Thêm chất liệu giả tưởng và yếu tố du hành thời gian, các phim về tình mẫu tử làm nên điểm mới trong khai thác vấn đề, tạo cơ hội để các nhân vật tìm sự đồng cảm khi đồng hành và nhìn thấu tuổi trẻ của nhau.
'Gặp lại chị bầu': Cảm ơn con làm con của mẹ
Lần đầu kết hợp trên màn ảnh rộng, vợ chồng Diệu Nhi - Anh Tú "đánh lừa" khán giả họ thể hiện chuyện tình chị em, qua trailer và những hình ảnh được hé lộ đầu tiên của phim Gặp lại chị bầu. Đến ngày phim khởi chiếu tại rạp mùa Tết, người xem bất ngờ với sự thật: Anh Tú đóng vai con trai của Diệu Nhi.
Nhân vật của Anh Tú là Gia Phúc, một thanh niên thân cô thế cô, nợ ngập mặt, sống ở năm 2024. Một lần chạy trốn chủ nợ, Phúc bất đắc dĩ nhảy xuống sông. Luồng sét đánh đưa anh ngược dòng thời gian về năm 1997 và vô tình gặp Huyền (Diệu Nhi). Mới đầu coi Huyền là một người chị nhưng vào khoảnh khắc nhìn Huyền chụp ảnh, Phúc nhận ra đây chính là người mẹ anh chưa từng gặp mặt.
Ôm nỗi hận bị mẹ ruồng bỏ từ lúc đỏ hỏn lọt lòng, Phúc tỏ thái độ lạnh lùng, buông lời cay nghiệt với Huyền. Nhưng bản năng máu mủ dần xoa dịu những giận hờn trong lòng. Anh trân trọng từng ngày mắc kẹt ở quá khứ, tìm hiểu về mẹ và sự ra đời của mình, tự tay chăm sóc cho mẹ bù đắp hơn 20 năm côi cút.
Cú twist Huyền là mẹ của Phúc được tiết lộ khá sớm, vào khoảng một phần ba thời lượng phim. Kịch bản tập trung vào những khoảnh khắc Gia Phúc và người mẹ thời trẻ đồng hành, như hai người tri âm tri kỷ.
Những phút gần cuối, phim gây xúc động với cuộc ly biệt giữa hai mẹ con. Vẫn giấu thân phận của mình, Phúc hỏi Huyền: "Nếu được gặp con mình, chị sẽ nói gì với nó?". Gương mặt nhợt nhạt vì bệnh nặng, Huyền cười nhẹ: "Cảm ơn con vì chọn mẹ". Còn trong giây phút buộc phải trở về với thế giới của mình, Phúc gắng sức gọi một tiếng "mẹ" cả đời anh chưa từng được thốt ra, nhưng không thể khiến mẹ nghe thấy.
Diễn nhập vai bằng cảm xúc chân thật, Diệu Nhi và Anh Tú làm người xem tạm quên cuộc hôn nhân của họ ngoài đời để tin vào mối quan hệ mẹ con trong phim. Không còn ồn ào và gây cười, Diệu Nhi nhập vai bi một cách nhẹ nhõm. Anh Tú cũng cho thấy sự tiến bộ trong diễn tả tâm lý và thể hiện lời thoại. Điều đáng tiếc của kịch bản là tiết lộ sự thật Gia Phúc là con trai của Ngọc Huyền quá sớm, thay vì để anh âm thầm chăm sóc cô một cách đặc biệt, khiến cả Huyền và khán giả cùng đặt câu hỏi về tình cảm của anh.
'Everything Everywhere All At Once': Ở vũ trụ nào, con cũng là con của mẹ
Cuộc sống của Evelyn (Dương Tử Quỳnh) và con gái Joy (Stephanie Hsu) chỉ toàn cãi vã, thiếu lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia. Nhưng thay vì những cuộc tranh cãi nảy lửa trong cuộc sống thường ngày, cuốn phim đưa hai nhân vật liên tục di chuyển qua nhiều tinh cầu song song tồn tại. Ở mỗi nơi, họ có một phiên bản nhưng đều ở thế đối đầu nhau.
Mạch phim chuyển biến liên tục với sự bách biến của nhân vật về tạo hình, tính cách, sở trường; thách thức người xem bởi những tràng thoại dày đặc. Cảnh tượng khác biệt nhất là tại một hành tinh, Evelyn và Joy cùng bị biến thành đá. Không có tiếng đối thoại, chỉ có sự tĩnh mịch bao trùm kèm dòng chữ phụ đề tâm tư của đôi bên. Lúc này, Evelyn vẫn đuổi theo, thuyết phục Joy về nhà. Cảnh phim giàu tính ẩn dụ, ngụ ý dù trong nhân dạng hay hình hài nào, mẹ cũng thương con, nhẫn nại với con.
"Tại sao mẹ con mình ở cạnh nhau cả hai đều tổn thương? Mẹ có thể là bất cứ thứ gì, ở bất cứ đâu. Tại sao mẹ không tới một nơi có đứa con tốt đẹp hơn con?'', có lần Joy đã hỏi Evelyn bằng giọng nhiều dằn vặt như vậy. Rõ ràng, cả hai đều cố gắng để hòa hợp trong mối quan hệ mẹ con nhưng chuyện này đầy khó khăn với họ.
Phim đặt nhân vật vào một giả thuyết: "Nếu không lấy gã lù khù, nhu nhược như bố, nếu không đẻ ra đứa nổi loạn, lập dị, kém cỏi như con, liệu đời mẹ có phải sẽ nở hoa rực rỡ?". Cuộc đời khó nói từ "nếu như" và dù ở thực tại này hay vũ trụ khác, lựa chọn của mẹ chẳng bao giờ thay đổi, vẫn là đánh đổi để bảo vệ con.
Phim làm ở Mỹ nhưng đậm dấu ấn Á Đông, khắc họa chân dung mang tính biểu tượng về người phụ nữ trong gia đình. Họ là nóc nhà, cũng là cột nhà, chống đỡ bão giông và duy trì một mái ấm. Tác phẩm càn quét giải thưởng quốc tế cuối năm 2022 và đầu năm 2023, đưa Dương Tử Quỳnh trở thành người châu Á đầu tiên thắng "Nữ diễn viên chính xuất sắc" tại Oscar và Quả Cầu Vàng.
'Xin chào Lý Hoán Anh': Nếu gặp lại ở kiếp sau, mẹ hãy làm con, để con làm mẹ
Từ 2001 xuyên không về 1981, Giả Hiểu Linh hội ngộ người mẹ Lý Hoán Anh tuổi ngoài đôi mươi. Với danh nghĩa em họ, cô làm mọi thứ để đổi lấy nụ cười của mẹ, như một cách bù đắp vô số lỗi lầm. Làm mọi cách tác hợp cho mẹ và con trai giám đốc nhà máy, cô tin đời mẹ sẽ xán lạn nếu có người chồng thành đạt hơn bố và đứa con giỏi giang hơn mình.
Một lần ngà say, Hiểu Linh mượn danh phận em họ nói với mẹ: "Sang kiếp sau, chúng ta hãy làm mẹ con. Nhưng để em làm mẹ, chị hãy làm con". Bề ngoài hăm hở đưa mẹ đến bến bờ viên mãn nhưng thật tâm, Hiểu Linh nuối tiếc cơ hội được làm con gái của mẹ. Nếu có kiếp sống khác, cô vẫn mong được làm máu mủ ruột rà với mẹ. Nhưng thay vì mẹ "gánh còng lưng" những lầm lỗi của cô ở kiếp này, cô nguyện hoán đổi thân phận để gánh vác những áp lực, lo toan ngược lại cho mẹ.
Sự thật được tiết lộ cuối phim làm Hiểu Linh nức nở như một đứa trẻ lạc mẹ và người xem cũng khó cầm nước mắt. Dù không ít lần trách cứ con: "Chừng nào con mới làm mẹ nở mày nở mặt?", Lý Hoán Anh vẫn dành cho Hiểu Linh tình thương và niềm tự hào phi thường. Với người mẹ, cuộc đời có thể có nhiều lựa chọn tốt hơn, nhưng lựa chọn hợp lòng nhất là làm mẹ của con mình.
Kịch bản được diễn viên chính kiêm đạo diễn Giả Linh lấy cảm hứng từ cuộc đời vắn số của mẹ mình. Phim thu về hơn 822 triệu USD, dẫn đầu doanh thu phòng vé toàn cầu trong 11 tháng của năm 2021.
'Ngoại già tuổi đôi mươi': Làm lại từ đầu, mẹ vẫn chọn hy sinh cho con
Không đưa nhân vật du hành thời gian hay vũ trụ, Ngoại già tuổi đôi mươi (Miss Granny) của điện ảnh Hàn giữ họ ở thực tại, nhưng cho người mẹ cao niên Mal Soon (Na Moon Hee đóng) trẻ hóa như thời đôi mươi (Shin Eun Kyung đóng). Lúc này, bà tìm lại tuổi xuân nhiệt huyết, thực hiện giấc mộng ca hát bỏ dở mấy chục năm và một lần nữa nghe tim rung động trước một người đàn ông lịch thiệp.
Khi trẻ lại, bà Mal Soon sống tự do, vui vẻ hơn thời làm bà già cáu kỉnh ở bên con trai, con dâu và các cháu, nhưng có một điểm ở bà vẫn bất biến, đó là lối suy nghĩ con dù lớn vẫn là con của mẹ cùng thói quen bao bọc, chăm lo thái quá cho con trai và cháu nội. Không ít lần, bà Mal Soon quên mất thân phận hiện tại của mình, thể hiện hành động cưng nựng cháu nội và biểu lộ vẻ hớn hở khi gặp con trai một cách bản năng.
Xúc động nhất là phần cao trào cuối phim, khi người con nhận ra mẹ mình trong nhân dạng cô gái trẻ. Anh gợi lại những ký ức ngày thơ bé, khi mẹ một mình vật lộn nuôi nấng, chăm cho cho anh. Anh khuyên bà để mặc con cháu, rời đi để sống giấc mơ đời mình. Nhưng bà Mal Soon đáp lời: "Được làm lại từ đầu, mẹ vẫn sẽ như vậy".
Diễn tinh tế và giàu tình cảm, tài tử gạo cội Sung Dong Il không gây cảm giác gượng gạo khi cất tiếng gọi nàng thơ trẻ tuổi Shim Eun Kyung là mẹ. Trái lại, hai diễn viên cùng làm nên cảnh phim cảm động. Trong bản làm lại của Việt Nam - Em là bà nội của anh, NSƯT Đức Khuê và Miu Lê cũng tạo nên cảnh phim đẹp tương tự, nhưng phần thoại nặng tính văn học, ít chất đời thường hơn.
Mở ra những câu chuyện khác nhau ở các thời đại khác nhau nhưng bốn cuốn phim cùng tôn vinh tình mẹ với tuyên ngôn: "Dù trong hình hài nào, đi tới đâu, trong tình cảnh ra sao, mẹ cũng thương con và lựa chọn làm mẹ của con".
Phong Kiều