Hôm nay, con thứ hai của chị Trịnh Dịu (Vĩnh Phúc) vừa tròn tháng. Em bé có nết ăn, ngủ tốt, sức khỏe của mẹ hồi phục nhanh, chị Dịu nhận thấy sự khác biệt rõ rệt so với lần sinh đầu tiên nên càng tin tưởng rằng quyết sinh thường sau sinh mổ của mình là hoàn toàn đúng đắn.
"Khi mình có sự chuẩn bị, chủ động thì mọi chuyện sẽ dễ dàng. Quan trọng nhất vẫn là tâm lý của người mẹ. Hãy cứ tin mình làm được thì sẽ thành công thôi, sinh nở là bản năng của người phụ nữ mà", Trịnh Dịu nói và chia sẻ về những kinh nghiệm để có thể sinh thường sau khi đã trải qua lần sinh mổ trước đó.
Bà mẹ Hà Nội biết mình có bầu em bé thứ hai lúc con trai đầu, bé Min, mới 27 tháng tuổi. Chị đăng ký gói thai sản tại một bệnh viên quốc tế và trong lần siêu âm 4D đầu tiên, chị chia sẻ với bác sĩ mong muốn được sinh thường. Ngay lập tức, chị nhận được sự ủng hộ từ bác sĩ và được giải thích thêm rằng: "Muốn siêu âm khảo sát vết mổ xem có sinh thường được không thì cần thực hiện trước khi thụ thai. Vì lúc có thai, tử cung đã co giãn rồi nên việc khảo sát không có ý nghĩa".
Để chắc chắn hơn, Trịnh Dịu đặt lịch khám lần tiếp theo ở tuần thai 16 với bác sĩ trưởng khoa có nhiều năm làm việc ở nước ngoài vì theo chị, việc sinh thường sau sinh mổ ở nước ngoài rất phổ biến, chiếm tỷ lệ hơn 60%. Câu trả lời của bác sĩ càng khiến Dịu yên tâm hơn: "Sinh thường sau sinh mổ là hoàn toàn bình thường nếu trong thai kỳ, mọi thứ ổn và cân nặng của con trong phạm vi cho phép (2,8-3,2 kg tùy cơ thể mẹ)". Ngoài ra, bà mẹ hai con cũng khuyên nên giữ khoảng cách giữa hai lần mang thai là trên 2 năm; nếu lỡ có bầu sớm hơn thời gian này thì các mẹ nên theo dõi chỗ mổ xem có bị đau hay không và nhờ bác sĩ tư vấn kịp thời.
Sau tuần thứ 12 của thai kỳ, chị Dịu bắt đầu tập yoga bầu 3 buổi/tuần. Điều này có tác dụng tốt cho việc mở khung xương chậu và nhịp thở. Bên cạnh đó, chị duy trì chế độ ăn đa dạng, lành mạnh và bổ sung vitamin cần thiết. Theo chị, khi cơ thể đủ chất, mẹ bầu cũng sẽ ít có nguy cơ ốm nghén.
"Từ tuần thai thứ 37, mỗi ngày tôi ăn một quả dứa hoặc uống nước ép dứa để tử cung mềm. Tuy nhiên, cách này cũng có hiệu quả với tùy từng mẹ", Trịnh Dịu chia sẻ.
Bà mẹ hai con có dấu hiệu chuyển dạ ở tuần thai thứ 39 với biểu hiện là đau theo cơn, cứ 10-15 phút một lần. Chị lấy giấy bút ra ghi lại tần suất các cơn đau để chắc chắn đó không phải là dấu hiệu chuyển dạ giả. Sau đó, hai vợ chồng chị quét dọn nhà, chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho việc sinh nở. Lúc thấy đau, chị lại chống tay vào tường, vươn dài lưng ra rồi hít thở sâu; khi hết đau lại vận động, lắc hông cho con mau tụt xuống. Những bài tập này và cách hít thở lúc chuyển dạ, các mẹ có thể tham khảo trên Youtube.
Những cơn đau của chị Dịu bắt đầu lúc 1h và tới khoảng 4-5h thì chị cảm nhận thấy mức độ tăng lên. "Lúc này, các mẹ có thể ôm cổ chồng và bảo chồng xoa xoa chỗ xương cụt (xương giữa lưng, đoạn giao giữa lưng và mông) vì lúc chuyển dạ xương cụt phồng lên khiến mẹ bị đau", chị Dịu nói.
8h ngày 27/3, hai vợ chồng chị vào viện. Tới 9h, chị Dịu được bác sĩ khám và thông báo cổ tử cung đã mở hết, sẵn sàng cho việc đẻ thường. Chỉ khoảng 25 phút sau, bé Max chào đời sau 2 hơi rặn của mẹ. Bé nặng 3,1 kg. Chị Dịu bảo: "Có lẽ do tôi đã tập yoga và học cách rặn từ trước nên sinh con dễ dàng. Tuy nhiên, điều tôi hối hận nhất là bị rạch tầng sinh môn. Nếu con nhỏ, mẹ cao thì các mẹ có thể yêu cầu không rạch tầng sinh môn. Ngoài ra, vì không phải tất cả các bác sĩ đều ủng hộ hoàn toàn cho việc sinh thường sau sinh mổ nên bạn cần trao đổi với bác sĩ theo dõi thai kỳ cho mình để nhờ can thiệp nếu cần thiết".
Tổng kết lại những kinh nghiệm "mang tính chất tham khảo", Trịnh Dịu liệt kê những ưu điểm mà chị cảm nhận được rõ rệt khi sinh thường, bao gồm:
- Đẻ thường khỏe hơn nhiều so với đẻ mổ, khoảng 4-5 tiếng là đã hồi sức, chỉ hơi đau vết rạch tầng sinh môn.
- Tử cung co nhanh, không thấy đau dạ con như tập 1 sinh mổ, chỉ hơi đau như cơn đau bụng hành kinh
- Con được da tiếp da với mẹ luôn, hưởng 72h vàng sữa non - là cơ sở để có hệ miễn dịch tốt