Ở Hội An, trên phố Hoàng Văn Thụ, đoạn giao với ngã tư phố Nguyễn Thái Học, đường đi thẳng ra bờ sông Hoài, khách du lịch, các nhiếp ảnh gia, nhiều đôi trẻ chuẩn bị làm đám cưới... vẫn thường dừng lại ở một bức tường dài chừng 20 m, ngắm nghía, ngợi khen, ghi lại những khoảnh khắc hay mải miết sáng tác.
Bức tường nằm trên phố Hoàng Văn Thụ, nhưng thực chất nó thuộc ngôi nhà phía đường Nguyễn Thái Học. Nhiều người sống xung quanh cho biết, đây là ngôi nhà cổ của một gia đình 3-4 thế hệ tại Hội An. Nhiều lần ngôi nhà được chỉnh trang, nhưng không hiểu vô tình hay cố ý, bức tường đó bị chủ nhân "bỏ quên". Giờ đây, nó đã nổi tiếng hơn chủ nhân, tồn tại một cách tự nhiên và trở thành sự may mắn cho những người ngày ngày có cơ hội qua lại nơi đây. Nơi cánh cửa nhỏ thường xuyên cài then, điểm nhấn của cả bức tường, là một giếng nước cổ. Trước đây, giếng nước này phục vụ sinh hoạt cho người dân cả khu phố.
Sẽ không quá lời khi nói đây là bức tường được chụp hình nhiều nhất tại Hội An, là "bức tường huyền thoại", nơi in dấu ấn của quá khứ và tiêu biểu cho phong cách phố cổ. Trải qua sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung, nắng cháy, mưa dầm dề, lũ lụt khủng khiếp... bức tường càng mang vẻ hùng dũng, uy nghi, càng "loang lổ" nhưng cũng càng thêm nét huyền bí, hoang sơ tựa như một bức tranh thủy mặc, không thể lẫn với bất kỳ nơi đâu.
Nếu bạn đến Hội An lần đầu và nếu không có chỉ dẫn, bạn rất dễ bỏ qua nơi đây, bởi bức tường không nổi bật nếu nhìn thấy bằng mắt thường, thậm chí đi qua rồi mà vẫn không để ý. Nhưng chỉ cần giơ máy ảnh, thậm chí là điện thoại, dù chỉ là "thợ ảnh nghiệp dư", bạn vẫn có được những góc ảnh đẹp, ấn tượng mà nhìn vào đó có thể khiến bạn vô cùng bất ngờ, thậm chí phải giật mình. Đó có thể lý giải vì sao bức tường có một sức hấp dẫn kỳ lạ đến vậy. Sức hấp dẫn ấy nằm ở những mảng loang lổ, rêu phong, nhiều tầng, nhiều lớp, rất có chiều sâu. Đặc biệt, khi khéo léo kết hợp với ánh sáng sẽ tạo nên một phông nền (background) tự nhiên vô cùng ấn tượng.
Bức tường còn đẹp khi kết hợp với cuộc sống xung quanh, một khu chợ thu nhỏ, những gánh hàng rong bánh mỳ và chè hạt sen, hay các cửa hiệu lưu niệm đối diện nơi những người chủ chẳng bao giờ khó chịu khi khách chỉ tập trung chụp ảnh mà chẳng mua bán gì của họ.
Sức sống của bức tường chỉ có được khi bạn cảm nhận về Hội An với những gì sâu lắng và trân trọng nhất. Và chắc chắn sẽ có rất nhiều người không bao giờ mong có sự đổi thay nơi đây. Bởi nếu không, họ sẽ không còn nơi để quay về, sẽ không còn nơi hội tụ của những tâm hồn đồng điệu. Họ sẽ không còn cơ hội "tìm lại kỷ niệm" mỗi lần đến Hội An, dẫu đó là người Hội An hay những người chỉ đôi lần đến với phố cổ.
Vị trí của "bức tường huyền thoại" trên bản đồ Hội An:
Mai Lan