Tết với Boney M, từ khi đài cassette còn là thứ xa xỉ ở Việt Nam đến khi đời sống tinh thần, vật chất của các bạn phong phú như bây giờ. Đó thực sự là điều quá sức ngọt ngào".
Tuy không thể đến Việt Nam biểu diễn vào đúng dịp Tết âm lịch nhưng Liz Mitchell cho rằng, việc hát trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cũng là điều rất ý nghĩa với nhóm nhạc. Chị tiết lộ, bên cạnh các bản hit trong album Boney M 79, nhóm sẽ cover một số bản nhạc nổi tiếng của Celine Dion, Whitney Houston... trong đêm nhạc sắp tới.
Boney M thành lập năm 1975 khi nhạc Disco đã trở thành phong trào rộng khắp. Khi đó nhóm gồm các thành viên Marcia Barrett, Maizie Williams, Bobby Farell và Liz Mitchell. Cái tên Boney M ra đời dựa trên một series phim truyền hình ăn khách của Australia được chiếu ở Đức vào những năm 1970. Trong đó, chữ "M"- theo sự giải thích của Liz Mitchell sau này - có nghĩa là "Mother, Money, Memory" (Mẹ, Tiền bạc, Kỷ niệm).
Sự nghiệp của nhóm khởi đầu rực rỡ với ca khúc Do You Wanna Blumbp vào tháng 12/1975, đứng đầu bảng xếp hạng ở Bỉ và Hà Lan. Sáu tháng sau, ban nhạc tiếp tục ra album Take The Heat Off Me và lập tức được yêu thích ở Đức. Hit Daddy Cool cùng một loạt ca khúc cover như Sunny (Bobby Hebb), No Women No Cry (Bob Marley)... giúp tên tuổi Boney M "chiếm sóng" tại các bảng xếp hạng ở châu Âu như Anh, Áo, Na Uy, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ... cùng nhiều nước châu Á khác.
Sau một vài album khác, Boney M trở thành huyền thoại khi ra mắt Nightlife To Venus hồi tháng 7/1978. Album gồm nhiều ca khúc bất hủ như Rivers Of Babylon, Brown Girl In The Ring... Trong đó, Rivers Of Babylon giúp Boney M chiếm vị trí số một ở bảng xếp hạng Anh trong năm tuần liên tiếp, tiêu thụ được gần hai triệu bản ở Anh. Brown Girl In The Ring cũng tiêu thụ được hơn hai triệu bản, đứng thứ hai trong danh sách đĩa đơn bán chạy kỷ lục mọi thời đại tại đây.
Cuối năm 1978, Boney M tiếp tục thống trị các bảng xếp hạng châu Âu bằng Mary’s Boy Child. Hè năm 1979, nhóm ra ca khúc Hooray! Hooray! It’s a Holi-Holiday với giai điệu sôi động. Bài hát này cũng đứng đầu tại các bảng xếp hạng âm nhạc. Tuy vậy, những ngày sau đó Boney M bắt đầu rơi vào sóng gió.
Kể từ thập niên 1980, ban nhạc thay đổi thành viên thường xuyên. Thành viên nam duy nhất Bobby Farrell qua đời vào cuối năm 2010 ở Saint Petersburg vì trụy tim. Hiện tại, giọng ca chính Liz Mitchell vẫn tiếp tục cùng ban nhạc trình diễn ở các quốc gia. Sau những biến cố, trải qua 43 năm, tên tuổi của Boney M vẫn là dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả khắp thế giới. Mỗi khi những tác phẩm của nhóm được cất lên, nhiều người hâm mộ lại hồi tưởng quãng đời tuổi trẻ rực rỡ và sôi nổi của họ.