![]() |
Reshma Banu khóc nức nở khi nghe tin các bác sĩ thông báo đứa con gái 3 tháng tuổi của chị đã qua đời. Ảnh: AFP |
Bé Neha Afreen qua đời hôm thứ 4 (11/4) tại một bệnh viện ở Bangalore sau 3 ngày đấu tranh với sự sống. "Chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu sống cháu bé nhưng không thể. Cháu bị thương quá nặng", bác sĩ Gangadhar Belawadi nói.
Afreen được đưa tới bệnh viện trong tình trạng chấn thương ở đầu, các vết trầy xước và vết cắn khắp cơ thể.
"Chồng tôi đã nổi khùng lên lúc tôi sinh ra con gái", mẹ của Afreen, chị Reshma Banu, nói với các phóng viên. "Anh ta ghét con bé. Anh ta muốn tôi bỏ con bé đi vì muốn có con trai".
Tờ Timesofindia trích lời bác sĩ Somegowda tại bệnh viện Vani Vilas, bang Bangalore, cho biết Afreen bị nôn ra máu vào 10 giờ sáng thứ 4, sau đó thì ngừng tim.
Bố của Afreen, Umar Farooq, bị cáo buộc hành hạ con gái, đang trong thời gian chờ xét xử vào ngày 21/4 tới. Umar bị bắt hôm 8/4 vừa qua sau khi bị vợ Reshma, 19 tuổi, gửi đơn tố cáo đánh đập con gái và muốn chồng phải nhận sự trừng phạt cao nhất.
Theo lời kể lại của Reshma, sự việc xảy ra vào đêm thứ 5 tuần trước sau khi gã chồng trở về nhà trong tình trạng say mềm. Lợi dụng lúc vợ đang ngủ say, Umar đã nhét khăn vào miệng con gái rồi thẳng tay đánh vào đầu cô bé.
Lúc tỉnh dậy, Reshma thấy con gái đang đau đớn. Cô liền đưa con tới viện, trong khi gã chồng bỏ trốn. Reshma cho biết đây không phải là lần đầu tiên Afreen bị người cha thú tính đánh đập. Em từng bị cắn và dí điếu thuốc vào trán và lưng.
Ranjana Kumari, giám đốc một Trung tâm nghiên cứu xã hội, nói: "Những hành động tàn ác đối với các bé gái đã vượt quá giới hạn. Hồi tháng trước cũng có một bé gái 2 tuổi bị bỏ rơi ở bệnh viện New Delhi đã tử vong do gãy tay và vỡ hộp sọ".Tuần trước, một bé gái sơ sinh ở phía tây Jodhpur bị bỏ rơi vì bố mẹ em cứ khăng khăng rằng chính cậu con trai mà bệnh viện trao nhầm mới là con mình. Cặp vợ chồng này kiên quyết không chịu nhận cô bé và chỉ thừa nhận sau khi họ tiến hành xét nghiệm DNA trên cơ thể cô con gái mới 11 ngày tuổi.
Theo AFP, phụ nữ có chồng ở Ấn Độ phải chịu áp lực lớn phải sinh con trai vì quan niệm con trai sẽ là trụ cột và người chăm sóc cho cha mẹ về sau. Các gia đình truyền thống ở đất nước này thường xem con gái là gánh nặng vì họ phải gả con gái đi khi chúng trưởng thành.
Sự thèm khát con trai đã dẫn đến mất cân bằng giới tính đáng báo động ở Ấn Độ. Theo thống kê trong năm 2011, cứ 1.000 bé trai thì chỉ có 914 bé gái ở quốc gia châu Á này.
Hướng Dương