Một lần, anh Tùng vừa trả khách trước cổng bệnh viện Việt-Pháp bỗng nhận tín hiệu từ tổng đài yêu cầu đến trước cổng Công viên Thống nhất đón khách. Khách là một cô gái còn rất trẻ, chỉ chừng 16-17 tuổi, nhìn qua anh Tùng đã thấy ngán ngẩm bởi với kinh nghiệm đi đêm của mình, anh biết ngay đáy là một “cô chiêu” dạt nhà. Nhưng nghĩ cũng tội, hơn 12h đêm rồi, để cô ta ở đây một mình thì không nỡ.
Nghĩ vậy, anh dừng xe cho cô gái lên. Hỏi đi đâu, cô nàng hất hàm. Xe đi lên phố Huế, tiếp tục qua Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, vòng qua Lê Thái Tổ, rẽ trái Hàng Khay, rồi lại quẹo trái Đinh Tiên Hoàng. Anh Tùng bắt đầu khó chịu với tuyến đường vòng tròn này, đến vòng thứ 3, anh không chịu nổi mới hỏi: “Thế cô định bắt tôi chở đi đâu?”, tức thì cô gái cũng cáu kỉnh không kém: “Tôi trả tiền cơ mà, tôi thích đi đâu đấy là việc của tôi”.
Đến nước này thì cũng đành chịu. Hoá ra, trước đó cô nàng và anh bồ mới nứt mắt rủ nhau vào công viên tâm sự. Chả hiểu tâm sự kiểu gì mà ngồi chưa nóng chỗ, cô nàng tức tối bỏ về. Cứ tưởng “thằng chó kia” nó chạy theo giữ lại, ai ngờ nó cứ để cho đi thẳng đường cái quan. Mò ra đến cổng, chả lẽ lại đi bộ, bắt xe ôm thì ngại, sợ người ta nghĩ mình là cave, loanh quanh một lúc mới quyết định gọi taxi. Càng nghĩ càng tức, đã thế cô phải dạo quanh Bờ Hồ cho “thằng kia” nó biết mặt. Đó là lý do tại sao anh Tùng bất đắc dĩ phải lượn đến 3 vòng Bờ Hồ giữa đêm hôm khuya khoắt.
Trường hợp của anh Tùng kể trên tuy hơi khó chịu một chút nhưng còn sung sướng gấp 100 lần trường hợp một đồng nghiệp của anh. Một lần, anh này đón một cô gái trước cửa Nhà hát lớn. Tưởng vớ được vị khách đi xem vũ kịch về sớm, anh hồ hởi hỏi cô về đâu. Cô này bận nghe điện thoại nên không trả lời. Được một đoạn, anh nhắc lại câu hỏi thì nhận được cái cười bẽn lẽn kèm theo giọng khàn khàn ỡm ờ: “Về đâu cũng được”. Anh giật mình nhìn qua gương chiếu hậu và xuýt mất lái khi nhận ra cái “yết hầu” của “cô gái” to quá khổ. Định thần lại, anh “ngắm” kỹ gương mặt “cô gái”. Hình như, cái bờ vai cũng hơi quá khổ. Và trần đời, chưa bao giờ anh nhìn thấy một đôi tay con gái nào thô và ráp hơn thế.
Anh suýt chết ngất khi đôi tay ấy bám hờ hững trên vai và véo anh một cái đau điếng. “Thôi chết, gặp đúng thằng "bóng lộ" rồi. Không khéo nó “xử” mình luôn trên xe cũng nên”. Anh tài chưa kịp nghĩ xong thì “cô” đã làm xong. “Cô” trèo từ băng ghế sau lên trước nhoay nhoáy mảng váy mỏng để lộ một đoạn đùi còn thô hơn tay. Và, “cô” cứ nhoài người tì sát bộ ngực giả vào người anh, mặc anh lái xe mồ hôi đang vã ra như tắm. Anh vội vàng táp xe vào lề đường, đẩy “cô” xuống chạy mất dép, để mặc “ả” giậm chân lạch bạch, gào lên tru tréo “Đồ dã man”.
Một lần khác, cũng anh này còn bị một cô cave “dẫn đi bát phố” rồi tuyên bố “không có tiền”, “tùy anh muốn làm gì thì làm”. Hệt như cảnh “người ngựa ngựa người”, nào anh có hơi sức đâu mà vui thú với cô. Đánh cô thì không đánh được, mà chửi thì cái mặt kia nó cứ trơ trơ ra, chắc mỗi ngày cũng ghé vào công an phường ít nhất một lần, có đưa cô lên phường chắc không giải quyết được gì. Đành tặc lưỡi, đổ tại cho “tai nạn nghề nghiệp” và tự an ủi mình, thế là còn may chán so với các đồng nghiệp từng mất mạng vì bọn cướp.
Cách đây chừng một năm, khi các động lắc tại Hà Nội bị đánh tơi bời, dân taxi đêm khi đó mỗi khi đi làm thường thủ theo người bông y tế hoặc nút nhựa bịt lỗ tai, bởi còn phải phục vụ bất đắc dĩ đám “dân bay”.
Có khi chúng đề nghị chở lòng vòng trong thành phố, ra ngoại thành hoặc đi tuốt sang các tỉnh lân cận rồi lại vòng về ngay trong đêm. Vớ phải đám này, một là được rất nhiều tiền, nếu gặp phải những cậu ấm cô chiêu có mỗi việc tiêu bớt tiền của bố mẹ, hai là công cốc, vì khi chúng lên xe vẫn đang phê, vẫy đại taxi cho đỡ phí thuốc, đến khi tỉnh dậy, chả thằng nào trong hội còn một cắc, nên nước ấy chỉ còn cách bùng.
Lái xe vớ phải đành ngậm đắng nuốt cay, rắn với chúng là gặp họa như chơi. Dân chơi đêm hiếm có thằng nào không mang theo “hàng”, động một tí là xách “hàng” ra “khoe” ngay lập tức. Vì thế, châm ngôn của cánh taxi là “thà mất tiền còn hơn mất mạng”.
Anh Tùng có lần còn gặp phải “ông khách đang phê hàng trắng", lên xe rồi “ông” trình bày hoàn cảnh đến là mệt, rồi còn mời vào nhà chơi. Rút kinh nghiệm các đồng nghiệp từng bị giết cướp với thủ đoạn này, anh Tùng kiên quyết không vào và nhận được câu trách móc rất thật lòng: “Bác không vào làm em buồn lắm, chẳng lẽ đến bác còn không muốn làm bạn với em ư”. Trách thế chứ trách nữa cũng đành chịu.
Một buổi tối đón khách ở Nhật Tân, anh Minh chở mấy ông khách khi đó đã “đi nghiêng nói ngọng” vì trước đó đã xơi đẫy bụng rượu thịt chó. Họ chỉ kịp trèo lên xe và nói với anh tài: “Cho về toà soạn trên phố Lý Thường Kiệt” rồi lăn ra ngủ.
Anh lái xe cứ nhằm phố Lý Thường Kiệt mà tới nhưng đến đầu phố rồi, anh quay lại hỏi địa chỉ cụ thể thì mấy ông khách đã đều đều kẽo gỗ, cả phố này có đến hơn chục toà soạn, biết toà soạn nào là “nhà” của mấy bác đây. Anh lái xe chẳng biết làm cách nào, may quá điện thoại trong túi quần của một ông khách đổ chuông, anh đánh liều “nghe hộ”.
Hoá ra bà vợ của ông này thấy khuya rồi mà chồng mình vẫn chưa về mới điện thoại “hỏi thăm”. Sau đêm ấy, anh tài tha hồ rửa xe vì sau khi “tạm biệt”, có vị đã kịp “cho chó ăn chè” đầy trên ghế. Ấy vậy mà khi đẩy được ông khách cuối cùng xuống xe, hỏi ông về đâu, ông ta vẫn lắc đầu nhe răng cười: “Không biết”.
Đang đậu xe chờ khách ở ngã tư Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Sơn, thuộc quận Long Biên (Hà Nội), anh Minh, một lái xe taxi chợt giật thót mình khi bị Phạm Thanh Tùng, đối tượng nghiện hút nặng giật cửa lao vào đẩy xuống đường, giằng lấy tay lái rồi phóng xe chạy thục mạng, để mặc anh Minh trợn tròn mắt, ú ớ kêu không thành tiếng.
Sau này, vị khách không mời đó cho biết anh ta nghiện nặng nên nhiều khi không làm chủ được hành vi, hôm ấy anh ta không có ý định cướp xe mà chỉ có ý “mượn tạm” một lúc để chở vợ con đi chơi bên nội thành, sau đó sẽ hoàn trả cho khổ chủ.
Trường hợp của anh Minh theo đánh giá của cánh taxi là còn quá may vì dù sao, “kẻ cướp” cũng chỉ “đùa” một tí mà không sờ đến tài sản, tính mạng vẫn được bảo toàn là tốt lắm rồi.
Một trường hợp tương tự là anh Bình được hai thanh niên thuê chở từ chợ Long Biên lên Khoang Xanh (Ba Vì – Hà Tây), khi đến Thạch Thất, chúng đẩy anh xuống, chúng nhắn cho một người bạn của anh Bình qua máy di động “đến Kho K.80, phường Cống Vị, Hà Nội mà nhận xe”.
Khi người nhà của anh Bình tới “điểm hẹn” thì y như rằng, chiếc xe quen thuộc của gia đình đã lù lù ở đó từ lúc nào. Chỉ có điều, tài xế Bình lúc ấy vẫn thất thểu cuốc bộ, trong lòng tan nát vì nghĩ rằng, chiếc xe của mình chẳng chóng thì chày cũng bị bọn cướp tháo tung bán cho chợ giời. Kiểu hành động như phim gangster trong hai vụ trên khiến cánh tài xế một phen đứng tim.
Còn kiểu cướp sau đây lại đặc biệt hơn, rơi vào trường hợp của anh Khanh được một người thuê chở từ Hà Nội về Hải Phòng, nhưng mới đến Hải Dương thì anh ta đã “đuổi” anh xuống với lời hứa “chỉ mượn đi công việc một lúc”.
Sau đó, anh ta nhắn cho cô nhân viên tổng đài rằng, xuống cây xăng X. mà nhận xe. Một lúc sau, anh này lại thông báo, khoảng 1 giờ nữa hắn sẽ trả xe ở Gia Lâm. Cuối cùng thì tên cướp đã “đúng hẹn”.
Hiếm có tên cướp taxi nào hành động “lịch sự” được như tên cướp này. Tuy rằng, kiểu hành động của hắn thường thấy trong các phim gangster của Mỹ nhưng dù sao cũng còn khá “dễ chịu” vì chẳng qua đó chỉ là một phút muốn làm “anh hùng”, hoặc có thể chỉ thực hiện theo lời thách đố của bạn bè mà thôi.
Hỏi cánh taxi, nỗi sợ nhất của họ là gì, hẳn ai cũng có chung câu trả lời sợ bị cướp, bị giết, và thực tế đã xảy ra nhiều vụ cướp của giết người táo tợn mà lái xe taxi là nạn nhân.
Hiếm có một công ty taxi nào nâng cao ý thức cảnh giác như ở Công ty cổ phần taxi Mai Linh. Ông Lê Văn Minh, Trưởng phòng Quan hệ cộng đồng của Công ty cho biết, mỗi tháng công ty tổ chức một buổi nâng cao nghiệp vụ tự bảo vệ mình cho lái xe. Chả thế mà mới đây, một anh tài xế của công ty còn bắt được một tên cướp giao cơ quan công an.
Những trường hợp như của anh Minh, anh Bình, anh Khanh, kể trên là còn may chán so với các đồng nghiệp như anh Long, bị một tên cướp dùng dao đâm thấu tim tại ngã ba Kim Liên - Lương Định Của vào lúc nửa đêm, hay như anh Đ. (lái xe Công ty taxi Hà Nội) bị chém 2 nhát uy hiếp cướp tiền khi đưa chúng từ SVĐ Mỹ Đình về trước cổng trường Lương Yên (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng).
Đau lòng hơn là trường hợp của anh C. (tài xế taxi hãng Hoa Phượng, bị một nhóm cướp gồm 4 tên thuê chở về Thái Bình. Đến cầu Bo, chúng bảo anh dừng lại để đi vệ sinh rồi thừa cơ giết chết anh, sau đó vòng về Hải Dương và ném xác anh xuống mương nước tại xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ.
Ngày rằm mùng một, nếu chịu khó để ý một chút, ở các bãi đậu xe taxi, sẽ bắt gặp cảnh cánh lái xe bày đồ cúng trên “bàn thờ” (nóc xe) và xì xụp hương khói khấn vái. Họ sợ nhất là trong cuộc đời làm tài xế của mình gây tai nạn chết người và bị cướp.
Anh Tùng nói đùa, anh em taxi chẳng chiến trường ngày nào thế mà cũng nhiều người trở thành “thương binh”, nhẹ thì bị đóng vài “dấu” (bị chém), nặng thì đi “buôn chuối” luôn. Nhưng khổ nhất là những trường hợp như anh D., bị một tên cướp giết hụt nên hoảng loạn, bây giờ mỗi ngày có 15 phút “chập mạch”, nói cười vô ý thức, ai thấy cũng phải đau lòng.
(Theo An Ninh Thế Giới)